Bài học của Dell cho thấy, các doanh nghiệp mà doanh nhân sẵn sàng chia sẻ quyền lực thay vì khư khư ôm lấy vị trí sáng lập và CEO thường có giá trị vốn hóa tối ưu hơn so với các công ty còn lại.

Sau một thời gian dồn dập những tin đồn làm xôn xao giới đầu tư, Michael Dell, nhà sáng lập công ty sản xuất máy tính lớn thứ ba thế giới, công ty máy tính Dell, cuối cùng đã thông báo ông sẽ bán lại một phần của Dell cho Silver Lake và một số nhà đầu tư khác trong một thoả thuận trị giá 24,4 tỷ USD.

Dell thành lập công ty năm 1984 và nhanh chóng trở thành một trong những nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới, rất thành công nhờ mô hình kinh doanh hướng đến khách hàng rất linh hoạt và mạch lạc. Khi nhà sáng lập Michael Dell bắt đầu tách khỏi việc quản lý trực tiếp năm 2004, kinh doanh tại Dell suy giảm nghiêm trọng. Giá trị vốn hoá rớt thê thảm khiến Michael Dell phải quay trở lại vị trí CEO năm 2007 để cố gắng xoay chuyển tình thế.

Mặc dù Michael Dell rất lạc quan về triển vọng, nhà đầu tư tiếc thay lại không nghĩ vậy. Cổ phiếu Dell trong thời kỳ bùng nổ của thời đại dotcom có giá trị lên tới 54 USD, thì đến năm 2007 chỉ còn 30 USD và năm năm sau, thời điểm năm 2012, chỉ còn chưa đến 10 USD một cổ phiếu. Theo Michael Dell, cổ phiếu đang bị định giá dưới giá trị. Ông quyết định tự mua lại cổ phiếu với giá 13,65 USD, để có thể thu quyền quyết định về trong tay mình, bớt đi các hoạt động báo cáo với nhà đầu tư cũng như trấn an các cổ đông ngày một thêm lo lắng về tình hình doanh số.

Cũng như những chiếc PC già nua, thế hệ như Michael Dell đã có thể gọi là già lão, lão hoá với tốc độ rất nhanh và khó có thể bắt kịp thay đổi của thời đại. Tại thung lũng Silicon, thường đến một thời điểm nào đó, các nhà sáng lập sẽ phải nhường chỗ cho những người sung sức hơn, thế nhưng thực tế cho thấy ở các tập đoàn lớn nhất và được điều hành tốt nhất, các nhà sáng lập đã phải trụ lại cùng chèo chống với công ty trong một thời gian rất dài.

Ở Mỹ, Oracle được điều hành bởi Larry Elison, Amazon là Jeff Bezos là những ví dụ điển hình. Châu Âu có Illiad, công ty viễn thông Pháp, sáng lập và điều hành bởi Xavier Niel, TSMC, một công ty chuyên sản xuất chất bán dẫn Đài Loan, sáng lập và điều hành bởi Morris Chang, đều là những minh hoạ sinh động. Nhiều công ty công nghệ cũng gặp ngay "vận rủi" khi nhà sáng lập ra đi. Apple là một ví dụ, khi mà Tim Cook không thể thay thế được cái bóng quá lớn của Steve Jobs, khi mà lợi nhuận công bố quý II chỉ đạt 6,9 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.

Một thế hệ khác, thế hệ của những nhà sáng lập trẻ và rất trẻ, như các nhà sáng lập Groupon, kinh doanh trực tuyến hay Zinga, trò chơi và mạng xã hội thì nhanh chóng cho thấy nhà sáng lập không đồng nghĩa với tài năng quản lý. Cả hai đều phải rời khỏi vị trí CEO sau khi kết quả kinh doanh cho thấy những con số đáng thất vọng. Thay vào vị trí của họ lại là các nhà quản lý chuyên nghiệp có độ từng trải và kinh nghiệm quản lý, như Eric Schmidt, cựu CEO của Google, Sheryl Sandberg, nhà quản lý tại Facebook, hay Jeff Weiner, nhà quản lý của LinkedIn.

Theo một nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard thực hiện trên 457 công ty công nghệ từ năm 2000 tới 2002, các doanh nghiệp mà doanh nhân sẵn sàng chia sẻ quyền lực thay vì khư khư ôm lấy vị trí sáng lập và CEO thường có giá trị vốn hóa tối ưu hơn so với các công ty còn lại. Cũng theo nghiên cứu này, các nhà sáng lập điều hành thường tốt hơn là CEO "đánh thuê”. Nguyên nhân là do xuất thân thuộc giới công nghệ, họ rất nhạy bén với thay đổi chu kỳ sản phẩm và thường có tầm nhìn tốt hơn về sản phẩm, dịch vụ, vốn là điều mà các nhà quản lý chuyên nghiệp không có được.

Với trường hợp của Dell, mặc dù bản thân Michael Dell đã làm tốt công việc của mình, nhưng giai đoạn mà ông ngừng quản lý, từ 2004 đến 2007, là một trong những giai đoạn quan trọng, thời điểm bắt đầu bùng nổ điện thoại thông minh, mà Dell bỏ lỡ và đã không duy trì được các điểm mạnh của mình trong thị trường công nghệ. Động thái của Michael Dell cùng với Silver Lake được cho là có tính chất đột phá, kỳ vọng sẽ không chỉ cứu Dell khỏi bờ vực suy thoái, mà còn mang lại triển vọng phát triển lớn cho công ty.

Phạm Tâm (Doanh nhân Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.