"Vũ khí dầu mỏ" không phải là khái niệm mới khi được các quốc gia áp dụng từ hàng chục năm trước để đạt những mục đích chính trị, kinh tế khác nhau. Michael Klare – tác giả của rất nhiều cuốn sách về năng lượng, như "Máu và Dầu mỏ" hay "Cuộc chiến tài nguyên" định nghĩa quyền lực rắn (hard power) là việc một quốc gia sử dụng sức mạnh quân sự để đạt được mục đích. Tuy nhiên, đây là điều rất nguy hiểm, tốn kém, rủi ro và phần lớn các nước đều tránh hết mức có thể. Còn quyền lực mềm (soft power) là sử dụng các biện pháp ngoại giao và thương mại, nhưng thường ít có tác dụng.
Quyền lực năng lượng (energy power) nằm giữa hai thái cực trên. Nó có thể mang tính cưỡng ép, với trường hợp cấm vận dầu mỏ. Chính việc này đã buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán và vừa chấp nhận thu hẹp chương trình hạt nhân, để đổi lấy việc được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã vắt kiệt kinh tế nước này hàng thập kỷ qua.
Sức mạnh năng lượng dường như là công cụ rất được ưa chuộng của Mỹ, Ảrập Xêút và nhiều quốc gia khác. Sự kiện đáng nhớ nhất của việc sử dụng "vũ khí dầu mỏ" là vào năm 1973. Khi đó, các nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định ngừng xuất khẩu nhiên liệu sang Mỹ, Nhật và Tây Âu, nhằm trừng phạt cho sự ủng hộ của nhóm này đối với Israel trong cuộc xung đột giữa Israel và liên quân Ảrập, dẫn đầu bởi Ai Cập - Syria.
Lượng dầu bị cắt giảm tương đương 7% sản lượng thế giới thời kỳ đó. Sự kiện này đã khiến giá dầu thế giới tăng cao đột ngột và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế 1973-1975 trên quy mô toàn cầu. Tháng 10/1973, giá dầu từ 3,01 USD nhảy lên 5,11 USD một thùng, và tăng đến gần 12 USD vào giữa 1974.
Hàng dài ô tô chờ được bơm nhiên liệu tại một trạm xăng ở Portland (Mỹ) năm 1973. Ảnh: EPA
Nguồn cung khan hiếm và giá cả tăng cao đã gây ra cảnh hàng người dài dằng dặc chờ đợi trước các cây xăng. Trong thời gian khủng hoảng, tại nhiều bang ở Mỹ, mỗi người dân chỉ được phép mua một lượng nhiên liệu nhất định. Giá đã tăng trung bình 86% chỉ trong vòng một năm từ 1973 đến 1974. Suy thoái và lạm phát lan rộng gây ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu cho tới tận thập niên 1980.
Sự kiện này đã thay đổi đáng kể chính sách ngoại giao của Mỹ. Năm 1973, Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon đã phải cử Ngoại trưởng Henry Kissinger sang Ảrập Xêút để thương lượng, đảm bảo việc này không bao giờ tái diễn với Mỹ.
Đến năm 1976, hai nước đạt thỏa thuận. Theo cuốn "The Colder War" của tác giả Marin Katusa, người Ảrập đã đồng ý cung cấp cho Mỹ đủ lượng dầu theo yêu cầu, và tăng giảm sản xuất theo lợi ích của Mỹ. Đồng thời, họ cũng sẽ tái đầu tư lợi nhuận vào trái phiếu Chính phủ Mỹ. Đổi lại, Mỹ sẽ bảo vệ Ảrập Xêút khỏi các đối thủ Ảrập khác, bảo vệ các giếng dầu của nước này, và bảo vệ họ khỏi sự xâm lược của Israel.
Washington sau đó cũng thực hiện hàng loạt biện pháp để dập tắt vũ khí dầu mỏ và ngăn các nước tái sử dụng. Trong đó có tăng sản xuất dầu trong nước và lập một thỏa thuận hỗ trợ lẫn nhau, do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) giám sát, yêu cầu các nước tham gia chia sẻ dầu với các thành viên khác chịu cấm vận.
Dù vậy, sau này, chính Mỹ lại tận dụng dầu mỏ để làm vũ khí chống lại các quốc gia khác. Theo CNN, năm 1979, Mỹ bắt đầu cấm vận Iran khi các sinh viên tham gia cách mạng nước này tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Tehran, bắt giữ hàng chục nhân viên ngoại giao Mỹ làm con tin.
Đến năm 2010, khi quan hệ của Iran với quốc tế căng thẳng do chương trình hạt nhân của nước này, Mỹ cùng Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đã áp dụng thêm hàng loạt lệnh trừng phạt. Trong đó có cấm nhập khẩu, mua bán và vận chuyển dầu mỏ - khí đốt từ Iran. Các công ty trong nước cũng bị cấm cung cấp thiết bị và kiến thức chuyên môn để Iran vận hành ngành hóa chất, dầu khí.
Hậu quả của những biện pháp này là từ một nước xuất khẩu 5,4 triệu thùng mỗi ngày năm 1978, đến năm 2013, con số này chỉ còn 700.000 thùng. Doanh thu bị mất từ dầu mỏ năm 2011 ước tính lên tới 95 tỷ USD. GDP Iran năm 2012 thậm chí tăng trưởng âm 1,9%, BBC cho biết.
Thiệt hại khổng lồ đã buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán với 6 cường quốc. Năm ngoái, hai bên đã ký được thỏa thuận hạt nhân. Các lệnh trừng phạt do Mỹ, EU và Liên Hợp Quốc áp đặt sẽ được dỡ bỏ. Đổi lại, Iran phải đồng ý hạn chế dài hạn chương trình hạt nhân. Đến cuối tuần trước, thỏa thuận này đã chính thức có hiệu lực.
Dầu mỏ cũng là một phần nguyên nhân khiến Liên bang Xô Viết tan rã. Cho đến những năm 70, dầu khí vẫn chưa phải là những ngành thống trị kinh tế Liên Xô. Mà đó là "sức mạnh công nghệ và công nghiệp tiên tiến", WSJ trích nhận định trong cuốn "Bánh xe số phận: Cuộc chiến Dầu mỏ và Năng lượng ở Nga" của tác giả Thane Gustafson cho biết.
Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa và nông nghiệp trì trệ đã không thể nuôi sống lượng dân thành thị ngày một tăng. Việc giá dầu tăng tốc hồi thập niên 70 đã giúp Liên Xô tránh được sụp đổ, nhưng lại khiến họ quá phụ thuộc vào dầu mỏ. Xuất khẩu dầu khí giúp họ nhập khẩu được lương thực từ phương Tây và thực hiện nhiều mục tiêu khác.
Bước ngoặt xảy đến năm 1985, khi dưới sự thuyết phục của Mỹ, Ảrập Xêút ngừng hỗ trợ giá dầu và tăng sản xuất với lý do bảo vệ thị phần, Telegraph cho biết. Chỉ trong 6 tháng, sản lượng của Ảrập Xêút tăng gấp 4, khiến giá dầu giảm mạnh. Hậu quả là Liên Xô mất gần 20 tỷ USD mỗi năm.
Mất doanh thu từ xuất khẩu dầu buộc Liên Xô phải vay phương Tây để trả tiền cho lương thực nhập khẩu. Họ dần mất đòn bẩy chiến lược tại Đông Âu. Với việc lạm phát phi mã và nạn đói năm 1991, Liên bang Xô Viết chính thức tan rã.
Vài năm trở lại đây, cuộc chiến dầu mỏ cũng ngày càng trở thành đề tài nóng trên thế giới. Từ 115 USD mỗi thùng hồi tháng 6/2014, giá dầu thô hiện chỉ còn gần 30 USD. Một phần nguyên nhân là kinh tế thế giới trì trệ, khiến tiêu thụ dầu giảm hơn dự kiến. Lý do khác là OPEC sản xuất nhiều hơn nhu cầu thị trường.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và hoàng tử Ảrập . Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, "thủ phạm" chính lại là những ông trùm dầu mỏ ở Bắc Dakota và Texas của Mỹ. Giai đoạn 2010-2014, khi giá dầu luôn dao động quanh 110 USD mỗi thùng, họ đã tìm ra cách khai thác dầu từ đá phiến - điều trước đây được coi là bất khả thi.
Từ năm 2010, những ông trùm này đã khai thác khoảng 20.000 giếng dầu mới, gấp 10 lần Ảrập Xêút, giúp nâng sản lượng dầu của Mỹ thêm một phần ba. Hiện tại, Mỹ đã là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, với 14 triệu thùng một ngày, cao hơn Ảrập Xêút (11,6 triệu thùng), Telegraph cho biết. Cuộc chiến sản xuất dầu giữa Mỹ và Trung Đông đã khiến cả thế giới chuyển từ trạng thái thiếu sang thừa dầu.
Trong quá khứ, với những tình huống thế này, Ảrập Xêút sẽ giảm sản lượng để nâng giá dầu. Nhưng lần này, họ lặp đi lặp lại tuyên bố rằng sẽ không cắt giảm để bảo vệ thị phần, và rằng nếu chỉ mình OPEC thực hiện việc này là điều không công bằng.
Giới phân tích cho rằng một mặt, Ảrập Xêút muốn tận dụng thời cơ này để đánh bật các hãng sản xuất dầu đá phiến Mỹ ra khỏi thị trường. Nhưng mặt khác, họ muốn gây tổn thương cho Iran và Nga. Vì Nga ủng hộ Syria, còn Iran luôn được coi là kẻ thù của Ảrập Xêút tại Vùng Vịnh. Nói cách khác, nước này có cả động cơ chính trị và kinh tế để giữ giá dầu thấp.
Thậm chí, cú giáng vào dầu đá phiến chỉ là "một tác dụng phụ tuyệt vời của động thái đánh Iran và Nga", Michael Moran - Giám đốc phân tích rủi ro toàn cầu của Control Risk nhận xét trong hội thảo năm 2014 của Câu lạc bộ Báo chí nước ngoài (OPC). Ông cho rằng, không hành động thực ra là động thái rất thông minh của người Ảrập Xêút. Giá dầu càng xuống thấp, các bước đi của họ càng được chú ý, và vai trò siêu cường dầu mỏ lại càng được củng cố.
Bên cạnh đó, động thái này cũng được cho là không tác động tiêu cực đến quan hệ đồng minh với Mỹ, cả về chính trị và chiến lược dầu mỏ. Vì rất nhiều công ty dầu đá phiến Mỹ là các hãng nhỏ, độc lập, chứ không phải các đại gia, như Exxon Mobil.
Giá dầu giảm đang tác động rất mạnh lên kinh tế Nga. Gần một nửa nguồn thu của Chính phủ Nga đến từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Giá dầu thấp lại diễn ra trong bối cảnh Nga đang gánh đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây vì cuộc khủng khoảng ở Ukraine. Ngân sách của Nga đang được xây dựng trên cơ sở giá dầu 50 đôla một thùng. Nhưng hiện tại giá chỉ còn gần 30 USD. IMF dự báo GDP của Nga giảm 3,8% trong năm 2015 và còn giảm thêm 0,6% nữa trong năm nay.
Ngoài Nga, hàng loạt quốc gia khác, như Nigeria, Venezuela, Iraq, hay thậm chí chính Mỹ và Ảrập Xêút cũng đang chịu tác động từ giá dầu giảm. Nhưng trong bối cảnh Mỹ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu đã kéo dài 40 năm qua, Iran được gỡ bỏ cấm vận quốc tế, còn mâu thuẫn nội bộ OPEC ngày càng sâu do căng thẳng ngoại giao Iran - Ảrập Xêút, cuộc chiến giá dầu chưa biết khi nào sẽ chấm dứt.
-
Không phải dầu mỏ cũng chẳng phải bitcoin, đây mới là thứ tài sản mà Bill Gates và Jeff Bezos đang đào
07/06/2022 2:50 PMĐó là cobalt, hay còn gọi là vàng xanh, là nguyên liệu quan trọng cho tương lai phụ thuộc vào năng lượng sạc bằng pin của toàn thế giới.
-
Tỷ phú dầu mỏ Na Uy đầu tư vào Bitcoin
10/03/2021 1:04 PMTỷ phú giàu thứ 2 Na Uy Kjell Inge Rokke cho biết ông có niềm tin lớn vào Bitcoin và ủng hộ mạnh mẽ đồng tiền điện tử này.
-
Giá dầu châu Á đi xuống sau dự báo của IEA về thị trường dầu mỏ
22/01/2020 8:37 PMGiá dầu châu Á giảm phiên chiều 22/1 sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo thị trường sẽ dư cung trong nửa đầu năm 2020, qua đó loại bỏ lo ngại về gián đoạn nguồn cung dầu từ Libya.
-
Saudi Aramco - từ sa mạc đến đế chế dầu mỏ 2.000 tỷ USD
13/12/2019 2:54 PMTrong ngày giao dịch thứ hai, giá cổ phiếu Saudi Aramco tăng mạnh, đưa giá trị vốn hóa của tập đoàn dầu mỏ khổng lồ chạm ngưỡng 2.000 tỷ USD.
-
Công ty của tỷ phú giàu nhất châu Á lọt vào nhóm đại gia dầu mỏ
20/11/2019 3:12 PMTập đoàn Reliance Industries của tỷ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani đã vượt mặt BP để lọt vào câu lạc bộ các công ty năng lượng hàng đầu thế giới.
-
Đế chế dầu mỏ Saudi Arabia trị giá 2.000 tỷ USD, gấp đôi Apple?
07/11/2019 10:07 AMTrước khi Saudi Aramco - nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới - phát hành cổ phiếu, câu hỏi lớn nhất được nhiều người đặt ra là liệu công ty này có trị giá 2.000 tỷ USD hay không.