Hãng xe Mỹ General Motors (GM) đang trong tình trạng tốt nhất kể từ thời kỳ hoàng kim của thập niên 1950 và 1960 với mức lợi nhuận kỷ lục, các sản phẩm có tính cạnh tranh cao và thị trường toàn cầu đang trên đà tăng trưởng. Thế thì tại sao Tổng Giám đốc (CEO) Dan Akerson lại nhăn mặt?

Ông Dan Akerson, Tổng Giám đốc của Hãng xe Mỹ General Motors (GM).

Đó là vì các vấn đề như mối bất hòa trong nội bộ về giá của chiếc Chevy Cruze mới (sản xuất tại Hàn Quốc nhưng được bán tại Mexico). Một nhà điều hành tài chính của GM tại Hàn Quốc muốn tăng giá lên để cải thiện kết quả kinh doanh của đơn vị mình trong khi đồng nghiệp của ông tại Mexico lại muốn bán giá rẻ. Hai bên đã tranh cãi rất căng thẳng, ai cũng muốn mọi chuyện theo ý mình.

“Mỗi khi nghĩ đến việc đó, tôi chỉ muốn…”, ông Akerson siết chặt nắm tay và nhăn mặt trước khi dừng lời.

Chuyện nghe có vẻ chỉ là tranh cãi vặt vãnh. Tuy nhiên, đó lại là thách thức lớn nhất mà Akerson phải giải quyết và việc giải quyết ổn thỏa sẽ quyết định con đường hồi phục bền vững của GM.

Khổ vì GM cũ

Hãng xe này đã lãi 7,6 tỉ USD vào năm ngoái. Trên toàn cầu, doanh số bán đã tăng 40% và thị phần đã ổn định trở lại sau một thời gian dài trượt dốc. GM đã đặt ra mục tiêu kiếm được 10 tỉ USD mỗi năm, mục tiêu mà nhiều chuyên gia cho là hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Thế nhưng, trong khi GM đang hồi phục thì Akerson và dàn quản lý của ông tại GM “mới” cứ liên tục vấp phải những bóng ma của GM “cũ”, một GM chậm cải tiến, đã rơi vào phá sản năm 2009.

Jeremy Anwyl, Tổng Giám đốc của hãng nghiên cứu ngành ôtô Edmunds.com, hoài nghi liệu các thông điệp Akerson và dàn quản lý của ông đưa ra có được hiểu rõ từ trên xuống dưới và được triển khai đầy đủ hay không. “Tôi không thấy những người trong Công ty nghĩ rằng đây là điều rất quan trọng trong cuộc chuyển mình của GM hay đây là sự cấp thiết gì cả”, ông nói.

Thực vậy, hãng xe này vẫn hoạt động cát cứ với nhiều công ty nhỏ một cách kém hiệu quả. Hoạt động sản xuất bị phân khúc, cắt rời đã không thể giúp GM tận dụng được vị thế toàn cầu của mình. Ngoài ra, hệ thống kế toán tài chính lỗi thời cũng khiến Hãng thêm khó theo dõi được nguồn tài chính phân bổ giữa các bộ phận.

Điều đáng nói là cơ chế quan liêu nổi tiếng xưa nay của GM vẫn tồn tại dai dẳng. Không ít nhà điều hành tại hãng xe này cho biết các quyết định lớn nhỏ của họ đều bị những nhà quản lý cấp trung phản bác, hoặc gây khó khăn. Họ cho biết GM vẫn còn gánh một lượng nhân viên quá lớn, có quá nhiều mẫu xe trong khi hoạt động của nhiều bộ phận bị chồng chéo.

Ông Akerson và dàn quản lý của mình trong đó có Giám đốc Sản phẩm Mary Barra, Chủ tịch GM ở Bắc Mỹ Mark Reuss và Giám đốc Marketing Joel Ewanick đều cho biết đã có cải tiến trong việc giải quyết vấn đề gốc rễ tại đây và đang nỗ lực để tạo ra một GM tinh gọn và chặt chẽ hơn. Thế nhưng, ông cũng thừa nhận việc đưa GM thoát khỏi bóng ma quan liêu khó hơn ông nghĩ.

Vẽ lại bản đồ tổ chức của GM

Mặc dù thu được kết quả kinh doanh khả quan, nhưng đáng lo ngại là đà phục hồi của GM đang có dấu hiệu đi xuống. Hiện tại, hãng xe này còn bám đuôi Ford tại sân nhà cả về tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẫn khả năng sinh lời. Chrysler Group, một thời là hãng xe kém cạnh tranh, nay đã giành thêm được 1,4 điểm phần trăm thị trường ôtô Mỹ trong năm nay (tính đến hết tháng 5.2012), lên mức 11,2%. Trong khi đó GM lại bị rớt mất 2 điểm phần trăm, chỉ còn 17,8%. “Chúng ta đang tạo ra lãi, nhưng không nhiều so với một công ty có quy mô lớn như chúng ta”, Akerson thẳng thắn chỉ ra trong một cuộc họp với các nhà quản lý cấp dưới của mình.

Những thách thức của GM có nguồn gốc từ nhiều thập kỷ trước. Thành lập năm 1908, GM đã lớn mạnh nhờ việc mua lại các nhãn hàng ôtô và sau đó là các công ty như điện tử, hàng không. GM đã chia tách hoặc bán lại những công ty này nhưng những “mảnh ghép” còn lại thì chưa bao giờ khớp nhau. Để tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ phận, Akerson đang thực hiện một chương trình cải cách đầy tham vọng nhằm vẽ lại bản đồ tổ chức của GM, để loại bỏ những hệ thống bị dư thừa.

Akerson đang muốn “rã máy” 4 khu vực cấu thành nên GM ngày nay là Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu và Bộ phận Quốc tế để lắp ráp chúng lại một cách khoa học hơn. Mục tiêu của ông là đánh giá lại từng chức năng chính của GM như sản xuất, thu mua và marketing và đưa các chức năng này vào sự cai quản của một nhà điều hành duy nhất. Mỗi quốc gia sẽ có một nhà điều hành phụ trách sản phẩm, doanh số bán và giá. Việc tái tổ chức này, nếu thành công, sẽ là sự thay đổi lớn nhất trong cơ cấu của GM và đưa GM bắt nhịp tốt hơn với các đối thủ như Ford, Toyota và Volkswagen.

Bước đầu tiên của Akerson là thực hiện một hệ thống kế toán cho phép GM theo dõi dòng tiền được rót vào đâu và rót như thế nào qua các bộ phận. Ông Akerson cho biết việc này sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.

Khi được hỏi văn hóa doanh nghiệp tại GM đã thay đổi như thế nào kể từ trước khi phá sản xét trên thang điểm 100, ông Akerson đã trả lời: “Khoảng 20,25 điểm. Chúng tôi vẫn còn một quãng đường dài để đi”.

Một số những thay đổi tích cực này là từ đợt đại tu do Ewanick triển khai. Đây là người Akerson đã tin tưởng cất nhắc từ vị trí Giám đốc marketing khu vực Bắc Mỹ lên đứng đầu bộ phận marketing toàn cầu.

Ewanick đã bỏ ra hàng tháng trời bay sang các thị trường của GM, từ Brazil cho đến các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, để tìm hiểu thực tế, lấy thông tin về số tiền GM đã dành ra để quảng cáo và kết quả thu được. Ông cho biết giữa lúc đang bận tái thiết bộ phận marketing, ông đã không thể tập trung nhiều vào việc sáng tạo và đề ra chiến lược cho các chiến dịch quảng cáo của GM. Vì thế, các chiến dịch quảng cáo của Ford và Chrysler đã chớp lấy cơ hội thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.

Hệ thống mới nói trên có giúp GM bán nhiều xe hơn hay không thì vẫn chưa rõ. Nhưng có một tin vui là đợt tái cấu trúc Chevrolet và những thay đổi khác dự kiến sẽ tiết kiệm được cho GM hơn 2 tỉ USD trong 5 năm tới, theo dự báo của Ewanick.

Nỗ lực của ông đang giúp Akerson dễ dàng hơn cho việc tái cấu trúc GM. Tuy nhiên, Akerson cho biết sẽ mất vài năm nữa mới có thể toàn cầu hóa mảng sản xuất của GM.

Thế nhưng, một lần nữa, sự chống đối từ nhiều tầng quản lý của GM đang làm cho quy trình này chậm lại. Không chỉ vậy, các nhân viên văn phòng đã bất bình với một số quyết định của Akerson trong đó có việc ông thay đổi chính sách lương hưu và cắt giảm mạnh tiền thưởng năm ngoái mặc dù Công ty đã đạt mức lợi nhuận kỷ lục.

Đầu năm nay, sau những phản hồi bất mãn về chính sách lương hưu mới, Akerson đã triệu tập một cuộc họp toàn Công ty để giải thích. “Bây giờ mọi người đã bớt lo ngại hơn vì đã hiểu được Công ty đang cố gắng đạt được những gì”, Susan Eckel, kỹ sư trưởng giám sát các chiếc SUV cỡ trung của GM, cho biết.

Trong số những nhiệm vụ lớn mà Akerson phải thực hiện là tinh gọn các dòng xe. Mặc dù GM đã xóa sổ 4 nhãn xe trong giai đoạn phá sản nhưng vẫn còn quá nhiều mẫu xe so với các đối thủ.

Ông Reuss cho biết GM sẽ bỏ các mẫu xe đang bị chìm nghỉm trên thị trường như xe sedan STS và DTS của nhãn Cadillac. Nhưng sẽ phải chờ đến khi có các mẫu xe khác thay thế. Việc này lại phải tùy thuộc vào Barra. Bà đang nỗ lực dẹp bỏ những cản trở trong việc phát triển sản phẩm để nhanh chóng đưa các mẫu xe mới ra thị trường.

Bà cho biết nỗ lực đẩy nhanh quá trình ra quyết định trong khâu phát triển sản phẩm đã giúp cắt giảm hơn 1 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, các nhà quản lý tại châu Âu đã phản đối quyết định của bà và các nhà điều hành khác về việc thay thế các động cơ xe nhỏ bằng động cơ sạch hơn đang được sử dụng tại các khu vực khác. Họ đã tranh cãi rất quyết liệt và ông Akerson buộc phải nhảy vào can thiệp để quyết định của Barra được triển khai.

Rõ ràng, chặng đường phía trước của Akerson không hề dễ đi chút nào. Và một mối lo ngại khác cho Akerson là trong khi ông đang cố gắng thúc đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc GM thì Chrysler và VW đã từng bước giành lấy thị trường tại Mỹ, còn Toyota thì đã quay trở lại một cách tràn đầy sinh lực sau cuộc khủng hoảng thu hồi ôtô.

Theo NCĐT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.