Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI - chỉ ngủ 5 tiếng một ngày, thích nhận quà Tết nhân viên tự làm, quan tâm đến nhân viên nữ theo cách riêng: hỗ trợ tiền mua đồ trang điểm.

Những chuyện đặc biệt…

Một nhân viên làm việc ở tập đoàn vàng bạc ông Phú làm chủ cho biết, công ty có chế độ về đồ trang điểm cho các nhân viên nữ, nên khi xuất hiện trước khách hàng, các nhân viên đều rạng rỡ, xinh đẹp. Không chỉ tại công ty vàng bạc, khi trở thành Chủ tịch HĐQT ngân hàng Tiên Phong, ông Phú cũng muốn đưa văn hóa này về áp dụng, để phần nào ghi nhận những đóng góp của các nhân viên cho hoạt động chung của doanh nghiệp. “Với tôi, các cán bộ, nhân viên đều là cộng sự, là người cùng mái nhà, như gia đình, nên tôi luôn muốn làm những gì tốt nhất có thể. Đặc biệt, tôi nghĩ cần quan tâm đến nhân viên trên tình cảm của người cha, người chú, anh, mình là cấp trên nhưng cũng đồng thời là đồng nghiệp, có sự chia sẻ rất cụ thể”, Chủ tịch DOJI nói về việc trang bị đồ trang điểm cho nhân viên nữ.

Theo ông, việc làm này một phần thể hiện sự chăm sóc cho phái yếu - những người chiếm đại đa số trong những doanh nghiệp của ông, nhưng cũng thể hiện sự khuyến khích đối với nhân viên, cũng như sự đồng cảm, chia sẻ, nâng niu. “Dĩ nhiên, mỗi doanh nghiệp có cái khó riêng, nhưng chắc chắn nếu nhân viên, đặc biệt là nhân viên nữ được quan tâm thì họ sẽ thấu hiểu. Đó là văn hóa mà chúng tôi đã dày công xây dựng”, Chủ tịch tập đoàn vàng bạc đá quý lớn nhất Việt Nam chia sẻ.

Chủ tịch DOJI Đỗ Minh Phú là một doanh nhân tuổi Tỵ thành đạt.

Đã từng có một bài báo nước ngoài viết về những doanh nhân thành công nhờ “ít ngủ”. Chẳng hạn, chuyện CEO Yahoo chỉ ngủ 4-6 tiếng/ngày, CEO Pepsi 4 tiếng… và họ đều là những doanh nhân thành đạt. Đỗ Minh Phú, có lẽ, thành công cũng nhờ yếu tố này. Ông chia sẻ, mỗi ngày bắt đầu công việc lúc 6h sáng, và kết thúc vào 0h đêm hoặc 1h sáng hôm sau. Nghĩa là ông chỉ có 5 đến 5 tiếng rưỡi, chủ yếu để ngủ. “Có lẽ thú vui duy nhất của tôi là làm việc, tức là để cho đầu óc luôn vận động, dù tay chân có thể đang không làm gì. Chẳng hạn như tôi đọc sách, nhưng không phải để thư giãn, mà để hiểu một cái gì đó. Về nhà, nếu xem tivi, tôi thích xem quảng cáo để học về marketing, tùy bạn hiểu đó là thư giãn hay làm việc”, lãnh đạo DOJI chia sẻ khi được hỏi về thú vui trong cuộc sống.

Ông Phú sinh năm 1953 (Quý Tỵ) trong gia đình có truyền thống làm kinh doanh 3 đời. Cha ông - cụ Đỗ Thế Sử - là một trong những sáng lập viên công ty tiền thân của tập đoàn DOJI. Ngoài em trai Đỗ Anh Tú - Tổng giám đốc công ty Diana - cùng làm tại HĐQT ngân hàng Tiên Phong, các anh em của ông Đỗ Minh Phú đều thành đạt.
Thích nhận quà Tết do nhân viên tự tay làm

Có người thắc mắc, Tết của một doanh nhân giàu có sẽ như thế nào và tầng lớp này quan niệm ra sao về Tết. Với “Phú DOJI”, Tết là dịp để nghỉ ngơi bởi “không đâu có cảm giác yên ấm, thanh bình, hạnh phúc như dịp Tết, tội phạm không, đường sá thênh thang, người người hồ hởi”. Ông nói, 365 ngày trong năm, may ra có dịp Tết mới là lúc để được xả stress, nghỉ ngơi. Hơn nữa, đây cũng là lúc gợi cho vị doanh nhân 60 tuổi nhớ về những kỷ niệm xưa cũ, khi còn là một cậu bé. “Còn nhỏ, gia đình còn khó khăn, Tết là dịp thích nhất, được ăn những món ăn mình rất thèm, nên đến bây giờ, dù cuộc sống đầy đủ, tôi vẫn thèm không khí ấy”, ông bộc bạch.

Còn về quà Tết, Chủ tịch DOJI cũng không ngần ngại cho biết, năm nào, ông cũng nhận được khá nhiều, trong đó có cả những món giá trị từ đối tác, ngân hàng bạn, nơi có quan hệ. Nhưng sau đó, tất cả số quà này được đưa lại cho phòng hành chính để sử dụng vào những việc có ích, hoặc tặng lại cho nhân viên, những cộng sự đã từng làm việc cùng và đã nghỉ.

Vị doanh nhân này chia sẻ, không nhận tiền, dù rất trân trọng và không nghĩ người tặng sẽ nhờ vả hay lợi dụng gì mình cả. Còn quà Tết, ông cũng có nguyên tắc là quy định thẳng với nhân viên, phải tặng quà không có giá trị vật chất. “Đó có thể là cân gạo nếp, khoanh giò, gói mứt tự làm - dù giá trị nhỏ, nhưng là tấm lòng chân tình của họ. Có khi đối tác tặng con cá khô phải mất thời gian mới ăn hết, nhưng tôi cảm thấy rất trân trọng”, ông nói và bày tỏ với người Việt Nam, tặng quà là một trong những lễ nghĩa vào dịp Tết, thể hiện được truyền thống tốt đẹp, song quà không bao hàm ý nghĩa vật chất.

Kinh doanh vàng không như đánh bạc

20 năm trong nghề kinh doanh vàng, đá quý Đỗ Minh Phú chiêm nghiệm được những nguyên tắc “vàng” trên thương trường. Ông quan niệm, vàng cũng giống như con ngựa bất kham, kiểm soát không dễ, nắm cương, thuần phục càng không dễ và để cưỡi được lên lưng nó mà phi một đoạn đường dài thì còn khó hơn gấp bội. Vì thế mà, trong khi người ta say sưa với mức lợi nhuận khổng lồ kim loại này mang lại, thì “Phú DOJI” lại biết chế ngự đúng lúc lòng tham của mình, và đặt ra những nguyên tắc bất di bất dịch trong nghiệp kinh doanh. Ông chia sẻ, làm vàng, đừng bao giờ say sưa với lợi nhuận quá đà, cũng đừng mong muốn “đón đỉnh, bắt đáy”. Với vàng, có những nguyên tắc nằm trong quy luật và ngoài quy luật, không như đánh bạc để cho người ta có thể nhận về mặt sấp hay mặt ngửa.

Nguyên tắc đầu tiên là phải tỉnh táo, vì có khi, trong một ngày, giá vàng tăng 10% nhưng khi đổi chiều lại giảm 10%, thậm chí giảm thêm 5% nữa, thì người kinh doanh đang từ lãi 10% chuyển sang lỗ 5% chỉ trong chốc lát. Thứ nữa, phải biết chế ngự lòng tham. Lòng tham trong kinh doanh vàng là thứ mà bất cứ ai khi vướng vào nghiệp này cũng có. Vàng, theo ông Phú, đúng là tạo ra lợi nhuận lớn, nhưng bù lại, kinh doanh mặt hàng này là một cái bẫy lớn đầy rủi ro, mà nếu không biết dừng đúng lúc, có thể sa chân bất cứ lúc nào.

20 năm tham gia thị trường vàng, đá quý, ông đã đúc rút được kinh nghiệm và áp dụng, đó là đảm bảo uy tín thanh khoản: Khi nào thị trường cần mua thì doanh nghiệp đủ vàng đáp ứng, cần bán lại đủ tiền để mua, bất cứ nhu cầu nào cũng đáp ứng được. “Vì thế mà doanh nghiệp cần phải giữ uy tín. Giả định nếu người dân cần tiền muốn bán vàng, mình là doanh nghiệp mình muốn mua mà lại không đủ tiền thì đừng ‘nói chuyện’. Ngược lại, nếu người dân muốn mua vàng để cất trữ, thì ngay cả khi thị trường đổ xô đến mua, doanh nghiệp có để bán song lại phải làm thế nào để bán xong giá thay đổi, phòng ngừa rủi ro, cân đối như thế thế nào thì cũng cần tính toán”, ông Phú đúc kết.

Xem thêm bài viết về: Ông Đỗ Minh Phú
Lan Anh (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Giữa “thùng nước sôi” và “chảo lửa”

    Giữa “thùng nước sôi” và “chảo lửa”

    30/01/2014 4:46 PM

    Năm 2013 đã đi qua. Đối với chúng tôi, năm Quý Tỵ là một thử thách. Nó thử thách với hai lĩnh vực nóng bỏng và có rất nhiều câu chuyện để nói. Đó là việc tái cơ cấu ngân hàng và việc tham gia thị trường vàng.

  • Quyền lực tuổi Tỵ của 4 ông chủ ngân hàng

    Quyền lực tuổi Tỵ của 4 ông chủ ngân hàng

    19/09/2013 9:46 AM

    Họ là những người sinh năm 1953 cầm tinh con rắn và cùng thành công trong lĩnh vực ngân hàng.

  • Chủ tịch tuổi Tỵ của tập đoàn DOJI

    Chủ tịch tuổi Tỵ của tập đoàn DOJI

    10/02/2013 12:23 PM

    Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI - chỉ ngủ 5 tiếng một ngày, thích nhận quà Tết nhân viên tự làm, quan tâm đến nhân viên nữ theo cách riêng: hỗ trợ tiền mua đồ trang điểm.

  • Kinh doanh trong 3 chữ Tự

    Kinh doanh trong 3 chữ Tự

    04/07/2012 2:43 PM

    Tại sao ông Đỗ Minh Phú có thể đưa Tập đoàn DOJI tăng trưởng đều đặn 50% qua suốt thời kỳ khủng hoảng và đạt doanh thu 30.000 tỉ đồng trong năm 2011? Và sự kiện Diana bán cho Unicharm, cũng như việc anh em nhà họ Đỗ mua lại Ngân hàng Tiên Phong, có ý nghĩa như thế nào?

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.