Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thăm Nga vào cuối tháng 4 theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Kim Kong-un sẽ chính thức thăm Nga theo lời mời của Tổng thống Putin vào tuần tới.

Hiện tại, cả Nga và Triều Tiên đang tiến hành những bước cuối cùng để chuẩn bị cho chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ diễn ra trong ba ngày bắt đầu từ thứ Tư tuần tới. Theo nhiều nguồn tin cho biết, ông Kim sẽ đến nước Nga bằng tàu hỏa và sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Putin trên đảo Russky ngoài khơi thành phố Vladivostok, Nga.

Vào tuần trước, chính quyền Nga đã nhận được thông báo về các địa điểm sẽ được dùng để tổ chức cuộc gặp. Hiện một quan chức cấp cao của Triều Tiên hiện đang ở Vladivostok, tuy nhiên, vẫn có khả năng Bình Nhưỡng sẽ thực hiện một số thay đổi về địa điểm.

Tổng thống Putin từ lâu đã bày tỏ mong muốn được gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên. Cuộc gặp này sẽ là dấu mốc cho quan hệ hai nước khi đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ thời điểm cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il gặp Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev vào năm 2011.

Ông Kim Jong-il đã đến thăm Nga ba lần, kể cả các chuyến đi trước đó vào năm 2001 và 2002; trong khi ông Putin đến Triều Tiên một lần vào năm 2000.

Có thể thấy rằng, kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc, nhiều ý kiến cho rằng, ông Kim Jong-un sẽ sớm liên lạc với "đồng minh" truyền thống sau khi ông không nhận được cam kết sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi về mối quan hệ ngoại giao thân thiết này. Vào đầu những năm 1990, mối quan hệ Moscow-Bình Nhưỡng đã nguội lạnh đáng kể khi Liên bang Nga mới đang vật lộn để thích nghi với những cú sốc hậu Liên Xô và đối mặt với việc mất vị thế là một siêu cường quốc trên thế giới.

Các quan chức Nga vào thời điểm đó đã công khai nói về sự tách rời giữa CHDCND Triều Tiên và Liên bang Nga trong khi cuộc tranh luận về việc liệu nước Nga hậu Xô Viết có bị ràng buộc bởi Hiệp ước hữu nghị năm 1961 với Triều Tiên hay không vẫn chưa ngã ngũ. Đặc biệt, sau khi cuộc khủng hoảng hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên diễn ra vào năm 1993-1994, mối quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng đã nguội lạnh đáng kể.

Sau khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền, sự nhạy cảm chính trị của ông đã làm mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước được cải thiện trở lại. Ba chuyến thăm của ông Kim Jong-il đến Nga là nỗ lực để củng cố việc thiết lập lại quan hệ Moscow-Bình Nhưỡng và tranh thủ sự trợ giúp của Nga trong các vấn đề kinh tế của Triều Tiên.

Ông Kim Jong-il gặp Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev vào tháng 8/2011

Do đó, giới quan sát dễ dàng thấy, chuyến thăm của ông Kim đến Triều Tiên lần này mang kỳ vọng nhờ cậy Nga trong nỗ lực thoát khỏi sự cô lập về kinh tế. Tổng thống Putin dường như rất sẵn lòng. Nga đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ đối với Triều Tiên để giảm bớt các lệnh trừng phạt kể từ khi Triều Tiên mở các cuộc đàm phán hạt nhân vào năm ngoái.

Andrei Lankov, chuyên gia và giáo sư về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul nhận định, mối quan hệ đồng minh về kinh tế và ngoại giao kể từ thời của lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành, ông nội của ông Kim Jong-un đã là một nền tảng tốt và được duy trì khá bền bỉ cho đến hiện tại.

"Ông Kim không cần phải đến Nga để chứng minh sự hỗ trợ của Kremlin cho Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã có điều này và nhận thức rõ về điều đó. Những gì ông Kim Jong-un có thể sẽ làm trong cuộc gặp với Putin là củng cố thêm một mối quan hệ song phương một cách chắn chắn", ông Andrei cho biết.

Chuyên gia này cũng cho biết thêm, rất có khả năng hai nhà lãnh đạo có thể sẽ thảo luận về cách khắc phục những hạn chế của Mỹ trong việc thuê nhân công Triều Tiên ở nước ngoài và những hỗ trợ kinh tế tiềm năng khác.

Mặt khác, bằng cách đến thăm Nga, ông Kim đang cố gắng chứng minh với Mỹ rằng ông không bị cô lập và tạo ra kế hoạch ngoại giao dự phòng trường hợp mối quan hệ với Bắc Kinh xấu đi. Việc ông Kim Jong-un gặp trực tiếp ông Putin sẽ gửi tín hiệu rằng Bắc Kinh không phải là đối tác có ảnh hưởng duy nhất với Triều Tiên.

Nếu thành công trong việc củng cố quan hệ song phương giữa Triều Tiên và Nga sẽ thành công trong việc "một hòn đá ném hai con chim", khi "đánh" một tiếng chuông báo động tới Mỹ, cũng có thể khiến Bắc Kinh khó chịu; đồng thời cũng dấu hiệu cho thấy Nga có thể đang nổi lên như một thách thức đối với lưỡng cực Trung-Mỹ ở Đông Bắc Á.

Về cơ bản, đây là một nước cờ khôn ngoan của nhà lãnh đạo Triều Tiên với các cường quốc xung quanh đất nước mình. Nếu ông Kim đã gặp lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần và giao tiếp trực tiếp với Tổng thống Mỹ hai lần, nhưng không có cuộc gặp với ông Putin một cách kịp thời, điều đó có thể tạo ra sự lúng túng trong quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng.

Chuyến thăm Nga sẽ có ý nghĩa lịch sử với ông Kim. Dù tương lai các cuộc đàm phán với Mỹ có ra sao, ông Kim cũng đã hình thành con đường riêng cho mình và ông đang cho chính quyền Mỹ thấy rằng, Triều Tiên có nhiều vũ khí không chỉ riêng chương trình hạt nhân.

Cẩm Anh (Enternews)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.