Hai bí quyết điều hành của hai CEO nằm trong danh sách những người xuất sắc nhất.
Dựa trên những chỉ số về tài chính (như lợi nhuận, mức độ tăng trưởng…) và về ESG (Environmental, Social and Corporate Governance – nhóm các yếu tố như môi trường, xã hội và quản trị trong doanh nghiệp)…, mới đây, trang Harvard Business Review đã công bố danh sách 100 CEO (giám đốc điều hành) xuất sắc nhất năm 2017.
Trong đó, hai vị trí đứng đầu lần lượt thuộc về Pablo Isla (CEO của Inditex) và Martin Sorrell (CEO của WPP). Một số cái tên quen thuộc trong Top 100 là Bernard Arnault (LVMH) hạng 5, Frederick Smith (Fedex) hạng 34, Jeffrey Bezos (Amazon) hạng 71, Paul Polman (Unilever) hạng 82 và Ian Cook (Colgate-Palmolive) hạng 100.
Theo nhóm nghiên cứu, sở dĩ những CEO nổi tiếng như Jeffrey Bezos, Paul Polman… không nằm ở vị trí đầu bảng, bởi ngoài các chỉ số về tài chính thì chỉ số ESG ngày nay đang có một vai trò vô cùng quan trọng và cũng góp phần không nhỏ vào việc đánh giá khả năng của một CEO.
Cụ thể, trong một nghiên cứu được George Serafeim, giáo sư giảng dạy về quản trị kinh doanh thuộc Harvard Business School thực hiện, thông qua việc khảo sát 413 doanh nghiệp hàng đầu tại Mỹ, đã nhận ra rằng ESG đang là chất liệu để rất nhiều nhà đầu tư tin tưởng vào một CEO. Có hơn 50% nhà đầu tư (trong tổng số 413 doanh nghiệp) tin rằng một công ty có điểm ESG cao là một công ty ít rủi ro hơn trong tương lai.
“Nếu xếp theo chỉ tiêu lợi nhuận tài chính, Pablo Isla chỉ đứng thứ 18, còn người đứng đầu chính là Jeff Bezos. Tuy nhiên kể từ năm 2015, sau khi chúng tôi sử dụng ESG như một hình thức tính điểm, thì mọi thứ trở nên khách quan hơn.
Bởi ở mỗi ngành nghề có những đặc thù tài chính khác nhau và không phải lúc nào nhà quản trị cũng là người tìm được một mỏ vàng mới để khai phá” – nhóm nghiên cứu thuộc Harvard Business Review đánh giá.
Dưới đây là hai bí quyết điều hành của hai CEO nằm trong danh sách những người xuất sắc nhất.
Pablo Isla: Đừng theo đuổi thành công, hãy theo đuổi sự ưu tú
Trong bài phát biểu tại buổi diễn văn tốt nghiệp của IESE Business School, Pablo Isla đã gửi gắm đến các nhà quản trị tương lai bí quyết thành công của mình, đó là chúng ta không nên theo đuổi sự thành công, mà hãy theo đuổi sự ưu tú.
Pablo Isla luôn cho rằng, CEO là vị trí nhận lãnh trách nhiệm lớn nhất ở bất cứ doanh nghiệp nào, vì thế chúng ta phải luôn nỗ lực hoàn thành tốt tất cả trách nhiệm được giao, chứ không đơn thuần chỉ là hoàn thành tốt các mục tiêu.
Đơn cử, nếu CEO chỉ hướng tới thành công, thể hiện qua các con số về tăng trưởng lợi nhuận, doanh thu… thì anh ta sẽ dễ trở nên bất chấp tất cả, làm việc phạm pháp, hay tạo ra môi trường doanh nghiệp tồi tệ…
Pablo Isla, CEO của Inditex
Hướng tới sự ưu tú chính là cách Paplo Isla sử dụng để xây dựng nên Inditex, từ một cửa hàng duy nhất ở La Coruña (thành phố nằm ở phía tây bắc Tây Ban Nha) vào năm 1975 đến 6.300 cửa hàng trên toàn thế giới ngày nay (theo IESE Business School).
“Ở Inditex, chúng tôi luôn ghi nhớ bốn quy tắc. Một, con người là tài sản quan trọng nhất của công ty. Hai, bất cứ nhân sự nào cũng phải có đam mê và tinh thần trách nhiệm trong công việc. Ba, dù bạn làm ở Inditex bao lâu, thì bạn luôn phải giữ được tinh thần và cảm giác như thể đây là lần đầu tiên bạn đi làm. Cuối cùng, tất cả mọi thứ bạn làm, bạn hành xử, đều phải dựa trên những quy tắc đạo đức, hướng tới sự tự hoàn thiện bản thân. Bởi nếu không có đạo đức, ba điều đầu tiên sẽ hoàn toàn vô nghĩa” – Paplo Isla chia sẻ.
Ngoài ra, Paplo Isla cũng khuyến khích chúng ta nên theo đuổi hoặc đam mê một môn nghệ thuật, một loại hình nghệ thuật nào đó. Bởi nghệ thuật sẽ dạy cho chúng ta về niềm đam mê và khả năng thấu cảm. Paplo Isla đã khóc trong nhiều giờ đồng hồ khi đọc về cái chết của Aureliano Buendía – nhân vật trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn.
Martin Sorrell: Tầm nhìn xa, vui vẻ và đừng nghĩ mình đã quá già
Xếp thứ hai trong danh sách là Martin Sorrell, CEO của WPP, một trong bốn công ty quảng cáo và truyền thông lớn nhất thế giới (theo The New York Times). Bí quyết thành công của Martin Sorrell chính là có tầm nhìn xa, giữ được sự vui vẻ và đừng bao giờ nghĩ mình quá già.
Đầu tiên, đó là có được một tầm nhìn xa. Martin Sorrell cho rằng, bởi sự hữu hạn của thời gian và nguồn lực, nên nhiều doanh nghiệp ngày nay thường tập trung vào những lợi ích ngắn hạn, tầm nhìn chiến lược theo quý, theo một vài năm.
Nhưng thực ra đây lại là một sai lầm. Bởi nhà quản trị nếu không có tầm nhìn dài hạn, thậm chí là đi trước thời đại, thì rất khó để có thể xây dựng chiến lược, các bước đi, những hệ thống văn hóa, quy tắc… bài bản và bền vững cho doanh nghiệp.
Martin Sorrell, CEO của WPP
Thứ hai, đó là chúng ta cần giữ được sự vui vẻ cho chính mình. Vui vẻ tạo ra năng lượng, sự thoải mái và cả sự sáng tạo. Những ý tưởng tuyệt vời thường đến từ những câu nói đùa – do đó chúng ta cần giữ được sự vui vẻ. Tất nhiên, đa số chúng ta chỉ có thể vui vẻ nếu tìm được một công việc yêu thích trong một công ty mà chúng ta cảm thấy thoải mái. Vì thế nếu chúng ta không thể vui vẻ trong công việc, thì thời gian của sự thay đổi có thể đã đến.
Cuối cùng, Martin Sorrell cho rằng, tuổi chỉ là những con số, nên chúng ta không bao giờ là quá già hay quá trẻ để bắt đầu bất cứ một điều gì.
“Bạn không bao giờ quá già để tự cải tạo bản thân mình. Ở tuổi 40, tôi vẫn bình thản hình dung ra kế hoạch cho 20 năm tiếp theo mà chẳng mảy may nghĩ tới việc nghỉ hưu” – Martin Sorrell cho biết.
Và quả thực, hiện tại, ở tuổi 72, Martin Sorrell vẫn chưa có kế hoạch cho việc nghỉ hưu. Ông vẫn đều đặn quản lý các công việc tại WPP, tham gia phỏng vấn, trò chuyện, phát biểu tại các diễn đàn, các hội nghị quan trọng.
“Tôi không thể tưởng tượng được ngày mình nghỉ hưu sẽ như thế nào. Nếu tôi không được làm việc, có lẽ tôi sẽ bị suy nhược thần kinh” – Martin Sorrell hóm hỉnh chia sẻ trên trang The New York Times.
Long Hồ (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.