Từ giảng viên Đại học, rồi trở thành PCT HĐQT ACB cùng với hàng loạt các chức vụ lớn nhỏ khác trong giới tài chính ngân hàng, nhưng sự nghiệp của ông Trịnh Kim Quang sẽ đi đâu về đâu trước những dính líu đến vụ bê bối của bầu Kiên?

20 năm tâm huyết với Ngân hàng ACB

Ông Trịnh Kim Quang sinh năm 1954 tại Sóc Trăng, hiện đang cư trú ở Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Được biết đến là một trong những nhân vật gắn bó với ACB từ những ngày đầu tiên, tính đến thời điểm trước khi vụ “đại án” ngành Ngân hàng do bầu Kiên cầm đầu xảy ra, ông Quang đã đồng hành cùng ngân hàng này gần 20 năm.

Tốt nghiệp cử nhân tại trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh vào năm 1978, sau đó, ông Trịnh Kim Quang đã được nhà trường giữ lại làm giảng viên trong vòng 10 năm (1978 - 1988).

Ông Trịnh Kim Quang từng là giảng viên trường ĐH Kinh Tế TP.HCM

Ông Quang gia nhập đội ngũ lãnh đạo ACB từ năm 1993 và đảm nhiệm chức Phó Tổng giám đốc cho tới năm 1998. Sau 5 năm tại vị trên ghế Phó Tổng giám đốc, giai đoạn từ năm 1998-2007, ông là Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán ACB (ACBS).Từ năm 1989 - 1991, ông Quang chuyển sang công tác tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn SJC. Trong 3 năm từ 1991 - 1993, ông Quang đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Thương.

Từ năm 2008 đến năm 2009, ông Quang giữ vai trò Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Quản lý Quỹ ACB (ACBC).

Ông Quang từng nằm trong danh sách Thành viên Hội đồng sáng lập. Đồng thời, ông cũng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác như: Phó Chủ tịch HĐQT (Từ năm 1998 đến ngày 18 tháng 09 năm 2012), Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Tín dụng, Thành viên Ủy ban nhân sự và Thành viên Hội đồng đầu tư.

Ngày 19/9, ông Trịnh Kim Quang cùng các ông Trần Xuân Giá và Lê Vũ Kỳ đã có đơn xin từ nhiệm các chức vụ trong HĐQT của ACB với "lý do cá nhân".

Sau đó 3 ngày, ngày 24/9, ông Trịnh Kim Quang cũng thôi giữ chức vụ thành viên Hội đồng thành viên Công ty Chứng khoán ACB.

Thông tin từ Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ ACB (ACBC) cho biết, theo quyết định của Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Chứng khoán ACB, từ ngày 25/9 ông Trịnh Kim Quang bị miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch HĐTV ACBC.

Ông Quang đã gắn bó gần 20 năm với Ngân hàng ACB

Trước khi từ nhiệm, ông Trịnh Kim Quang sở hữu 670.088 cổ phiếu ACB, tương đương 0,07% vốn điều lệ ngân hàng này. Tính theo giá cổ phiếu ACB vào ngày 20/9, sở hữu của ông Quang tương đương 10 tỷ đồng. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc cũng sở hữu số cổ phiếu tính đến tháng 2/2010 là 720,344 cổ phiếu.

Sự nghiệp của cựu PCT HĐQT ACB sẽ kết thúc trong trại giam?

Ngày 27/9/2012, cùng với việc khởi tố bắt tạm giam bầu Kiên, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trịnh Kim Quang (cùng các ông Lý Xuân Hải, Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ) về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Bộ Công an cũng cho biết, 4 bị can Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang có thân nhân tốt, thái độ khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra..., nên xét tính chất và mức độ hành vi vi phạm pháp luật thì chỉ áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, cho tại ngoại.

Cũng theo thông tin từ cơ quan CSĐT, ông Trịnh Kim Quang bị khởi tố vì có liên quan đến việc phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi 718,908 tỉ đồng vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM với lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm và lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng là 3,7-13%/năm. Số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ VietinBank chi nhánh TP.HCM) lừa đảo chiếm đoạt.

Cụ thể, ngày 22/3/2010, Thường trực HĐQT ACB triệu tập cuộc họp của Thường trực HĐQT để bàn phương án giảm tồn lượng tiền huy động từ dân để tránh thiệt hại cho ACB. Tại cuộc họp này, các thành viên Thường trực HĐQT là các ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã thống nhất ký vào biên bản cuộc họp Thường trực HĐQT với nội dung đồng ý việc ủy thác cho các cá nhân để gửi tiền VND và USD tại các tổ chức tín dụng.

Những việc làm của các thành viên Thường trực HĐQT ACB đã sai quy định tại Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 03/03/2011 của NHNN, gây hiệu quả đặc biệt lớn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh tiền tệ, gây bất ổn đến chính sách tiền tệ của Chính phủ và trực tiếp gây thiệt hại cho ACB 718,908 tỷ đồng.

Liệu PCT HĐQT Ngân hàng ACB có thoát khỏi vòng lao lý?

Ngày 12/12/2013, VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng vụ “đại án kinh tế” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB) và một số doanh nghiệp, truy tố các bị can: Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang và Lý Xuân Hải cùng về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", theo Điều 165 (BLHS). Đồng thời, cáo trạng của Viện KSND Tối cao đã cáo buộc các bị can: Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải, Nguyễn Đức Kiên chịu trách nhiệm về số tiền 718,9 tỉ đồng bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.

Ngày 3/1/2014, TAND TP. Hà Nội ra quyết định số 02/HSST-QĐ trả lại hồ sơ vụ án gây thiệt hại kinh tế lớn xảy ra tại Ngân hàng ACB do bầu Kiên “cầm đầu” để tiến hành điều tra bổ sung nhằm làm rõ trách nhiệm của một số cá nhân liên quan.

Ngày 20/1/2014, Viện KSND tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Quang Tuấn và phục hồi điều tra với ông Phạm Trung Cang.

Theo tin tức từ báo Tuổi Trẻ, ngày 27/1/2014, Viện KSND tối cao vừa tống đạt cáo trạng số 09 thay thế bản cáo trạng số 02 ngày 12/12/2013 truy tố các bị can trong vụ án bầu Kiên.Theo đó, ngoài bảy bị can đã bị truy tố, Viện KSND tối cao truy tố thêm hai bị can là Phạm Trung Cang (60 tuổi) và Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi).

Chia sẻ về bản án mà các “sếp lớn” của ACB có thể phải nhận, như báo Người Đưa Tin đã đưa, Luật sư Phạm Thị Hương (Công ty Luật Song Thanh) cho biết, các bị can Lý Xuân Hải, Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang bị truy tố về Tội cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với vai trò là đồng phạm của ông Kiên theo quy định tại khoản 3, Điều 165, có khung hình phạt (nặng nhất) từ 10 đến 20 năm tù giam.

Tùy theo vai trò đồng phạm, mức độ phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của mỗi cá nhân thì ông Lý Xuân Hải, Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang sẽ phải chịu những án phạt khác nhau, tuy nhiên mức phạt cao nhất sẽ là 20 năm tù giam và có thể bị tịch thu 1 phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, công việc có liên quan trong thời hạn từ 1 đến 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt. Ngoài ra, các bị can còn có trách nhiệm bồi hoàn số tiền chiếm đoạt, bồi thường các thiệt hại gây ra trong vụ án này.

M.H (ĐSPL)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.