Chủ đầu tư chỉ xin một giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ hoặc nhà trọ nhưng rồi “hô biến” thành nhiều căn nhà nhỏ.

Sau khi xây xong, chủ đầu tư bán lại cho người mua bằng giấy tay. Đó là tình trạng đang diễn ra khá phổ biến tại huyện Hóc Môn.

Phòng biến thành nhà

Tháng 4-2013, ông Nguyễn Văn Phương được UBND huyện Hóc Môn cấp phép xây dựng nhà ở trên khu đất hơn 575 m2 tại đường Thới Tứ 1 và Thới Tứ 10, xã Thới Tam Thôn (diện tích xây dựng gần 300 m2 gồm một trệt, một lầu, chia thành hai khu A và B). Theo bản vẽ, tầng trệt khu A gồm ba phòng ngủ, phòng khách, bếp, nhà vệ sinh và gara ô tô. Tầng lầu gồm có năm phòng ngủ, hai phòng sinh hoạt chung và nhà vệ sinh. Nhưng trên thực tế, toàn khu A được chủ đầu tư biến hóa thành năm căn nhà một trệt, một lầu hoàn chỉnh. Mỗi căn có đầy đủ bếp, phòng khách, phòng ngủ, cầu thang riêng. Tương tự, khu B cũng được ông Phương hô biến thành sáu căn nhà riêng biệt.

Trên đường TTT 5 có khá nhiều khu nhà “một giấy phép xây nhiều căn” rất hoành tráng. Có khu tới 20-30 căn nhà, trông như một dãy nhà phố. Ảnh: M.QUÝ

Tại đường TTT 5, ấp Tam Đông 2, xã Thới Tam Thôn 11, bà Nguyễn Thị Hanh cũng áp dụng các thủ thuật như trên để xây 11 căn nhà trên một khu đất. Bà ra giá mỗi căn 380 triệu đồng (diện tích 3,5 m x 8,5 m), riêng hai căn mặt tiền là 1,1 tỉ đồng/căn (4 m x 16 m). “Anh chị cứ yên tâm vì việc mua bán đã được thừa phát lại lập vi bằng. Chờ thêm một thời gian, khi Nhà nước cho phép tách sổ thì mọi người sẽ không phải đứng chung sổ nữa, em sẽ bao luôn việc tách sổ. Ai mua nhà ở đây ai cũng đều như vậy hết” - bà Hanh cam đoan với chúng tôi.

Trên đường TTT 5 còn khá nhiều khu nhà tương tự mọc lên rất hoành tráng. Có khu tới 20-30 căn nhà, trông như một dãy nhà phố. Đa phần những căn nhà này có diện tích khoảng 30 m2, giá bán dao động từ 380 đến 600 triệu đồng/căn, riêng các căn mặt tiền có giá trên 1 tỉ đồng.

Rủi ro thuộc về người mua

Theo UBND huyện Hóc Môn, hệ lụy đầu tiên của tình trạng trên là sự quá tải về hạ tầng và gia tăng dân số đột biến. Điều này ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Ngoài ra, các chỉ tiêu về cây xanh, giao thông, an sinh xã hội không đủ để đáp ứng cho lượng dân số tăng đột biến này.

“Một căn nhà thường chỉ xây cho năm, sáu người ở. Tuy nhiên, khi chủ đầu tư biến thành chục căn nhà là đã lên đến 50, 60 người. Các chỉ tiêu trên nay phải san sẻ cho một số lượng người gấp 10 lần!” - ông Phạm Xuân Nam, Phó Chủ tịch xã Thới Tam Thôn, phân tích.

Ngoài ra, nhiều căn nhà xây dựng chung một móng sẽ không đảm bảo về chất lượng công trình. Rủi ro hơn nữa là khi có sự cố xảy ra, theo luật thì chủ đầu tư phải đứng ra chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trường hợp chủ đầu tư bán nhà xong bỏ đi nơi khác thì người mua sẽ lãnh đủ.

Một vấn đề nữa là đa phần người mua nhà đều xem hợp đồng mua bán được thừa phát lại lập vi bằng là cơ sở pháp lý đảm bảo giao dịch hợp pháp và họ sẽ được bảo vệ khi xảy ra tranh chấp. Nhưng theo UBND huyện Hóc Môn, hình thức này thực chất là việc mua bán bằng giấy tay có người thứ ba chứng nhận chứ không có giá trị pháp lý. Ở đây, người dân đã nhầm lẫn việc lập vi bằng với công chứng mua bán nhà.

“Mới đây, UBND xã Thới Tam Thôn đã mời gần 100 hộ dân mua nhà dạng này để khuyến cáo về những rủi ro có thể xảy ra khi mua nhà chung sổ. Đa phần người dân sau khi được xã giải thích đều tỏ ra bất ngờ” - ông Phạm Xuân Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn, cho hay.

Sở Xây dựng: Khâu cấp phép không sai

Dù tình trạng trên xảy ra phổ biến nhưng UBND huyện Hóc Môn cho rằng khó giải quyết vì những hành vi của chủ đầu tư không sai với nội dung giấy phép xây dựng. Cuối tháng 5, UBND huyện Hóc Môn có văn bản đề nghị Sở Xây dựng và Sở Tư pháp hướng dẫn xử lý cụ thể.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định: Khâu cấp phép xây dựng không có gì sai nhưng huyện Hóc Môn cần xem lại khâu quản lý, giám sát sau cấp phép của địa phương.

Xem chừng việc xử lý dạng xây dựng “nhân bản” này đang bị bỏ lửng.

Để tránh sự ngộ nhận của người dân khi thực hiện lập vi bằng tại các văn phòng thừa phát lại, Sở Tư pháp đã có văn bản (tháng 4-2013) nhắc nhở các văn phòng thừa phát lại thực hiện nghiêm quy định về việc lập vi bằng. Cụ thể: “Qua công tác đăng ký vi bằng, Sở Tư pháp nhận thấy một số vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi liên quan đến giao dịch đối với bất động sản chưa đủ điều kiện giao dịch theo quy định của pháp luật. Việc lập vi bằng ghi nhận những sự kiện, hành vi này có thể dẫn đến sự ngộ nhận của các bên có liên quan đối với giá trị pháp lý của vi bằng và có thể dẫn đến những hệ quả pháp lý tiêu cực”.

Trong văn bản này, Sở Tư pháp cho biết sẽ xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động lập vi bằng.

Việt Hoa - Minh Quý (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.