CafeLand - Dù đã triển khai được gần 3 tháng nhưng gói 30 nghìn tỷ đến nay vẫn chưa được vận hành trơn tru mà đang gặp rất nhiều vướng mắc. Trong khi các cơ quan quản lí cho rằng gói tín dụng chậm giải ngân là do thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà giá rẻ thì người dân đang “kêu trời” vì tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi còn khó hơn …lên trời.

Gói 30 nghìn tỷ đang chậm giải ngân do vướng nhiều thủ tục và thiếu nhà vừa gói 30 nghìn tỷ. Ảnh: Thanh Thịnh

Ai xác nhận hiện trạng nhà?

Đó là vướng mắc lớn nhất hiện nay mà những người có nhu cầu vay vốn mua nhà ở gặp phải. Theo quy định, UBND các xã, phường, thị trấn là nơi xác nhận hiện trạng. Người đứng đơn xin xác nhận về thực trạng nhà ở phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu đã có nhà ở khác trong địa giới hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở mà người đứng đơn muốn vay vốn để thuê, mua nhà ở. Thế nhưng, ở nhiều nơi người dân vẫn gặp khó khăn khi tiến hành thủ tục này.

Anh Nguyễn Thành Long (Tân Phú) cho biết, sau khi biết mình thuộc diện được vay gói 30.000 tỷ với lãi suất 6%/năm, anh đã tìm đến ngân hàng BIDV để làm thủ tục vay, theo hướng dẫn của ngân hàng, anh đã làm đầy đủ những biểu mẫu giấy tờ cần thiết. Đến phần xác nhận hiện trạng nhà thì UBND phường xác nhận anh chưa có sở hữu nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình tại địa phương. Nhưng theo hướng dẫn của phía ngân hàng phải là chưa có sở hữu nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình.

“Vậy là chỉ có khác ở chữ tại địa phương thôi mà bên UBND phường kêu xác nhận vậy là đúng, bên ngân hàng xác nhận phải bỏ 03 chữ đó đi mới được. Phía ngân hàng thì kêu chờ hướng dẫn để giải quyết nhưng tôi không biết phải chờ đến bao giờ”, anh Long thắc mắc.

Cũng tham gia vay gói 30.000 tỷ đồng cho căn hộ thương mại dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng nhưng anh N.V.T phải mất cả tháng trời mà vẫn chưa được vay vốn.

Theo anh T, “mọi thủ tục giấy tờ tôi đều đáp ứng yêu cầu của ngân hàng, chỉ có vướng mắc ở chỗ tôi đang ở nhà ba mẹ tôi và có hộ khẩu tại quận Tân Phú. Khi ra UBND phường đề nghị xác nhận, phường chỉ xác nhận là căn nhà tôi đang ở không thuộc sở hữu của tôi. Tuy nhiên, khi qua bên ngân hàng thì họ không đồng ý và yêu cầu là xác nhận chưa có nhà ở và hiện đang sống chung với ba mẹ. Tôi về phường xác nhận thì họ không đồng ý với lý do UBND phường không thể quản lý hết sở hữu nhà của cá nhân. Vậy là sau cả tháng trời chạy qua chạy lại tôi đành chấp nhận bỏ cuộc”.

Thiếu nhà “vừa” gói 30 nghìn tỷ

Không chỉ khó khăn trong thủ tục vay vốn, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, nguyên nhân chính khiến tiến độ giải ngân chậm là chưa có nhiều sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 để người dân lựa chọn ký hợp đồng mua và thỏa mãn điều kiện vay.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã bắt tay xây nhà xã hội nhưng để triển khai một dự án bất động sản phải mất khoảng thời gian khoảng 2 năm, thậm chí còn hơn. Nhưng hiện tại chủ đầu tư vẫn đang loay hoay xin thủ tục điều chỉnh từ thiết kế đến quy hoạch và công năng. Quá trình này không biết đến bao giờ mới xong. “Việc xem xét cho chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp tiêu chí vay lại đang rất chậm, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM”, đại diện Bộ Xây dựng lên tiếng.

Nguồn cung nhà ở không có trong khi tiền sẵn có nhưng rất ít người được vay đã khiến cho đại diện Ngân hàng nhà nước tỏ ra lúng túng trước câu hỏi khi nào giải ngân hết gói tín dụng 30 nghìn tỷ.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, số vốn được giải ngân theo gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ còn rất ít cũng là điều dễ hiểu vì gói tín dụng này phụ thuộc vào nguồn cung nhà xã hội, nhà giá rẻ. Trong khi đó, thủ tục hành chính lại bó buộc cả 2 bên là người cho vay và người đi vay. Nếu không sớm tháo gỡ, có lẽ cho đến khi hết thời hạn giải ngân là 3 năm, nhiều người dân có nhu cầu vẫn chưa tiếp cận được với gói tín dụng.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, hiện TP.Hà Nội đã thẩm định 26 dự án. Trong đó, 12 dự án xin chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, 14 dự án xin điều chỉnh căn hộ thương mại thành nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay mới 5 dự án được chuyển đổi thành nhà ở xã hội; 2 dự án được chuyển đổi quy mô. Còn ở TP.HCM có 26 dự án đăng ký điều chỉnh. Trong đó, 11 dự án chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội, 14 dự án xin điều chỉnh diện tích căn hộ thương mại nhưng đến đầu tháng 8/2013 chưa có dự án nào được chuyển đổi.
Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.