UBND TP HCM vừa chỉ đạo các sở - ngành, quận - huyện rà soát lại toàn bộ các đồ án quy hoạch trên địa bàn, đưa ra phương án xử lý cụ thể đối với từng quy hoạch.
“Dài cổ” chờ thực hiện
Khu dân cư Tam Bình 2, khu phố 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM được kiến trúc sư trưởng TP phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa rục rịch. Hàng trăm hộ dân nằm trong quy hoạch “dài cổ” chờ ngày dự án thực hiện.
Một số chủ đầu tư đã mua đất và san lấp, sau đó phân lô bán nền trong vùng quy hoạch khu dân cư Tam Bình 2
Ông Phan Văn Hòa, ngụ đường Ngô Chí Quốc, cho biết hơn 10 năm trước, ông được chính quyền địa phương thông báo là nhà nằm trong quy hoạch nhưng không đề cập đến thời gian thực hiện. Kể từ đó, gia đình ông gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng, mở rộng nhà cửa để kinh doanh. “Thậm chí, mình muốn bán một phần đất để làm vốn kinh doanh nhưng khách đến tìm hiểu thì biết vướng quy hoạch nên không dám mua” - ông Hòa nói.
Sau 10 năm, dự án chỉ nằm trên giấy, đến tháng 12-2013, UBND TP ban hành Quyết định số 7224/QĐ-UBND về duyệt quy hoạch phát triển bến bãi vận tải hàng hóa đường bộ liên tỉnh đến năm 2025, phần đất nhà ông Hòa lại nằm trong quy hoạch này. Năm 2015, ông Hòa làm giấy phép xây dựng trên diện tích đất thổ cư của mình. Qua nhiều thủ tục khác nhau, đến khi hoàn thiện hồ sơ thì mới biết nhà được xây dựng với điều kiện… tự nguyện phá dỡ khi dự án thực hiện. “Mình xây nhà xong, chẳng may dự án khởi công thì coi như mất trắng” - ông Hòa than thở.
Tháng 4-2016, Viện Quy hoạch xây dựng TP đã tổ chức nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phân khu Tam Bình 2. Theo đó, lý do điều chỉnh là vì đồ án cũ đã được phê duyệt 10 năm, quá trình phát triển có nhiều biến động cần rà soát. Bên cạnh đó, 2 tuyến đường Ngô Chí Quốc và Tỉnh lộ 43 kết nối các khu vực cần cập nhật và định hướng lại phân khu chức năng dọc tuyến đường này cho phù hợp với thị trường nhằm thu hút đầu tư. Như vậy, phải đợi đến 13 năm, dự án này mới được quy hoạch lại và cũng chưa biết khi nào thực hiện.
14 năm mới cắm mốc
Oái ăm hơn, dự án ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) được phê duyệt từ năm 2002 nhưng đến giữa năm 2016 thì cơ quan có thẩm quyền mới cho biết đang bố trí vốn để cắm mốc. Dự án này trải dài qua 3 khu phố: 2, 6 và 7 và đang trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng chục ngàn người dân. Do không được làm đường nên các hộ dân tự đổ đất, đá để hình thành một con đường mòn ngay trên đất của ga Bình Triệu. Tại khoảng trống giữa các làn đường ray xe lửa, nhiều người tận dụng và cải tạo để trồng rau. Những khu đất trống gần nhà người dân thì cây cỏ um tùm do không được cắt thường xuyên. Khác với sự náo nhiệt của Quốc lộ 13 cách đó chừng 100 m, khu vực quy hoạch treo khá ảm đạm, heo hút như ở nông thôn.
Thời gian gần đây, nhiều người đến mua đất và xây dựng những căn nhà kiên cố với hy vọng hơn 10 năm dự án không thực hiện thì sẽ bị xóa. Khảo sát một số tuyến hẻm gần đường ray xe lửa, nhiều ngôi nhà 3-4 tầng mọc lên, một số căn khác đang xây dựng như thổi vào một luồng sinh khí mới cho khu dân cư bị kìm hãm hơn chục năm qua. Tuy nhiên, việc mất trắng tài sản khi xây nhà vẫn lơ lửng khi ngành chức năng yêu cầu chủ nhà làm bản cam kết tự nguyện tháo dỡ khi thực hiện dự án.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết quy hoạch ga Bình Triệu bao gồm tuyến Hòa Hưng - Trảng Bom do Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Đoạn từ ga Hòa Hưng đến ga Bình Triệu dài 8,8 km, dự kiến vốn đầu tư khoảng 8.100 tỉ đồng xây lắp và 15.000 tỉ đồng giải phóng mặt bằng, trong năm 2016 sẽ tiến hành cắm mốc, kinh phí do Cục Đường sắt Việt Nam bố trí. Riêng đoạn từ ga Bình Triệu đến Trảng Bom dự kiến khoảng 10.000 tỉ đồng. Theo UBND phường Hiệp Bình Chánh, dự án ga Bình Triệu ảnh hưởng đến hơn 3.200 hộ dân với hơn 15.000 nhân khẩu, bằng một nửa số hộ dân của 3 khu phố này. Phường có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng do ảnh hưởng của quy hoạch ga Bình Triệu nên hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư phát triển và nhanh xuống cấp.
Cả khu vực rộng 47,35 ha của quy hoạch ga Bình Triệu chỉ có 2 tuyến đường giao thông chính là đường Song hành Kha Vạn Cân và đường số 6 có chiều rộng khoảng 5 m. Hầu hết các công trình giao thông không theo một quy hoạch cụ thể nên chỉ có kích thước từ 1-3 m và ngoằn ngoèo, gấp khúc khó đi. Hệ thống thoát nước của khu vực này chủ yếu là thoát tràn trên mặt đường và qua các mương hở hiện hữu. Hiện nay, tuyến đường Song hành cũng đã xuống cấp trầm trọng và đang được nâng cấp, cải tạo. Tuy nhiên, khả năng nới rộng rất khó do vướng hành lang đường sắt, mật độ các phương tiện giao thông lớn, thường xuyên bị ùn tắc.
Phần lớn diện tích nhà đất nằm trong dự án ga Bình Triệu chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất. “Người dân không được chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng, chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm; việc sửa chữa, nâng cấp nhà cũng bị hạn chế. Đồng thời, hạn chế việc tham gia giao dịch nhà đất, thế chấp, bảo lãnh, quyền sử dụng của người dân cũng gặp khó khăn khi vay vốn và đầu tư” - đại diện UBND phường Hiệp Bình Chánh cho biết. Theo UBND phường Hiệp Bình Chánh, đơn vị này đã kiến nghị quận và TP xem xét đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, tránh để tình trạng quy hoạch kéo dài gây ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực quản lý của địa phương. Bên cạnh đó, các ngành chức năng phải sớm công bố quy hoạch dự án để các nhà đầu tư, người dân yên tâm sản xuất kinh doanh và ngăn chặn các giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất bất hợp pháp.
Bán không được, ở không xong Trong thời gian qua, Báo Người Lao Động đã nhận được phản ánh của người dân ở một số quận về tình trạng quy hoạch treo đẩy họ vào hoàn cảnh bán không được, ở không xong. Đơn cử như đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, quy hoạch mở rộng tới 40 m khiến nhà dân bị cắt 7 m, trong khi cầu Bông mới xây lại có bề rộng như cũ. “Nhà bán thì không có giá mà xây mới cũng không xong, sao không bỏ quy hoạch này đi để dân khỏi khổ” - một người dân bức xúc. Cùng cảnh ngộ, hàng trăm căn nhà ở ấp 3A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh bị quy hoạch treo từ năm 1996, đến năm 2004 thì có quyết định thu hồi đất nhưng 12 năm rồi mà không thấy triển khai khiến quyền lợi người dân bị treo theo. Một số dự án khác như ở khu phố 6 (phường Linh Trung, quận Thủ Đức), đường dự phóng Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) cũng hơn 20 năm nhưng chưa thực hiện. |
-
Loạt dự án nghìn tỷ nằm “bất động” ở TP.HCM sắp có lối ra
Ngày 21/11, UBND TP.HCM ban hành quyết định thành lập Tổ công tác giải quyết các dự án tồn đọng, dừng thi công để triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng nhằm chống lãng phí, thất thoát.
-
Giá vé tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM là bao nhiêu?
Người dân di chuyển trên tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ trả giá vé từ 6.000 – 20.000 đồng tùy theo quảng đường mỗi lượt.
-
Nhà thi đấu nằm trên khu “đất vàng” trung tâm TP.HCM khi nào sẽ khởi công?
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng tọa lạc trên khu đất đắc địa ngay trung tâm TP.HCM nhưng suốt nhiều năm chưa thể khởi công.