Hư hỏng chất lượng công trình sau nghiệm thu vẫn là điều nhức nhối
Công trình xuống cấp, trách nhiệm nửa vời
Gần đây, báo chí đưa tin một số công trình xây dựng của nhà nước sau khi đưa vào sử dụng trong một thời gian ngắn đã có dấu hiệu xuống cấp. Có thể kể đến như công trình bảo tàng Phú Yên với vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng để chào mừng đại lễ ‘Phú Yên 400 năm hình thành và phát triển’, sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng đã xuất hiện nhiều vết nứt, thấm nước, mối mọt; công trình đại lộ Thăng Long dài 29km là tuyến cao tốc dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam với vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng được khánh thành nhân đại lễ 1000 năm Thăng Long, Hà Nội sau 6 tháng đưa vào sử dụng đã xuất hiện lún, nứt mặt đường, tạo thành ổ trâu, ổ gà ở nhiều đoạn hay xa hơn là dự án đường cao tốc TPHCM – Trung Lương không đảm bảo chất lượng kết cấu khi mặt đường xuất hiện nhiều ổ gà sau nghiệm thu, các kết cấu cấp phối, nền đường không đạt độ chặt.
Có lẽ, hiện tượng các dự án xây dựng đầu tư công thể hiện chất lượng xuống cấp sau khi nghiệm thu không phải là chuyện mới, không ít các dự án bị hư hỏng chỉ sau khi được báo chí đưa tin mới tiến hành tìm nguyên nhân và hướng xử lý sự cố hư hỏng. Tuy nhiên, với việc các sự cố ngày xuất hiện càng nhiều đòi hỏi phải có một giải pháp hiệu quả hơn trong việc đảm bảo chất lượng công trình xây dựng sau nghiệm thu từ đó nâng cao chất lượng các dự án đầu tư công.
Chất lượng một công trình xây dựng được hình thành qua các giai đoạn của một dự án, mỗi giai đoạn gắn liền với trách nhiệm của các bên tham gia vào công trình, trong đó giai đoạn chuẩn bị xây dựng và giai đoạn xây dựng công trình là có ảnh hưởng đến chất lượng công trình nhiều nhất. Ở giai đoạn chuẩn bị xây dựng, chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm chính trong việc chọn nhà thầu thiết kế, thi công, giám sát và nhà thầu cung cấp trang thiết bị của công trình. Năng lực chuyên môn, năng lực tài chính và uy tín của các nhà thầu được chọn là một trong những yếu tố mấu chốt tạo nên chất lượng của công trình xây dựng sau này. Ở giai đoạn xây dựng, nhà thầu thi công chịu trách nhiệm thi công công trình đúng thiết kế được duyệt, nhà thầu giám sát có trách nhiệm giám sát nhà thầu thi công và nhà thầu thiết kế sẽ chịu trách nhiệm nếu công trình thiết kế không đảm bảo an toàn về chịu lực hoặc không đúng theo quy định của các tiêu chuẩn thiết kế.
Tuy nhiên, khi công trình đã được ký biên bản nghiệm thu đưa vào sử dụng, việc xác định trách nhiệm các bên khi công trình xảy ra sự cố được tiến hành theo một quy trình mất rất nhiều thời gian và công sức. Theo Nghị định 209/2004/NĐ-CP và nay được thay thế bằng Nghị định 15/2013/NĐ-CP về ‘Quản lý chất lượng công trình xây dựng’ thì khi công trình xảy ra sự cố hư hỏng, chủ đầu tư phải tự kiểm tra, báo cáo hiện trạng công trình cho cơ quan có thẩm quyền cấp công trình tương ứng, cùng các bên tìm hiểu nguyên nhân và yêu cầu bên thi công khắc phục.
Để có thể sửa chữa hư hỏng công trình, chủ đầu tư cần tiến hành các bước tiến hành gồm có:(1) phân loại sự cố hư hỏng công trình, (2) báo cáo và cung cấp các số liệu về sự cố về UBND cấp huyện, cấp tỉnh hoặc Bộ Xây dựng trong vòng 24h, (3) Bộ Xây dựng (hoặc UBND tùy theo cấp công trình) sẽ xác định nguyên nhân gây ra sự cố và từ đó bên sai phạm có trách nhiệm khắc phục sự cố công trình.
Hơn nữa, theo Nghị định 23/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, … thì Chủ đầu tư sẽ bị phạt tối đa 30 triệu (điều 15) và nhà thầu thi công sẽ bị phạt tối đa 20 triệu (khoản 1, điểm a điều 27) nếu không chấp hành đúng các quy định về bảo hành công trình. Mức phạt là quá thấp so với những chi phí có thể phải bỏ ra để xử lý sự cố công trình, dù là nhỏ. Do đó, trách nhiệm về chất lượng công trình phần công việc do mình thực hiện kể cả sau thời gian bảo hành của các nhà thầu thiết kế, thi công, tư vấn giám sát hay cung cấp thiết bị mặc dù có quy định trong NĐ15/2013/NĐ-CP nhưng thực tế rất khó thực hiện.
Thiếu cơ chế giám sát
Đối với những sự cố không gây ảnh hưởng đến tính mạng con người mà chỉ làm giảm chất lượng sử dụng công trình như đường lồi lõm, tường bong tróc, công trình nứt, thấm nước, … thì nhà thầu thi công công trình và các nhà thầu tư vấn dĩ nhiên không có động cơ để sửa chữa, khắc phục sự cố công trình do chính mình đã xây dựng nên. Nguyên nhân là vì ngoài việc phát sinh chi phí và nhân lực để khắc phục sửa chữa những dự án cũ, việc xác nhận lỗi của sự cố về phía mình sẽ ảnh hưởng đến uy tín và đến khả năng nhà thầu đó có thể được trúng thầu ở những công trình khác khi có thông tin công trình nhà thầu đó xây dựng gặp sự cố hư hỏng. Với một dự án, một công trình gặp sự cố, hư hỏng thì nhà thầu sẽ sửa chữa, khắc phục ‘một cách tự nguyện’ hư hỏng đó khi mà họ nhận được ‘những hợp đồng thi công tiếp theo’ từ chủ đầu tư dự án đó.
Về phía chủ đầu tư công trình, là người được giao trực tiếp quản lý và vận hành các công trình công cộng cũng không có nhiều động cơ để yêu cầu nhà thầu khắc phục các lỗi của mình nếu nhà thầu không tự giác. Lý do có thể hiểu được là công trình đã được chính chủ đầu tư nghiệm thu và do đó, nếu yêu cầu nhà thầu sửa chữa chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, chẳng khác nào chủ đầu tư tự nhận là quyết định nghiệm thu, việc nghiệm thu của mình là không chính xác.
Việc xử lý công trình bị hư hỏng, báo cáo lên các cơ quan chủ quản ở địa phương chỉ được các chủ đầu tư tiến hành khi thông tin công trình bị sự cố được công bố. Một lần nữa ta thấy được vấn đề kinh điển của kinh tế học ở đây, đó là vấn đề của ‘người ủy quyền và người tác nghiệp’, giả định này hàm ý rằng người thừa hành, ở đây là các chủ đầu tư dự án không phải lúc nào cũng hành động vì lợi ích cao nhất của người chủ, ở đây là những người trực tiếp sử dụng công trình.
Việc xử lý sự cố công trình sẽ càng khó khăn hơn khi công trình hết hạn bảo hành (thời gian là 24 tháng đối với công trình cấp 1 và cấp đặc biệt, 12 tháng đối với các công trình cấp còn lại) vì khi đó nguyên nhân phải được các bên tìm hiểu kỹ càng hơn để xác định nguồn vốn xử lý sự cố công trình. Nhà thầu thi công công trình chỉ có trách nhiệm khắc phục hư hỏng khi chủ đầu tư và các bên liên quan hoặc một tổ chức độc lập xác định được lỗi đó thuộc về nhà thầu.
Bên cạnh đó, mức tiền bảo hành công trình cũng không được quy định trong NĐ15/2013/NĐ-CP giống như đã từng quy định trong NĐ209/2004/NĐ-CP (NĐ209 quy định số tiền bảo hành công trình là 3% giá trị hợp đồng đối với công trình cấp 1 và đặc biệt ; 5% giá trị hợp đồng với các cấp công trình còn lại). Việc không có quy định số tiền bảo hành sẽ dẫn đến việc không có nguồn vốn để thực hiện bảo hành công trình nếu công trình bị sự cố, việc này cũng tương tự như các khoản vay của ngân hàng cho các doanh nghiệp/cá nhân mà không có ‘tài sản đảm bảo’. Khi chủ đầu tư có được tiền bảo hành công trình, chủ đầu tư có thể thuê một đơn vị khác khắc phục sự cố công trình nếu đơn vị thi công không chấp thuận yêu cầu khắc phục. Ngược lại, chủ đầu tư sẽ không có nguồn vốn để xử lý và chất lượng công trình sẽ gặp những rủi ro như phân tích trên.
Để nâng cao chất lượng công trình, chất lượng các dự án đầu tư công sau nghiệm thu nên chăng cần quy định cụ thể khoản tiền bảo hành tối thiểu mà nhà thầu phải nộp trong thời gian bảo hành để chủ đầu tư có nguồn vốn để tiến hành xử lý khi công trình gặp sự cố, hư hỏng. Bên cạnh đó, cần có biện pháp chế tài mạnh hơn đối với các bên vi phạm khi mà chi phí đóng phạt lớn hơn lợi ích nhận được do vi phạm có được, đồng thời nên gắn chặt trách nhiệm từng công tác, từng giai đoạn với một chủ thể nhất định, tránh tình trạng ‘cha chung không ai khóc’.