Chiều ngày 25/11, tại cuộc họp giao ban báo chí ban Tuyên giáo -Thành ủy Hà Nội, ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Công trình trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm là nhà làm việc. Không có chuyện kinh doanh buôn bán gì ở đây”.
Mảnh đất số 2 Lê Thái Tổ ngay sát Hồ Gươm. Ảnh: VOV
Mảnh đất số 2 Lê Thái Tổ ngay sát Hồ Gươm. Ảnh: VOV

Ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, vị trí khu đất nằm trong vùng phụ cận của Hồ Hoàn Kiếm, không nằm trong phạm vi khoanh vùng di tích Hồ Hoàn Kiếm. Công trình xây dựng trên khu đất 242,2m2 tại số 2 phố Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống với có 3 mặt tiếp giáp, có tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng.

“Công trình hoàn chỉnh sẽ tạo điều kiện kết nối phần kiến trúc mặt đứng tòa nhà Long Vân – Hồng Vân (liền kề), tạo hình thái kiến trúc hoàn chỉnh ô phố, đóng góp hiệu quả vào không gian cảnh quan đô thị khu vực, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; đồng thời phù hợp với không gian khu vực và quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt” – ông Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, công trình có quy mô 3 tầng nổi, một tầng hầm và tum thang, chiều cao đến diềm mái công trình chính là 10,1m, đến đỉnh tum thang là 13,6m, thấp hơn chiều cao cho phép dưới 16m. Mật độ xây dựng chỉ hơn 64% (thấp hơn mật độ xây dựng theo quy định không quá 80%). So với tòa nhà 4 tầng cũ, chiều cao, mật độ xây dựng đều thấp hơn (79%).

Về công năng, trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm có chức năng: trưng bày, triển lãm và văn phòng làm việc. Trong quá trình hoàn chỉnh quy hoạch phân khu đô thị Hồ Gươm, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu tổ chức không gian xanh phù hợp để tạo lập không gian mở kiến trúc cảnh quan khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Phó Chủ tịch lâm Quốc Hùng khẳng định, UBND quận Hoàn Kiếm đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật. Công trình xây dựng này có quy mô, vốn đầu tư nhỏ, và hoàn toàn không nằm trong phạm vi di tích, do vậy không phải lấy ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch hay Hội sử học Việt Nam.

“Kiến nghị khẩn cấp của một số hộ dân tại nhà số 11 phố Hàng Gai không có cơ sở. Tuy nhiên, chúng tôi trân trọng ý kiến của các hộ gia đình. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã họp dân và hiện chỉ có 2 hộ gia đình chưa đồng ý. Các hộ dân đều tán thành và chỉ đề nghị việc xây dựng phải phù hợp với quy hoạch, hài hòa với không gian Hồ Gươm” - Ông Hùng cho hay.

Cũng theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục chưa được xếp hạng di tích. Năm 2010, sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, ý kiến các hộ dân, nhất là đúng vào thời điểm đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nên Thành phố quyết định tạm dừng xây dựng công trình. Và từ năm 2010 đến nay, Thành phố đã giao cho các cơ quan chức năng, Kiến trúc sư Thành phố đưa ra phương án xây dựng cụ thể.

“Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm này là công trình công cộng, không có chức năng và sẽ không có chuyện kinh doanh buôn bán khi công trình này hoàn thành đưa vào sử dụng” - Ông Hùng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Quận Hoàn Kiếm cho biết, Quận trân trọng ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà văn hóa, nhà sử học và hiện vẫn đang tiếp tục trao đổi, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Công trình sẽ được triển khai thực hiện an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường và tiến độ.
Nguyễn Tuấn (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.