Chuyến thăm Nhật Bản lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ mở ra một tầm nhìn mới cho quan hệ hai nước sau hơn 40 năm thiết lập ngoại giao.
Chuyến thăm nhằm thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam – Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế.
Hơn 20 năm qua, Nhật Bản luôn là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Riêng trong năm 2015, lượng ODA mà Chính phủ Nhật Bản cam kết dành cho Việt Nam đã lên tới mức kỷ lục 3 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm trước đó. Nguồn vốn này chủ yếu dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng.
Số doanh nghiệp và lượng vốn từ Nhật Bản đổ vào Việt Nam cũng liên tục tăng lên trong suốt thời gian qua. Hiện, Nhật Bản đang đứng vị trí thứ 2 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta.
“Trong năm 2014, tổng cộng 517 dự án đầu tư của Nhật Bản đã được phê duyệt tại Việt Nam, và chúng tôi tin con số đó sẽ còn phát triển hơn nữa so với các nước trong khu vực. Việt Nam đang rất cạnh tranh về chi phí nhân công, có môi trường chính trị - xã hội ổn định. Hơn nữa, mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước đang ngày càng được thắt chặt, cho nên Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của đầu tư Nhật Bản”, ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, nói.
Cầu Nhật Tân - Hữu nghị Việt Nhật; Nhà ga T2 thuộc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hay Đường vành đai 3 trên cao tại Hà Nội là 3 công trình hạ tầng tiêu biểu mang đậm dấu ấn đầu tư của Nhật Bản, làm thay đổi diện mạo Thủ đô và cả nước hiện nay.
Theo đánh giá của giới quan sát, chuyến thăm này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Nhật Bản sẽ mở ra một tầm nhìn mới cho quan hệ hai nước sau hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã đến thăm Việt Nam ngay sau khi nhậm chức vào năm 2013.