Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Theo Bộ trưởng Dũng, việc triển khai luật đầu tư công đến nay đã đạt được những kết quả tích cực, tất cả các khâu đều được kiểm soát chặt chẽ từ lập dự án, giao vốn, giám sát quá trình thực hiện. Tuy nhiên, vẫn đề này được rất nhiều cử tri chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng giải thích về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch & Đầu tư để xảy ra tình trạng dàn trải, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công vẫn tồn tại.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng thừa nhận việc thất thoát lãng phí đầu tư công đã diễn ra quá trình dài và chúng ta đã có chính sách khắc phục trong đó có Luật Đầu tư công. Tuy nhiên trên thực tế đầu tư công vẫn còn dàn trải, chưa sát với thực tế và nhu cầu dẫn đến lãng phí.
Bộ trưởng nhận trách nhiệm chưa làm tốt hai nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đó là tham mưu cơ chế chính sách trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát của Bộ cũng chưa chặt, để xảy ra thất thoát, lãng phí.
"Chúng tôi có nhiều cố gắng nhưng chưa đạt như mong muốn, mới khắc phục được một phần chứ chưa triệt để. Thực tế vẫn còn nhiều vấn đề từ bộ ngành, địa phương", Bộ trưởng Dũng nói.
Về việc phân bổ vốn cho các công trình trọng điểm quốc gia chậm, ông Dũng cho rằng 80.000 tỷ dự án quan trọng quốc gia chưa phân bổ có 70.000 tỷ cho các dự án quan trọng, 10.000 tỷ đồng chống ngập TP.HCM và 5.000 tỷ cho dự án sân bay Long Thành.
Bổ sung phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, luật quy định tất cả các công trình trọng điểm quốc gia phải trình Quốc hội xem xét, thông qua. Hiện thủ tục hồ sơ của dự án 10.000 tỷ chống ngập TP.HCM, dự án cao tốc Bắc Nam hiện chưa hoàn thiện nên Quốc hội chưa thông qua tại kỳ họp này, mà phải dời sang kỳ tới. Trách nhiệm chính là do các Bộ, ngành và Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã chậm làm thủ tục hồ sơ ra Quốc hội, nên chưa phân bổ được.
Nói thêm chuyện phân bổ vốn đầu tư chậm, ông Dũng phân trần, do thủ tục thực hiện dự án thay đổi. Trước đây giải ngân theo dự án, cam kết nhà tài trợ; còn hiện theo quy định Hiến pháp vốn ODA được giải ngân theo kế hoạch sử dụng vốn. Tuy nhiên, vừa qua các Bộ, ngành đã không quan tâm, chưa xây dựng kế hoạch.
Trách nhiệm Bộ Kế hoạch & Đầu tư không thuộc về việc phân bổ, ông Dũng nói và nhắc lại quá trình phân giao, phân bổ vốn: Bộ, ngành xây dựng kế hoạch chi tiết, đề xuất phân bổ vốn. Bộ kế hoạch hướng dẫn tiêu chí, định mức phân bổ, sau đó tổng hợp, rà soát và trình Chính phủ quyết định báo cáo Quốc hội. Quốc hội phê chuẩn thông qua thì Chính phủ giao vốn và Bộ kế hoạch có nhiệm vụ thông báo.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) bày tỏ sự băn khoăn về cơ chế thanh toán cho dự án BT được tính từ thời điểm ban hành quyết định giao đất, thấp hơn nhiều so với khi dự án được hoàn thành. Điều này dễ làm thất thoát quỹ đất. Các bộ, ngành có liên quan có giải pháp gì trong thời gian tới?
Bày tỏ sự đồng tình với đại biểu, Bộ trưởng Dũng cho biết Bộ đang nghiên cứu xem xét sửa đổi. “Đối với thời điểm thanh toán trả bằng quỹ đất đối với các dự án BT đúng là có vấn đề. Do đó cần nghiên cứu chỉnh sửa Nghị định 15 sắp tới để cân đối lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp, của địa phương”, ông Dũng nói.