26/02/2023 8:01 AM
Bất kể bạn định mua một bất động sản để ở hay để đầu tư làm giàu, thì một điều quan trọng nhất vẫn là tìm kiếm các giao dịch tiềm năng và đáng tin cậy. Hãy đảm bảo rằng bạn không đưa ra quyết định thiếu sáng suốt và khiến toàn bộ tương lai tài chính của bạn gặp rủi ro!

Dưới đây là một số chiêu trò mà bạn có thể gặp phải khi mua bất động sản.

1. Giao dịch giả mạo và lừa đảo

Giả sử bạn nhận được tin từ một người bạn hoặc người thân rằng họ có một thỏa thuận “hời” mà bạn thực sự không nên bỏ lỡ. Tuy nhiên, sẽ như thế nào nếu bạn mua một bất động sản và chuyển đến sống cùng gia đình và thú cưng của mình, nhưng vào một ngày đẹp trời, có một người lạ xuất hiện trước cửa nhà bạn và tuyên bố rằng ngôi nhà của bạn thực sự thuộc về anh ấy/cô ấy? Cú sốc mất nhà đột ngột sẽ không chỉ lớn mà còn khiến bạn rơi vào tình trạng rất khó khăn về tài chính.

Do đó, dù bất động sản đó có tuyệt vời đến mức nào thì việc đầu tiên bạn phải làm là tìm hiểu và nghiên cứu càng nhiều càng tốt trước khi đưa ra quyết định mua nhà. Bạn có thể thực hiện việc tìm hiểu này thông qua sự hỗ trợ của luật sư và chuyên gia môi giới đáng tin cậy.

Hãy xác định và xác minh tất cả các bên liên quan, bao gồm các đại lý môi giới, công ty luật, nhà phát triển,... đặc biệt là trước khi thực hiện bất kỳ khoản thanh toán nào.

2. Thanh toán sai

Hãy chỉ chuyển tiền đặt cọc hay khoản thanh toán trước khi bạn biết chắc chắn mình gửi cho ai và đó là người đáng tin cậy. Tránh thực hiện bất kỳ hình thức thanh toán nào cho đại diện chủ sở hữu, đại lý môi giới hoặc luật sư mà bạn chỉ vừa mới gặp. Bởi có rất nhiều trường hợp kẻ lừa đảo sử dụng chiêu bài muốn giúp người thân của mình bán căn hộ với giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường, hắn đã lừa được hàng trăm triệu đồng từ người bị hại và biến mất với số tiền.

Vì vậy, hãy nhờ luật sư của bạn xác minh các bên liên quan khác, họ là những chuyên gia khôn ngoan và thông minh và họ sẽ luôn bảo vệ lợi ích của khách hàng. Luật sư cũng sẽ kiểm tra mọi khoản nợ chưa thanh toán và các khoản phí quá hạn từ chủ sở hữu trước của bất động sản để tránh những tranh chấp và rắc rối phát sinh sau khi bạn mua.

3. Người bán/chủ sở hữu muốn thu tiền đặt cọc nhiều lần

Một trường hợp khác là chính chủ sở hữu bất động sản vỡ nợ và bị ngân hàng tịch thu tài sản để giải quyết các khoản nợ tồn đọng của họ.

Khi đó, người bán/chủ sở hữu với ý định xấu sẽ giả vờ như đang bán bất động sản với giá rất thấp (hấp dẫn bất thường so với phần còn lại của thị trường). Nhưng trên thực tế, họ đang cố gắng thu tiền đặt cọc từ nhiều người mua cùng một lúc.

Những người mua vô tội sau đó sẽ nhận ra rằng ngôi nhà mà họ muốn thực sự đã bị ngân hàng tịch thu và bán đi. Với khoản đặt cọc của vài ba người mua nhà, người bán/chủ sở hữu sẽ bỏ túi một số tiền rất lớn trước khi biến mất.

4. “Món hời” chỉ dành riêng cho bạn

Bạn đã quyết định mua một bất động sản bán lại từ một chủ sở hữu sẵn sàng bán nó với giá rất rẻ cho bạn bởi vì họ nói rằng bạn là một người tốt và thích tính cách của bạn, hay bạn có vẻ là chủ sở hữu mới hoàn hảo,.....

Đừng để những “lời ngon ngọt” đó hấp dẫn bạn! Khả năng cao là bất động sản đó có vấn đề gì đó mà chủ sở hữu muốn giấu diếm bạn, hoặc chủ nhà đó không thực sự có toàn bộ quyền sở hữu ngôi nhà mà chỉ là một trong số các chủ nhà đồng sở hữu và anh ta/cô ta đang rao bán mà chưa có sự chấp thuận đầy đủ của các chủ sở hữu còn lại.

5. Sợ bỏ lỡ cơ hội

Bạn có biết thuật ngữ “tâm lý đám đông” không? Nó đề cập đến việc mọi người có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi một đám đông khi đưa ra quyết định, chủ yếu dựa trên cảm tính thay vì lý trí và logic.

Trong trường hợp này, nhà môi giới bất động sản có thể thông báo rằng chủ sở hữu bất động sản không rảnh để cùng bạn xem nhà vào các ngày trong tuần. Do đó, tất cả những người mua tiềm năng sẽ phải ghé thăm vào cuối tuần.

Khi có rất nhiều người mua tiềm năng có mặt tại cùng một bất động sản, bạn sẽ có cảm giác hối thúc đưa ra quyết định vì dường như có rất nhiều người quan tâm.

Loại tình huống này hỗ trợ người bán khả năng thương lượng để có được mức giá cao nhất, vì người mua tiềm năng lo sợ bị lỡ mất cơ hội mà nhiều người đang cạnh tranh.

Đừng bị hối thúc bởi các tình huống tương tự như thế này. Hãy bám sát kế hoạch của bạn, kiên định với những gì bạn muốn và luôn ghi nhớ về ngân sách mà bạn đã đề ra.

Dương Thảo An (Propertyguru)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.