Cập nhật 17/09/2020 6:04 PM
Đánh giá cao vai trò tiềm năng của 5G khi tác động tới cả kinh tế và xã hội, Ericsson tin rằng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội khi trở thành một trong những nước sớm ứng dụng 5G thương mại.

Ông Denis Brunetti - Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào

Sự phát triển của công nghệ và viễn thông, đặc biệt từ giai đoạn 2010 trở lại đây với sự xuất hiện của mạng di động 3G và 4G đã giúp nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đạt tăng trưởng nhanh chóng. Hiện tại, Việt Nam đặt mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 nhằm số hóa chính phủ, kinh tế, xã hội.

Chia sẻ với Thanh Niên, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào - ông Denis Brunetti cho biết, mục tiêu đó muốn thành công không thể thiếu sự đóng góp của công nghệ mạng 5G.

“Trước năm 1993, thời điểm mạng di động đầu tiên của Việt Nam hoạt động, 54% dân số thuộc diện nghèo nhưng hiện chỉ còn 3%, Việt Nam từ một quốc gia kém phát triển nay đã có thu nhập trung bình so với thế giới. Từ năm 2010, mạng 3G, 4G giúp mọi người truy cập internet, phục vụ cuộc sống từ thiết bị di động. Với tốc độ phát triển như vậy, Ericsson hoàn toàn tin vào khả năng hiện thực hóa mục tiêu mà chính phủ Việt Nam đã đặt ra”, ông Brunetti chia sẻ.

Ericsson (Thụy Điển) là một trong những hãng công nghệ chuyên cung cấp dịch vụ, giải pháp mạng viễn thông hàng đầu thế giới. Đây cũng là đơn vị góp phần quan trọng giúp phát triển mạng di động tại Việt Nam từ những ngày đầu khi hợp tác với MobiFone (sau này thêm cả VinaPhone, Viettel, Vietnamobile).

Hiện tại, Ericsson đang là đơn vị phối hợp với các nhà mạng Việt Nam để triển khai thí điểm 5G tại một số địa điểm thuộc các thành phố lớn. Lúc này vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi có thể triển khai mạng 5G thương mại, nhưng nếu theo đúng lộ trình, Việt Nam sẽ nằm trong danh sách những quốc gia sớm thương mại hóa công nghệ mạng di động này. Ở quy mô toàn cầu, Ericsson đang có 109 hợp đồng thi công 5G với nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu và 61 trong số này đã “lên sóng” 5G phục vụ người dùng.

Việt Nam đang thử nghiệm 5G tại một số địa điểm ở thành phố lớn

Theo ước tính của hãng, tới năm 2025 sẽ có 3 tỉ người dùng mạng 5G trên toàn cầu và khoảng 25 tỉ thiết bị IoT (internet kết nối vạn vật) được kết nối với nhau, trong số đó có 5 tỉ là thiết bị IoT sử dụng kết nối mạng di động.

Công nghệ 5G hứa hẹn kết nối internet tốc độ siêu cao trong khi độ trễ cực thấp, mở ra cơ hội cho rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, từ đó thúc đẩy tốc độ phát triển của kinh tế, xã hội. Kinh tế Việt Nam đang dựa nhiều vào 2 ngành là sản xuất và nông nghiệp. Khi 5G được triển khai, ứng dụng IoT sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, mọi ngành nghề và lĩnh vực sẽ được chuyển đổi một cách số hóa và hoạt động hiệu quả hơn, năng suất hơn.

“Nhiều công việc mới sẽ hình thành từ các ngành công nghiệp, dịch vụ với ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chú trọng vào hệ sinh thái khởi nghiệp”, ông Brunetti nhận định. Theo ông, Việt Nam đã có những bước nhảy vọt, vượt nhiều quốc gia trong khu vực nói riêng cũng như trên thế giới nói chung chỉ trong vòng 30 năm. Minh chứng cho điều này, ông Brunetti đánh giá Việt Nam vẫn là đích đến đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài, cùng với đó là khối nhân lực kỹ thuật chất lượng cao đang ngày càng khẳng định vị thế.

“Nhà mạng và kỹ sư Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực viễn thông mà còn ở nhiều ngành khác đều có năng lực chuyên môn cao, có tinh thần cầu tiến, cần cù và cẩn thận. Chính họ đã giúp Ericsson vượt qua thách thức khi triển khai hạ tầng ở những vùng địa hình hiểm trở, phức tạp. Đội ngũ kỹ sư người Việt đang làm tại Ericsson thường được mời tới hỗ trợ dự án của chúng tôi ở những quốc gia khác”, ông Denis bổ sung.

Ông cũng cho rằng các nhà mạng Việt Nam đang làm tốt vai trò trong việc cung ứng dịch vụ 3G, 4G chất lượng đến với khách hàng. Trong tương lai, các thành phố thông minh sẽ được xây dựng dựa trên hạ tầng kỹ thuật số sử dụng mạng 5G. Nó sẽ là huyết mạch của bất kỳ thành phố thông minh nào. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML), AR/VR, tự động hóa, điện toán biên di động sẽ phát triển mạnh trên nền 5G. “Kết nối di động tại Việt Nam, nói thật lòng là rất tốt. Tôi đang là Phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nên từng tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp cũng như du khách nước ngoài. Khi được hỏi về chất lượng mạng di động tại đây, nhiều người đánh giá trải nghiệm rất tốt đối với băng thông di động, một số còn so sánh và đánh giá tốt như so với mạng tại quê hương của họ nhưng lại có mức giá rẻ hơn rất nhiều”, lãnh đạo Ericsson chia sẻ.

Anh Quân (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.