Theo Bloomberg, 5 năm trước, cơn sốt chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc đã hút hàng tỷ USD vốn đầu tư và tiền trả trước từ khách hàng. Các startup chia sẻ xe đạp đình đám lúc đó - như Mobike và Ofo - chi tiền mua hàng triệu xe đạp mới để chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, sự sụp đổ chóng vánh của thị trường này khiến hầu hết công ty phá sản và để lại những núi xe đạp khổng lồ cho các thành phố.
“Khi một thị trường mới có vẻ màu mỡ, ai ai cũng nhảy vào để tranh giành miếng bánh”, Yang Tengfei, Phó tổng giám đốc hãng tái chế China Recycling Resources Co, nhận xét. “Vốn đầu tư rót vào ầm ầm nhưng trình độ quản lý lại không theo kịp, khiến cả ngành này chìm trong hàng loạt vấn đề".
Theo ước tính của chính phủ Trung Quốc, có tới 20 triệu xe đạp chia sẻ được sử dụng trong năm 2017. Chỉ riêng Xiaoming, một trong 60 công ty chia sẻ xe đạp phá sản, đã để lại 430.000 chiếc rải rác ở hơn 10 thành phố.
Theo Tân Hoa Xã, một trong những “nghĩa địa” xe đạp lớn nhất nằm ở trung tâm thành phố Thượng Hải với khoảng 30.000 chiếc. Hiện tại, chỉ có 3 thương hiệu chia sẻ xe đạp vẫn hoạt động thường xuyên tại các thành phố lớn của Trung Quốc.
Những "nghĩa địa" xe đạp mọc lên sau cơn sốt chia sẻ xe đạp khiến các thành phố phải đau đầu. Ảnh: Bloomberg.
Kể từ năm 2017 đến nay, China Recycling của Yang đã tái chế khoảng 4 triệu chiếc xe đạp chia sẻ. Công ty này chi khoảng 10 triệu NDT mỗi tháng để mua xe đạp đã qua sử dụng và tận dụng thép, sắt và nhựa.
Việc tái chế những chiếc xe đạp này gặp không ít khó khăn bởi hầu như không ai muốn trả tiền cho chúng. Các công ty phá sản biến mất, hầu hết không hoàn trả tiền thanh toán trước của khách hàng. Các khoản đầu tư cũng bị xóa sổ. Vì vậy, chính quyền các thành phố phải chi ngân sách để dọn dẹp xe đạp.
Theo chính quyền thành phố Hàng Châu, chi phí để dọn dẹp một chiếc xe đạp chia sẻ bị bỏ lại trên đường phố là 9,6 NDT (1,4 USD). Những chiếc xe còn lại sau cơn sốt chia sẻ giờ đây vẫn nằm ngổn ngang khắp các bờ sông hay các khu vực cỏ mọc um tùm.
Bên cạnh đó, các quy tắc về an toàn buộc những công ty vẫn còn hoạt động phải thay mới xe đạp vài năm một lần, chứ không thể tận dụng xe cũ.
Dù vậy, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang mở ra tia hy vọng cho ngành chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc. Dịch bệnh khiến nhiều người có xu hướng sử dụng xe đạp để đi lại thay vì phương tiện công cộng. Và các công ty chia sẻ xe đạp còn sót lại giờ đây tuyên bố sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn cho “vòng đời” của những chiếc xe họ sử dụng.
Làm đèn, nhà cho mèo là những cách sáng tạo mà các công ty chia sẻ xe đạp nghĩ ra để tái chế xe đạp. Ảnh: Bloomberg.
Các công ty này tìm ra nhiều cách mới lạ để tái chế xe đạp. Mobike và YUUE tháo rời các khung và bộ phận của xe đạp để tạo ra những chiếc ghế và đèn có thiết kế thú vị.
Còn Mobike tận dụng cao su từ 7.800 lốp xe cũ để làm đường chạy bộ tại một thị trấn ở tỉnh Thiểm Tây. Gần đây, một nhà từ thiện người Myanmar đã mua lại những chiếc xe đạp đã qua sử dụng từ startup Ofo của Trung Quốc và Obike của Singapore để tặng cho học sinh tại các vùng quê.
“Nhiều công ty chia sẻ xe đạp nhỏ không nhận thức được về sự bền vững”, Xie Peng - giám đốc bộ phận cung ứng xanh của Hellobike, một trong những công ty chia sẻ xe đạp còn tồn tại - cho biết. “Nhưng với những công ty công nghệ lớn, vấn đề cần chú trọng là thân thiện với môi trường và người dùng”.
Hellobike cũng tìm được cách thú vị để tái chế xe đạp cũ của mình, đó là làm nhà cho mèo.
-
Số phận những chiếc xe đạp bị vứt ra 'nghĩa địa chia sẻ' ở Trung Quốc
17/09/2020 4:32 PMBong bóng chia sẻ xe đạp tan vỡ tại Trung Quốc khiến vô số startup phá sản, hàng tỷ USD tiền đầu tư bốc hơi và những gì còn lại là các "nghĩa địa" xe đạp khổng lồ.