Cập nhật 23/03/2012 1:31 AM
Với tổng tài sản 1,6 tỷ USD, Tanaka là một trong ba tỷ phú châu Á có độ tuổi dưới 35, nhưng là người duy nhất tự kiếm tiền bằng chính đôi bàn tay của mình. Là tỉ phú tự thân lập nghiệp trẻ thứ hai thế giới sau Mark Zuckerberg, Tanaka cũng làm giàu nhờ vào mạng xã hội, đó là mạng Gree.



Anh khởi nghiệp tại hãng điện tử Nhật Sony, sau đó về làm cho tỉ phú Hiroshi Mikitani tại trang web Rakuten. Anh rời khỏi công ty vào năm 2004 để thành lập Gree tại một vườn ươm công nghệ. Sau đó, anh đưa trang web trở thành một địa điểm chơi game trực truyến và đã thu hút nhiều người chơi. Cổ phiếu của Gree đã tăng gấp đôi trong năm 2009.


Từ nghiện chơi “game” đến lập công ty “game”

Yoshikazu Tanaka cũng đang đứng vị trí 18 trong danh sách những người giàu nhất ở Nhật Bản, tổng tài sản hiện tại đã được nhân đôi từ con số hơn 800 triệu USD năm 2008.

Tanaka có được khối tài sản ngày nay nhờ vào Gree, một trang web về mạng xã hội và cú tăng tốc ngoạn mục của cổ phiếu Gree trong năm 2009. Thực ra, Gree chính là một dự án ưa thích được Tanaka thực hiện từ khi còn làm việc cho mạng mua sắm trực tuyến Rakuten của tỷ phú Hiroshi Mikitani, người giàu thứ sáu ở Nhật Bản.

Tanaka bắt đầu mê xã hội kỹ thuật số sau khi đọc về nhà tương lai học người Mỹ, ông Alvin Toffler. Từ những ngày còn học cấp 2, Tanaka đã bị cuốn hút bởi những câu chuyện trong cuốn sách của Toffler xuất bản từ năm 1980, với ý tưởng phát triển trong xã hội thông tin.

Lần đầu tiên Tanaka nhấp tay vào con chuột máy tính để vào Internet là năm 1996 khi đến Mỹ. Ba năm sau, Tanaka tốt nghiệp Đại học Nihon với bằng kinh tế chính trị và làm việc một thời gian ngắn ở tập đoàn điện tử Sony. Sau đó, Tanaka có một vài năm trải qua công việc đấu giá trực tuyến cho tỷ phú Hiroshi Mikitani, người điều hành cửa hàng trực tuyến Rakuten của Nhật Bản.

Trong quá trình làm việc tại Rakuten, Tanaka thiết kế website và các đoạn banner quảng cáo. Sau đó, anh thiết kế hệ thống blog, rồi tạo lập mạng xã hội chỉ do ý thích cá nhân, Khi mạng xã hội này trở nên phổ biến, Tanaka quyết định tách ra thành lập công ty riêng và đặt tên là Gree.

“Nhưng từ trước đó, khi còn là sinh viên, Tanaka đã tự lập ra các trang web và các banner quảng cáo” - Hiroshi Yamashina, một chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán Nikko Citi và là bạn thân của Tanaka kể lại.

Năm 2004, Tanaka chính thức chia tay với Mikitani để ra riêng với doanh nghiệp Gree của riêng mình. Logo của công ty là một hình lục lăng. Tanaka khởi nghiệp Gree từ Netage, cũng là một vườn ươm tài năng ở Tokyo, nơi Kasahara bắt đầu dựng những viên gạch đầu tiên cho Mixi. Cũng giống như Mixi, Gree bắt đầu bằng việc xây dựng một mạng lưới bạn bè trực tuyến.

Nhưng ngay từ những ngày đầu mới thành lập, trang web của Tanaka đã đánh bại trang web của Kasahara, một yếu tố dẫn Tanaka đến với thế giới trò chơi trực tuyến trên điện thoại di động. Từ những ngày đầu khởi nghiệp, Gree đã thu hút khoảng 1 triệu người sử dụng mới hàng tháng, những người trả tiền cho các thứ quần áo và đồ dùng ảo cho các nhân vật của mình thông qua điện thoại di động.

Một nhà đầu tư đã đặt niềm tin vào Tanaka và doanh nghiệp của ông là Yoshihito Hori, một nhà đầu tư mạo hiểm, người có cổ phần trong Netage và cũng là người điều hành một trong những trường học kinh doanh hàng đầu ở Nhật. Hori gặp Tanaka năm 2005 và đã mua 3,6% cổ phần trong Gree thông qua quỹ Apax Globis Japan Fund của mình. Hori mô tả Tanaka là một người có khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi. Số cổ phần Hori mua đã tăng trưởng đựơc hàng trăm lần.

Kết nối viễn thông tạo bước ngoặt lớn

Gree có bước đột phá lớn khi thành lập một liên minh với công ty viễn thông KDDI năm 2006, công ty viễn thông này vẫn sở hữu 7% công ty của Tanaka. Với liên minh này, người dùng có thẻ vào trang web của Gree từ trang chủ chuyên về điện thoại di động của KDDI, nhờ đó, số người dùng của Gree tăng lên nhanh chóng. Năm 2007, Gree tiếp tục tiếp cận với những người dùng có tiềm năng hơn khi Công ty NTT DoCoMo và tập đoàn đầu tư Softbank chỉ dẫn khách hàng mình đến trang web này.

Quyết định tiếp cận khách hàng qua mạng điện thoại di động đã làm nên sự khác biệt cho Gree. 9 trong số 10 người sử dụng của Gree tiếp cận với dịch vụ từ điện thoại di động trong khi đó, tỷ lệ này của Mixi chỉ là 2/3. Nhiều người trong số họ chơi game trên điện thoại để “giết” thời gian chờ đợi.

Tận dụng thói quen này của người Nhật, Gree phát triển mạnh hình thức chơi game trên điện thoại di động và trở thành đối thủ cạnh tranh của sản phẩm PSP của Sony và DS của Nintendo. Nhưng không giống những người chơi game trên các website khác, đối tượng sử dụng mạng Gree có thể chơi game với những hành khách trên khác chuyến tàu khác nhau ở Nhật Bản.

Vì Nhật Bản dẫn đầu thế giới trong công nghệ kết nối di động băng thông rộng, Tanaka được nhờ bằng việc cho phép các khách hàng của mình dễ dàng chơi game trên điện thoại của mình. 102 triệu trong số 114 triệu thuê bao điện thoại di động ở Nhật Bản sử dụng công nghệ 3G. Tỷ lệ này còn cao hơn cả ở nước Mỹ, thị trường mới có 70 triệu thuê bao di động sử dụng thế hệ công nghệ mới nhất này.

Gree cũng triển khai những trò chơi trong nhà với khả năng sinh lợi lớn cho công ty. Thu nhập thuần của Gree trong 6 tháng gần đây là 39 triệu USD, cao hơn con số của DENA và gấp 4 lần con số thu nhập thuần của Mixi - một mạng xã hội vốn phụ thuộc vào quảng cáo là chủ yếu. Lợi nhuận biên của Tanaka là 57% cao hơn hẳn con số 36% của DENA và 30% tại Mixi. Điều này có nghĩa rằng Gree sẽ có nhiều tiền hơn để chi dùng cho quảng cáo, bao gồm cả chiến dịch quảng cáo trên truyền hình gần đây nhất.

Lợi thế của Gree là dễ sử dụng và dung lượng nhẹ. Bên cạnh đó, việc cho phép khách hàng truy cập từ điện thoại tạo nên sức hút của Gree. Người dùng Nhật Bản thường thích truy cập vào mạng xã hội, vừa liên lạc, tìm kiếm thông tin từ bạn bè, vừa có thể chơi games trong hàng tiếng đồng hồ ngồi tàu điện ngầm. Công nghệ điện thoại băng thông rộng hàng đầu thế giới của Nhật Bản cũng là yếu tố có lợi cho Tanaka.

Trong 114 triệu chiếc điện thoại tại Nhật Bản, có tới 102 triệu chiếc là điện thoại 3G. Trong 6 tháng cuối năm 2009, lợi nhuận của Gree đạt 39 triệu USD, nhỉnh hơn DENA và cao gấp 4 lần đối thủ Mixi.

Mạng xã hội của Gree cung cấp các dịch vụ giải trí như game trên điện thoại di động. Các thành viên mới đăng ký hiển thị trên mạng xã hội dưới dạng một avatar hoạt hình mặc quần áo đơn giản. Sau đó, họ sẽ mua mọi thứ từ mũ thời trang, kiểu tóc hoặc cần câu, thực phẩm để tham gia game câu cá, làm vườn, nuôi chó mèo. Nếu muốn sở hữu những thứ này, người dùng sẽ phải trả tiền. Doanh thu từ bán hàng ảo trong mạng xã hội tăng 2,5 lần lên 75 triệu USD trong 3 tháng tính đến tháng 9/2009. 80% lợi nhuận của Gree thu được nhờ việc bán hàng ảo.

Tanaka cũng theo dõi sát sao động thái của các đối thủ cạnh tranh ở Nhật Bản, đặc biệt là các mạng xã hội Mixi và Dena. Cứ vào 10h mỗi sáng thứ hai trong cuộc họp nội bộ đầu tuần, Yoshikazu Tanaka, người sáng lập mạng xã hội Gree, không quên nhắc nhở nhân viên về mục tiêu trở thành người dẫn đầu tại Nhật Bản. Đối thủ chính của mạng xã hội Gree là hai mạng khác Mixi và DENA.

Nhờ vào sự tăng tốc, lên gấp đôi giá trị của cổ phiếu Gree trong năm 2009, 51% cổ phần của Tanaka đã đủ để đưa Tanaka lên vị trí 18 trong số 40 người giàu nhất Nhật Bản. Trong khi đó,nhà sáng lập của Mixi, ông Kenji Kasahara xếp vị trí 33 với tổng giá trị tài sản đạt 720 triệu USD và Tomoko Namba của DENA bị loại khỏi danh sách và khối tài sản chưa đạt đến 500 triệu USD.

Sự tăng tốc của cổ phiếu Gree một phần nhờ vào sức tăng trưởng như sao băng của công ty này. Mới đây, Công ty kiểm toán Deloitte Touche Tohmatsu đã xếp hạng Gree đứng đầu trong danh sách những công ty công nghệ có tốc độ tăng trưởng cao nhất với mức tăng doanh thu đạt 2.636% trong 3 năm.

Hiện nay, Gree có 15 triệu người sử dụng, tăng lên từ con số 8 triệu của năm trước. Với số người sử dụng lớn này, Gree đã qua mặt DENA và đang cận kề với Mixi, mạng xã hội có số người dùng lên đến 18 triệu người nhưng số người tăng thêm hàng tháng đang sụt giảm.

“Chúng tôi sẽ vượt qua Mixi trong vòng 6 tháng nữa” - Tanaka rất tự tin khẳng định như vậy. Ông cũng cho biết, chẳng bao lâu nữa, số người sử dụng Gree sẽ tăng gấp đôi lên 30 triệu người. “Người Nhật thích chơi điện tử. Gree lại rất dễ chơi và hấp dẫn” - Tanaka, ông chủ doanh nghiệp nói với ánh mắt sáng lên khi nhớ đến thú vui của mình từ thời còn bé.

Hai đối thủ cạnh tranh cũng đang theo bước của Gree để làm gia tăng số người sử dụng mạng của mình. Tháng 10 năm ngoái, Mixi đã triển khai các trò chơi trên điện thoại di động, DENA trở thành một trong những nhà cung cấp cho Mixi.

DENA, với khoảng 250 trò chơi đã sẵn sàng tham gia vào thị trường trò chơi điện tử trên mạng. Tanaka nói ông không hề e ngại. Tháng 9 năm ngoái, Tanaka đã nộp đơn kiện DENA với tội ăn cắp trò chơi của Gree và đòi bồi thường 4,2 triệu USD và yêu cầu DENA phải có lời xin lỗi chính thức. Vụ kiện này vẫn đang tiếp tục.

Song song với phát triển thị trường nội địa, Tanaka cũng tìm cách xuất khẩu các trò chơi của mình, và công bố ông đang cần tìm các đối tác ở những thị trường mục tiêu. Khi “nhảy” ra thị trường nước ngoài, Tanaka sẽ phải cạnh tranh với không chỉ mạng Facebook hoặc MySpace mà còn phải cạnh tranh cùng DENA - hãng này đã mua trang web trò chơi IceBreaker của Mỹ, và cả Mixi.

Tanaka vẫn không quên nhìn lại thị trường trong nước và nhớ về những thành công của mình và rút kinh nghiệm từ những tỷ phú khác. Kasahara đã từng là tỷ phú từ năm 30 tuổi, nhưng đến nay, khi đã 35 tuổi, ông không còn giữ được vị trí này.
Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….