Cập nhật 19/09/2018 3:57 PM
Bước lên ngôi vị cao nhất sau khi vượt qua 140 đối thủ trong và ngoài nước tại cuộc thi Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam (Fintech Challenge Vietnam) lần thứ nhất diễn ra hồi tháng 5 vừa qua, Weezi Digital - một startup của Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ mang đến ngân hàng không chi nhánh.

Christian Nguyễn muốn tự mình hoàn thiện hệ thống ngân hàng số để sớm ra mắt trong năm nay

Christian Nguyễn - CEO Weezi Digital cho biết, công ty đang phát triển một hệ thống digital banking (ngân hàng số) toàn diện với thương hiệu WeeBank nhằm mang đến cho khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng, tài chính, thanh toán những trải nghiệm hoàn toàn khác so với trước đây.

Nói một cách đơn giản là WeeBank sẽ hoạt động theo mô hình ngân hàng không chi nhánh, thực hiện toàn bộ thao tác và dịch vụ trên thiết bị điện tử thông minh thông qua hệ thống điện toán đám mây.

"Hiện chúng tôi đang đàm phán với một số ngân hàng để cùng nhau phát triển dự án và sẽ ra mắt trong thời gian sớm nhất. Công nghệ nổi bật của chúng tôi là giải pháp ứng dụng công nghệ sinh trắc học để định danh khách hàng.

Ngân hàng số này áp dụng các công nghệ sinh trắc học (biometric) ứng dụng cho vấn đề bảo mật, trong đó nổi bật nhất là nhận dạng khuôn mặt (facial recognition) và vân tay (fingerprint recognition).

Đây được coi là công cụ xác thực nhân thân hữu hiệu nhất", Christian Nguyễn chia sẻ.

Cũng theo CEO Weezi Digital, ý tưởng thực hiện WeeBank đến từ thực tế mỗi người có một đặc điểm sinh học riêng, không thể lẫn với ai, không thể giả mạo được như chữ ký, hồ sơ.

Vì mỗi người có một đặc điểm riêng biệt như vậy nên các ngân hàng giảm bớt thời gian thực hiện các thủ tục nghiệp vụ khi giao dịch với khách hàng và cải tiến công tác quản lý hồ sơ, thông tin của khách hàng.

Giúp khách hàng không phải lo ngại bị đánh cắp các công cụ bảo mật khác như mật khẩu, địa chỉ email, mã pin.

Ví dụ, khi khách hàng mở tài khoản ngân hàng tại trụ ATM, Weezi sẽ chụp ảnh khách hàng, lưu lại dấu vân tay và scan chứng minh nhân dân.

Những dữ liệu này sẽ được đồng bộ với core banking của ngân hàng để về sau, mỗi khi khách hàng tới quầy giao dịch, nhân viên ngân hàng có thể ngay lập tức nhận diện khách hàng (thông qua gương mặt và dấu vân tay) trước khi họ cung cấp bất kỳ giấy tờ tùy thân nào.

Weezi Digital cũng đưa ra số liệu nghiên cứu của Công ty là nếu một ngân hàng có 100 chi nhánh, trung bình mỗi chi nhánh có 5 giao dịch viên, thống kê của các ngân hàng cho thấy trung bình một giao dịch viên thao tác từ 30 - 50 giao dịch/ngày và chi phí cho mỗi giao dịch viên trong tháng ở mức từ 20 - 30 triệu đồng, bao gồm khấu hao cơ sở vật chất, thì tổng số giao dịch trong một năm của ngân hàng đó là 3,90 triệu giao dịch, số tiền lương chi trả cho giao dịch viên khoảng 120 tỷ đồng. Nếu giảm 50% số giao dịch dùng trong ứng dụng này, ngân hàng tiết kiệm được 60 tỷ đồng tiền lương.

Còn với việc sử dụng mã OTP (mật khẩu một lần), chi phí cho một tin nhắn thương hiệu là 800 đồng, nếu 50% số giao dịch này được thực hiện qua ứng dụng bằng cách xác thực SMS với 2 tin nhắn cho 1 giao dịch, ngân hàng sẽ mất 3,2 tỷ đồng một năm.

Khi dùng ứng dụng của Weezi Digital sẽ không phải mất số tiền trả cho tin nhắn ở trên vì OTP được xác định bằng yếu tố nhân trắc học qua nhận dạng gương mặt.

Như vậy, với ngân hàng cỡ nhỏ có 100 chi nhánh, số tiền tiết kiệm từ chi phí có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng và sẽ lên tới hàng nghìn tỷ đồng cho ngân hàng có cả 1.000 chi nhánh.

Mặt khác, với việc áp dụng ngân hàng số, ngân hàng còn tiết kiệm được tiền thuê mặt bằng để mở chi nhánh.

"Giải pháp mới này đang được hoàn thiện theo nhu cầu thị trường. Mặc dù giải pháp còn khá mới mẻ trên thị trường nhưng khá nhiều quỹ đầu tư và nhà đầu tư quan tâm muốn rót vốn.

Tuy nhiên, tôi vẫn muốn tự mình hoàn thiện và sẽ cho ra mắt sớm trong năm nay. Cho tới nay, vốn đầu tư cho giải pháp này đã gần 1 triệu USD", Christian Nguyễn nói.

Gia Thắng (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.