Cập nhật 01/06/2021 9:30 PM
Từ một người phụ xe múc công trình, rẽ sang kinh doanh ngành ẩm thực Thái, sau chục năm, Lê Thái Hoàng sở hữu trong tay 8 nhà hàng.

Lê Thái Hoàng sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng. Năm 2002, khi rớt đại học, anh được nhận làm phụ xe múc tại các công trình xây dựng. Công việc khá vất vả và nặng nhọc, thường xuyên phải giang mình ngoài nắng, mưa. Một năm sau, Hoàng quyết định tham gia các khóa trung cấp kế toán, quản trị kinh doanh và học về phần mềm để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. Nhưng học chưa được bao lâu, anh lại phải nghỉ giữa chừng để tiếp tục quay lại công việc cũ kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Nhờ tính "chịu thương chịu khó", chỉ sau thời gian ngắn làm phụ xe, Hoàng trở thành đơn vị thầu phụ công trình. Công việc bắt đầu thuận lợi, thu nhập tốt lên, và anh cho biết đã tích luỹ được kha khá vốn. Nhưng suy thoái kinh tế năm 2011 ập đến, khiến Hoàng gần như mất toàn bộ vốn liếng đã kiếm được từ trước đó. "Tay trắng vào năm 29 tuổi làm tôi hoang mang vô cùng. Nhưng lúc đó, tôi chỉ có một lựa chọn là tìm cách bắt đầu lại chứ không cho phép mình gục ngã", Hoàng chia sẻ.

Vốn từ nhỏ đã có khả năng bắt chước và tái hiện hầu hết hương vị món ăn từng nếm qua, Hoàng muốn mình tận dụng và phát huy khả năng này để tạo hướng đi mới cho cuộc đời. Anh bắt đầu theo học một đầu bếp giỏi tại TP HCM để nấu các món Ấn Độ. Nhưng kết quả sau đó không mấy tích cực khi món anh nấu ra không đạt như mong muốn.

Tình cờ trong lần nói chuyện với người bạn đang ở Thái Lan, anh nhận được lời khuyên hãy thử món Thái, vì ẩm thực nước này có nhiều nét tương đồng về hương vị với món Việt Nam. Thế là anh lại tiếp tục hành trình khám phá các nhà hàng Thái để tiếp cận món ăn của nước này.

Anh Lê Thái Hoàng: Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Với số vốn nhỏ được mượn từ bạn bè và người thân, Hoàng đã mạnh dạn mở nhà hàng Thái đầu tiên tại một khu trung tâm thương mại lớn ở Đà Nẵng vào tháng 12/2012. Món ăn do chính anh chế biến sau chuỗi ngày học hỏi kinh nghiệm từ lý thuyết đến thực tiễn khắp các nhà hàng Thái. Những món ăn này hợp khẩu vị thực khách, cùng sự tận tình trong cách phục vụ, giúp doanh thu mỗi ngày của quán đều tăng lên.

"Phương châm của tôi là nếu khách không hài lòng, mình sẽ tìm cách làm lại và mời họ ăn đến khi nào thấy ngon mới thôi", Hoàng chia sẻ và cho biết, nhờ tiêu chí này mà nhà hàng anh ngày càng hút khách.

Sau gần 7 tháng kinh doanh ổn định, anh quyết định mở nhà hàng thứ hai tại đường Trần Quốc Toản (Đà Nẵng). Đây là một quyết định khá liều lĩnh khi nghĩ rằng bản thân sẽ đủ khả năng quản lý được cùng lúc hai nhà hàng. "Bà xã lúc ấy ra sức ngăn cản vì sợ tôi thất bại, thậm chí đưa con về nhà ngoại nhưng tôi vẫn kiên quyết làm", anh nhớ lại.

Để tiết kiệm chi phí mặt bằng, Hoàng cho biết vừa tận dụng làm quán, vừa ở lại nơi làm. Anh cũng là người trực tiếp đi thu mua nguyên liệu tại bến cá lúc 2-3h sáng mỗi ngày và kiêm luôn nhân viên phục vụ, dắt xe cho khách,... "Mỗi ngày của tôi làm bằng 200% sức lực", anh cho biết.

Ngoài ra, để tối ưu hóa các nguồn doanh thu, sáng anh bán thêm bún, chiều tối bán món Thái để bù chi phí thuê mặt bằng, nhân viên, máy móc, thiết bị và nguyên liệu.

Anh tự thấy mình may mắn khi cả hai nhà hàng đều rất đông khách. Thấy được cơ hội bứt phá, anh quyết định mở tiếp nhà hàng thứ ba năm 2013. "Giai đoạn đó tôi vất vả nhất nhưng lại thấy rất vui. Vì bản thân đã hoạt động liên tục như một cỗ máy nhưng hạnh phúc khi được phục vụ cho khách những món ngon mà mình tâm đắc", anh chia sẻ.

Chị Vũ Thị Hương, người cộng sự cận kề của anh cho biết, chị luôn cảm nhận được sự nỗ lực, học hỏi không biết mệt mỏi của Hoàng. Đặc biệt, Hoàng luôn biết cách truyền lửa và dẫn dắt toàn đội ngũ công ty từng bước chinh phục các mục tiêu mới.

Thất bại với đối tác đầu tiên

Khi có được ba nhà hàng trong tay, anh đã có một nguồn thu và mức lợi nhuận ổn định. Thừa thắng xông lên, anh vào Hội An mở một nhà hàng thứ tư tại khu vực phố cổ với mong muốn chinh phục khách Tây.

Hoàng cho biết, trước đó nhìn thấy các thực khách này khi đến nhà hàng ở Đà Nẵng rất thích hương vị món Thái của mình, nên nghĩ rằng họ cũng sẽ đón nhận nó tại Hội An. Thế nhưng, sau khi mở ra, anh đã vướng vào bài toán quản lý chất lượng và nhân sự. Bởi anh không thể có mặt thường xuyên tại Hội An vì vướng bận các nhà hàng tại Đà Nẵng. Do đó, anh không thể trực tiếp nghe và giải quyết sự cố hoặc chất lượng món ăn tại nhà hàng ở Hội An. Càng về sau, khách càng vắng khiến anh nghĩ đến phương án tìm đối tác trợ giúp.

Năm 2015, anh gặp một người bạn hay ghé nhà hàng thưởng thức món Thái đã ngỏ lời muốn hợp tác. Anh đã tin vào bức tranh mà đối tác vẽ ra về con đường phát triển của hệ thống nhà hàng Thái tương lai. Nhưng sau 7 tháng, nhận thấy giá trị đi cùng nhau không hợp, anh quyết định "chia tay".

Nhưng việc tan rã này khiến Hoàng bị đối tác lấy đi gần như mọi thứ, từ đội ngũ nhân sự, hướng kinh doanh đến doanh thu của quán ở Hội An. "Đó là người mà tôi không bao giờ quên trong đời", anh nói nhưng cũng cho rằng chính người này đã giúp anh học được nhiều kinh nghiệm quý trong cách thức hợp tác làm ăn. Nhờ đó, sau này khi lựa chọn đối tác, anh đều cân nhắc rất kỹ, lựa chọn như tìm người bạn đời, luôn cùng hệ giá trị, chân thành và tin tưởng.

Hai năm sau đó, anh chủ động tham gia khóa học CEO để trau dồi thêm kiến thức. Nhờ tích lũy kiến thức trong quá trình học tập cũng như nhận được sự tin tưởng của khách hàng, năm 2016, anh đã là CEO của chuỗi 5 nhà hàng Thai tại Đà Nẵng. Các nhà hàng của anh đều có công thức pha chế gia vị do chính anh phụ trách. Đến năm 2018, anh tiếp tục mở thêm hai nhà hàng cũng trong khu vực Đà Nẵng.

Tháng 3 vừa qua, nhà hàng của anh là một trong 11 thương hiệu tại Việt Nam được Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế (DITP) - Bộ Thương mại Thái Lan vinh danh và trao chứng nhận Thai SELECT.

Giai đoạn 2019-2020, Hoàng lại cho ra mắt mô hình hoàn toàn mới là nhà hàng chuyên về các món lẩu và hủ tiếu Thái Lan. Tất cả nhà hàng của anh đều có lượng khách ổn định, trung bình từ 100 tới 300 lượt khách mỗi ngày. "Đầu năm nay, tôi mở nhà hàng Thái đầu tiên tại Hà Nội với kỳ vọng sẽ tìm được cơ hội mới ở đất Thủ Đô", anh nói.

Đã làm F&B đừng bán sản phẩm khi chưa ngon

Hoàng cho rằng, ngành F&B đòi hỏi rất nhiều đam mê và cái tâm với nghề. Món ăn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người dùng, nên anh cho rằng đừng bao giờ làm qua loa, đối phó mà phải làm bằng cả tâm huyết. "Chỉ nên bán các món ăn cho khách khi mình cảm thấy nó đã rất ngon", Hoàng chia sẻ.

Anh cũng tâm niệm có khách là có tất cả. Vì vậy, anh luôn học theo cách làm dịch vụ của người Thái vì họ biết cách làm khách hàng hài lòng và giữ chân họ lâu nhất.

Về điểm này, Trần Quang Tú, Giám đốc Tú Art - người bạn của Hoàng 4 năm qua, người đã chứng kiến nhiều thăng trầm trong quá trình khởi nghiệp của bạn - thừa nhận, Hoàng là một người rất chu đáo, cầu toàn và rất nhiệt huyết. "Anh luôn làm việc bằng cả cái tâm của mình", Tú nhận xét..

Trải qua mấy đợt dịch Covid-19, cũng như bao nhiêu doanh nghiệp khác, chuỗi nhà hàng của Hoàng bắt đầu "thấm đòn". Để tiết giảm chi phí và tái cấu trúc hệ thống hoạt động, hiện anh buộc đóng cửa 2 nhà hàng, chờ dịch được kiểm soát sẽ lại mở rộng.

Hoàng cho rằng, dịch bệnh cũng giúp anh có thời gian sống chậm lại để học hỏi và chuẩn bị cho cơ hội phát triển trong những năm tiếp theo. "Tôi đang ấp ủ kế hoạch 5 năm tới sẽ phủ sóng các thương hiệu Thái của mình đến hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM", anh nói và cho biết sẽ tìm kiếm những đối tác nhượng quyền hệ thống nhà hàng của mình.

Hạnh Nguyễn (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….