Cập nhật 08/07/2015 4:06 PM
Sở hữu một rừng trám đen 3 ha với 2/3 cây cho quả, mỗi năm, gia đình anh Lê Đức Toàn (Quang Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) thu về 400 triệu đồng.

Anh Toàn cho biết, trồng trám không tốn công. Chi phí ban đầu khá rẻ nhưng giá trị kinh tế lại cao. Cây ra quả và cho thu hoạch vào tháng 6 âm lịch, bán buôn 60.000 đồng/kg, lẻ 80.000-85.000 đồng/kg. Vài năm trở lại đây, giá bán ổn định, nhiều người trồng loại cây này. Năm 2013, gia đình anh Toàn mở rộng rừng trám từ 2 ha lên 3 ha.

Trám đen là cây gỗ lớn, cao trung bình 25-30 m, đường kính có thể tới 90 cm. Trước đây, trám mọc tự nhiên. Hiện tại, loại này được ươm trồng bằng hạt giống, sau 7-8 mới năm ra quả. Do xác suất cây ra quả thấp (cây trồng bằng hạt giống cái mới cho quả) nên vài năm nay, anh Toàn trồng bằng cây ghép, chỉ mất 3 năm là cho thu hoạch.

Gỗ, nhựa, quả và hạt của trám đều cho giá trị kinh tế. Sở hữu 3 ha, trong đó 1 ha cây con chưa cho thu hoạch nhưng năm vừa qua, anh Toàn đã thu được hơn 6 tấn trám. Giá bán lẻ và buôn dao động 60.000-85.000 đồng/kg. Trừ các chi phí, anh Toàn thu 400 triệu đồng.

"Trồng trám khá rẻ và nhàn. Chi phí phân đạm 3 ha rừng trám (khoảng 2.500 cây) chỉ mất 10-15 triệu đồng một năm. Ngoài dọn cỏ, người trồng không tốn công gì thêm. Bên cạnh đó, những hộ trồng loại này còn gia tăng thu nhập nhờ xen canh các loại cây ngắn ngày như gừng, xả, dưa leo... dưới rừng trám", anh Toàn chia sẻ.

Người dân trồng trám xen các loại cây khác cho thu nhập ổn định. Ảnh: Ngọc Lan.

Trám đen hình thoi, 2 đầu nhọn, màu tím thẫm, thịt màu đỏ vàng, trong hạt có nhân trắng. Giống trám nếp ngọt, bùi, thịt mềm dẻo và giá cao hơn khoảng 10.000-15.000 đồng/kg so với loại tẻ (giòn và cứng hơn). Vì thế, gần đây nhiều người có xu hướng trồng trám nếp.

"Hàng năm, cứ vào đầu mùa trám (cuối tháng 5 âm lịch), thương lái từ các nơi kéo tới thu mua. Nhiều người Trung Quốc sang mua với số lượng lớn. Cây trám chưa được trồng phổ biến nên cung không đủ cầu. Thời điểm khan hàng, nhiều người tới mua giá 90.000-95.000 đồng/kg sau đó đem ra các chợ thành phố và dưới xuôi bán lại với giá 120.000 đồng/kg", anh Toàn cho hay. Thương lái thu mua quả trám sau đó bán cho người dân, nhà hàng và một số công ty dùng trám chế biến cá kho, làm mứt.

Nhựa trám dùng để chưng cất tinh dầu, chế biến côlôphan dùng trong công nghệ nước hoa, xà phòng, véc ni làm hương, pha chế sơn và mực in. Giá thu mua nhựa dao động 30.000-40.000 đồng/kg.

"Mọi năm, nhiều người đến hỏi mua nhựa nhưng tôi từ chối. Nếu cho thu nhựa thì năng suất quả rất thấp. Vào thời điểm trong mùa, nhiều thương lái Trung Quốc đến tận vườn thu mua hạt trám loại to từ 2 cm trở lên với giá cao ngất ngưởng, tới 720.000-800.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trám cho hạt to thường là cây mọc tự nhiên, năng suất quả rất thấp nên ít người trồng", anh Toàn cho hay.

Theo một số hộ ở Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, trám dễ trồng, tuy nhiên, thời gian thu hoạch tính từ khi bắt đầu trồng mất ít nhất 3 năm. Người trồng có thu nhập ổn định từ năm thứ 6 trở đi. Cây trưởng thành cho thu hoạch trong 50 năm, sản lượng quả 200-300 kg một cây. So với cây ăn quả thông thường, thời gian thu hoạch của trám kéo dài hơn.

Quả trám được bán với giá cao trên thị trường. Ảnh: NVCC.

Vào mùa trám, trên các chợ lẻ, chợ trực tuyến, loại quả này được chào bán với giá 120.000-140.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Thanh (Mai Động, Hà Nội) cho biết, năm nào cũng nhờ người ở quê (Bắc Kạn) gửi quả trám lên để đồ xôi bán. Mỗi kg trám có giá đến 100.000 đồng, cuối mùa lên 150.000 đồng/kg nhưng người bán luôn báo "cháy" hàng. "Ngày trước, quả trám chín đen rụng đầy gốc, nhặt ăn không hết. Bây giờ, tôi phải mua với giá 150.000 đồng, đắt hơn cả thịt", chị Thanh cho hay.

Theo ông Trần Ngọc Điện, trưởng thôn Cầu Trên (Quang Sơn, Lập Thạch), trám đen là cây bản địa ở Vĩnh Phúc, đặc biệt tại các vùng Xuân Lôi, Quang Sơn. Là cây niên vụ nên trám càng lâu năm càng có giá trị. Mấy năm trở lại đây, trám có giá trị. Cây hiếm khi mất mùa, giá quả bán tại vườn lên tới 50.000-60.000 đồng/kg. Hiện tại, theo ông Điện, 100% gia đình trong thôn đều trồng trám và đang mở rộng diện tích.

Ông Điện cho biết thêm, vùng trung du, đồi núi không có làng nghề truyền thống, kinh tế tương đối khó khăn. Gần đây, thôn, xã chủ trương khuyến khích người dân chuyển đổi trồng lúa sang trồng dâu tằm, ớt, dưa leo, bí đao. Tuy nhiên, thu nhập từ những nông sản này không cao và nhiều rủi ro hơn cây trám.

"Trám không phải là cây mũi nhọn bởi phải phụ thuộc nhiều vào diện tích đất rừng. Tuy nhiên, trong tương lai, loại cây này có tiềm năng kinh tế cho người dân quanh khu vực. Hiện tại, một số gia đình sở hữu rừng trám lâu năm cho thu nhập đến vài trăm triệu đồng mỗi năm", trưởng thôn chia sẻ.

Ngọc Lan (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….