Khi nhắc đến sự phát triển của Côn Đảo người ta không thể không nhắc đến Coimex và ngược lại.
Là một trong những người đầu tiên ra tiếp quản Côn Đảo sau ngày
giải phóng, rồi gắn bó cả thời tuổi trẻ với Côn Đảo thân yêu, đến hôm
nay, khi tuổi đã xế chiều, Chủ tịch HĐQT- Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản
và xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) Lê Văn Kháng (trong ảnh) vẫn luôn tự
hào vì đã giữ trọn lời thề son sắt của mình trước vong linh những Anh
hùng liệt sĩ.
Biến cá tạp thành "vàng"
Nhớ
hôm gặp ông ở Côn Đảo, mười lăm năm về trước, tại trụ sở công ty, gần
cầu tàu 914, ông tâm sự: "Ngày mới giải phóng, ra tiếp quản Côn Đảo,
nhìn những người tù, đồng đội của mình, xác xơ như những cành cây khô,
những liệt sĩ đã nằm lại nơi Nghĩa trang Hàng Dương, tôi đã đặt tay lên
trái tim và thề phải cống hiến hết sức mình cho mảnh đất thiêng liêng
này, sống và làm việc sao cho xứng đáng với sự hy sinh của những đồng
chí, đồng đội đã ngã xuống. Đến hôm nay, tôi tự hào vì vẫn giữ trọn được
lời thề son sắt ấy".
Sinh ra và lớn lên nơi
miền quê nghèo Hậu Giang, Hai Kháng (tên thân mật của ông Lê Văn Kháng)
tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ. Năm 1975, khi Côn Đảo vừa giải
phóng, ông là một trong số những cán bộ đầu tiên của Quân khu 9 được cử
ra đảo.
Ông tâm sự: "Côn Đảo ngày ấy nghèo
lắm. Cơ sở vật chất hầu như không có gì. Tất cả đều tự cung, tự cấp. Do
cách xa đất liền nên người dân không có điều kiện học hành, ốm đau, bệnh
tật không được chăm sóc. Khi được giao nhiệm vụ làm Giám đốc Coimex,
tôi xác định phải làm sao để Coimex thật sự là "điểm tựa" đẩy Côn Đảo đi
lên".
Với việc mạnh dạn thực hiện "khoán 10"
trong ngành thủy sản, ngay từ khi cơ chế bao cấp vừa được xóa bỏ, quyết
định ăn chia 50/50 giữa công ty với thuyền viên của ông đã trở thành
luồng sinh khí mới "thổi" vào Coimex: Sản lượng đánh bắt tăng lên, không
còn chuyện thuyền viên bán cá ngoài khơi trước khi tàu cập bến, đời
sống cán bộ, công nhân viên và thuyền viên ổn định.
Được
Thủ tướng Chính phủ cho phép, từ năm 1994 đến năm 2000, toàn bộ tiền
thuế của Coimex được dành để đầu tư lại cho Côn Đảo. Đó là số tiền lớn ở
thời điểm bấy giờ. Đó cũng là lý do khi nhắc đến sự phát triển của Côn
Đảo người ta không thể không nhắc đến Coimex và ngược lại.
Khi
công việc đang thuận buồm xuôi gió, ông lại quyết định xa biển để lên
bờ. Ông tâm sự: "Nhìn đám cá tạp đánh bắt lên không có nơi tiêu thụ, tôi
đau xót lắm. Ai đời, vài tấn cá bán mấy ngày không xong. Vứt đi thì
tiếc mà làm mắm, làm khô, làm phân bón chất đống trong nhà cũng không có
người mua. Mình phải nghĩ cách giúp bà con ngư dân".
Nói
là làm, quyết định chuyển đổi sản xuất từ khai thác sang chế biến thủy
sản của ông chính là để tìm đầu ra cho những con cá nhỏ. Năm 1995, trong
một chuyến công tác tại Hàn Quốc, tham quan nhà máy chế biến surimi
(một loại chả cá được làm từ các loại cá tạp), ông đã học được nhiều
điều. Về nước, ông mạnh dạn vay vốn đầu tư dây chuyền sản xuất theo tiêu
chuẩn quốc tế.
Sau khi nghiên cứu và khảo sát
thị trường, ông xác định Coimex phải là đơn vị đi đầu trong xuất khẩu
surimi ra thị trường thế giới. Ông cam kết mua hết toàn bộ sản phẩm của
ngư dân đồng thời cho ứng trước một phần tiền xăng dầu để bà con yên tâm
ra khơi đánh bắt.
Không dừng lại ở đó, ông
đầu tư, hướng dẫn bà con nghèo ở một số tỉnh miền tây lập trại nuôi cá
thát lát, vừa tạo điều kiện để các hộ nông dân này thoát nghèo, vừa bảo
đảm nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định. Tiếng lành đồn xa, nhiều đối tác ở
những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Nga, Mỹ... đã tìm đến với
Coimex.
Chữ "tín" làm nên sự nghiệp
Với
uy tín về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, thương hiệu Coimex
ngày càng được thị trường nhiều nước trên thế giới biết đến. Thế mạnh
của surimi Việt Nam là có thể giao hàng quanh năm do nguồn lợi thủy sản
nước ta mùa nào cũng có.
Ông Hai Kháng chia
sẻ: "Vào những ngày giáp Tết vừa qua, trong khi ghe thuyền đánh cá ngoài
khơi đã về bờ, các dây chuyền chế biến sản phẩm chả cá surimi của công
ty vẫn hoạt động hết công suất để kịp xuất hàng cho khách". Bốn tháng
đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Coimex đã đạt hơn 10 triệu USD. Đó
là con số nối tiếp đà tăng trưởng của năm 2011 với thành tích kim ngạch
xuất khẩu 42,3 triệu USD, tăng hơn 6 triệu USD so với năm 2010.
Tổng
Giám đốc Lê Văn Kháng tâm sự: "Trong cuộc sống, tôi luôn khắc sâu lời
Bác dạy, phải khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Mình làm kinh doanh phải
lấy chữ "tín" làm đầu, không thể làm ăn gian dối. Là đảng viên, càng
phải cần trung thực, không vì cái lợi trước mắt mà bỏ lợi ích lâu dài.
Đó cũng chính là phương châm kinh doanh của Coimex".
Vừa
động viên, khích lệ, ông vừa tìm mọi cách để nâng cao đời sống vật chất
lẫn tinh thần cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Sáng kiến thuê xe đưa
người lao động về quê ăn Tết của ông giờ đã được nhiều doanh nghiệp ở
Bà Rịa - Vũng Tàu học tập. Thu nhập thấp nhất 5 triệu đồng/tháng ở
Coimex giờ vẫn là "cột mốc" ít doanh nghiệp thủy sản có thể vượt qua.
"Tôi luôn tâm sự với anh em phải học tập tấm gương của Bác. Trong cuộc
sống, không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Biết đoàn kết, đồng
lòng thì mọi khó khăn, thử thách đều có thể vượt qua được".
Sau
hơn hai mươi năm xây dựng và phát triển, trải qua bao thăng trầm,
Coimex giờ đã là một trong những thương hiệu mạnh của ngành thủy sản.
Liên tục nhiều năm qua, doanh nghiệp đều nằm trong top 500 doanh nghiệp
hàng đầu của cả nước. Có được thành công ấy, phải kể đến sự góp sức của
Tổng Giám đốc Hai Kháng, người chèo lái con thuyền Coimex suốt từ ngày
đầu thành lập đến nay, người đảng viên son sắt một lời thề, dù khó khăn
thế nào cũng phải xây dựng Côn Đảo trở thành một huyện đảo giàu, mạnh.