Sau vài năm đầu còn dè dặt với dòng sản phẩm mới lạ, gần đây, nhu cầu sử dụng thuốc lá điện tử bắt đầu rộ lên tại các thành phố lớn. Giới kinh doanh thuốc lá điện tử liên tục cập nhật các dòng sản phẩm mới với những lời quảng cáo “có cánh”. Mỗi bộ thuốc lá điện tử bao gồm điếu thuốc điện tử, ống chứa tinh dầu, bộ sạc pin và tinh dầu chứa nicotin, được giới thiệu là có khả năng giúp cai nghiện thuốc lá.
Bán “chui”
Theo Bộ Công Thương, với mặt hàng thuốc lá điện tử và thuốc lá nói chung, việc cấp phép quảng cáo cho các doanh nghiệp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đảm nhiệm. Bộ Công Thương chỉ quản lý hoạt động quảng cáo, khuyến mãi của các đơn vị đã được cấp phép. Nếu phát hiện sai phạm, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương và Bộ VH-TT-DL xử phạt theo luật. Tuy nhiên, trên thực tế, các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này vẫn có đủ “chiêu” lách luật để qua mặt cơ quan quản lý.
Tìm đến một địa chỉ bán thuốc lá điện tử được quảng cáo trên mạng (đường Trung Kính, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), chúng tôi khá bất ngờ khi thấy cửa hàng treo biển hiệu bán đồ chơi trẻ em. Khi bước vào hỏi thuốc lá điện tử, chúng tôi mới được nhân viên bán hàng lấy sản phẩm mẫu ra giới thiệu và tư vấn.
Một trang quảng cáo thuốc lá điện tử trên mạng internet |
Đến một địa chỉ bán thuốc lá điện tử nhập khẩu từ Mỹ, không tìm thấy cửa hàng tại địa chỉ được thông báo trên mạng (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân), chúng tôi liên lạc qua số điện thoại hotline thì người phụ trách cho biết cửa hàng đã thay đổi địa chỉ. “Nếu chị có nhu cầu, chúng tôi sẽ cho người mang sản phẩm mẫu đến tận nhà để tham khảo và tư vấn cách sử dụng”- người phụ trách này nói.
Sau đó, anh này nhiệt tình giới thiệu sản phẩm qua điện thoại, khẳng định thuốc lá này là dòng sản phẩm cao cấp của Mỹ với giá bán dao động từ 1,1 triệu đồng (Ego - F1) đến gần 1,3 triệu đồng (Ego - CE9), tinh dầu “hàng chuẩn” giá 120.000 đồng/lọ. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn trực tiếp đến cửa hàng để tham khảo thì nhân viên này trả lời vòng vo rồi cung cấp địa chỉ khác nằm trong ngõ Cự Lộc gần đó. Tuy nhiên, địa chỉ mới này chỉ là nhà ở bình thường, không hề có biển hiệu cửa hàng.
Tiếp tục đến một cửa hàng được giới nghiện thuốc truyền tai nhau là nơi cung cấp hàng nhập khẩu chính hãng từ Canada trên đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, chúng tôi quan sát thấy biển hiệu bên ngoài chỉ ghi tên Công ty D-Link mà không hề giới thiệu sản phẩm kinh doanh là thuốc lá điện tử. Theo lời của nhân viên bán hàng, do mặt hàng này chưa được nhà nước cấp phép nên không thể công khai, chỉ quảng cáo trên các trang mạng để khách hàng tự tìm đến.
Mập mờ nguồn gốc, chất lượng
Tại một cửa hàng thuộc Công ty Nhập khẩu D-Link Việt Nam, người bán hàng cho biết các sản phẩm do D-Link nhập khẩu đều là hàng chính hãng của Canada. Tuy nhiên, sản phẩm được sản xuất và nhập khẩu từ Hồng Kông. Giá bán dao động 1 - 1,9 triệu đồng mỗi bộ sản phẩm. Khi chúng tôi thắc mắc về mức chênh lệch giá cả giữa các sản phẩm, người bán cho biết chất lượng điếu thuốc cơ bản không khác nhau nhưng bộ đắt tiền hơn thì trên điếu thuốc có thêm đèn báo vạch pin và số lần “rít”.
Sản phẩm tinh dầu với giá 120.000 đồng/lọ cũng được quảng cáo là hàng nhập từ Canada. Tuy nhiên, ngoài dòng chữ “made in Canada” được in trên nhãn, chúng tôi không hề thấy có mã vạch chỉ xuất xứ cũng như nhãn phụ. Theo nhân viên bán hàng, mặt hàng này do chưa được phép kinh doanh trong nước, doanh nghiệp chỉ nhập về và bán trực tiếp nên thiếu những thông tin cần thiết trên sản phẩm.
Nhân viên này cũng cho biết tinh dầu của thuốc lá điện tử có nhiều hương vị như sôcôla, cà phê, vani... Trong tinh dầu có nicotin đã được lọc tạp chất nên bớt độc hại với người hút. Có nhiều loại tinh dầu với nồng độ nicotin khác nhau để người hút điều chỉnh giảm dần nồng độ và từ từ cai hẳn thuốc.
Chủ một cửa hàng thuốc lá trên đường Trung Kính, quận Cầu Giấy cho biết công nghệ sản xuất thuốc lá điện tử hiện có ở nhiều nước như Mỹ, Canada, Anh... Các quốc gia này hầu hết liên kết với Trung Quốc để sản xuất linh kiện và lắp ráp nên hàng được nhập thẳng từ Trung Quốc về Việt Nam. Giá cả khá linh hoạt, có loại chỉ khoảng 400.000-700.000 đồng/bộ, đắt nhất là 1,6 triệu đồng/bộ.
Riêng tinh dầu tại đây gắn mác “made in USA” nhưng khi được hỏi sản phẩm có phải “hàng chuẩn” của Mỹ không thì nhân viên không dám khẳng định mà chỉ cho biết: “Mọi thông tin cũng như giấy tờ liên quan đến nhập hàng đều do nhà cung cấp nắm, đây chỉ là đại lý bán lẻ”.
Chưa được phép nhập khẩu
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho biết hiện chưa có quy định về việc kinh doanh, buôn bán thuốc lá điện tử. Tại các hệ thống siêu thị cũng chưa được phép bày bán sản phẩm này mà phần lớn tiêu thụ trôi nổi, buôn bán trái phép ngoài thị trường.
“Đây là mặt hàng mới, khá phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nên nhà nước cần hạn chế thấp nhất việc cho phép nhập khẩu thuốc lá điện tử, khi nhập về phải kiểm soát chặt về chất lượng” - ông Phú đề xuất.
-
Điếu thuốc lá điện tử nạm 246 viên kim cương
22/12/2013 8:16 PMĐược nạm 246 viên kim cương và có giá vào khoảng 550 nghìn bảng Anh, điếu thuốc lá điện tử được một nhà tỉ phú người Nga dành tặng bạn gái nhân dịp sinh nhật đã trở thành điếu thuốc đắt nhất thế giới.
-
Rầm rộ kinh doanh thuốc lá điện tử bạc triệu trên mạng
07/10/2013 1:59 PMHoạt động quảng cáo mặt hàng thuốc lá điện tử đang tràn ngập trên mạng Internet, nhưng cơ quan quản lý chưa có cách nào kiểm soát.