Cập nhật 27/12/2011 7:13 AM
Gặp ông Đặng Thành Tâm, hỏi sao tóc bạc nhiều vậy, ông nói: “Phải suy nghĩ nhiều quá!”. Một tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam với 50 công ty thành viên như SGI cho dù mọi việc suôn sẻ, thì điều hành cũng đã quá vất vả. Đằng này trong năm qua, quá nhiều áp lực đè nặng đã khiến người đứng đầu Tập đoàn càng phải vắt sức ra nhiều hơn. Thế nhưng, khi đề cập chuyện làm từ thiện và Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM giới thiệu Đặng Thành Tâm ra ứng cử đại biểu Quốc hội, sự sôi nổi trong ông lại bùng lên.

* Cùng cha hào hứng tham gia chương trình Đồng hành cùng người nghèo ở phường 10, quận Phú Nhuận, có phải ông đã chọn mô hình làm từ thiện mới?




- Quê hương gốc của cha tôi là phường 10, quận Phú Nhuận. Thế nên ông luôn mong muốn làm được điều gì đó cho nơi này khi ông còn sống và tôi đã xin được cùng cha thực hiện tâm nguyện ấy. Hàng năm, Ngân hàng Chính sách cho quận Phú Nhuận vay 10 tỷ đồng, nhưng năm nay không được vay nữa.

Tôi là thành viên Ban Tư vấn APEC của Chính phủ, rất hiểu chính sách tín dụng nhỏ có hiệu quả như thế nào cũng như đã thấy Ấn Độ, Bangladesh rất thành công với mô hình này. Khi tiếp xúc với những người dân nghèo trong quận cần hỗ trợ, trong đầu tôi nảy sinh ý nghĩ “tại sao mình không áp dụng mô hình này để giúp đỡ họ".


Tôi hoàn toàn tin tưởng vào thành công của dự án, bởi những người quản lý chương trình là người địa phương, đồng thời cũng có thể là người vay vốn. Được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng, những người này sẽ khuyến khích người dân vay vốn làm ăn.


Tập đoàn thí điểm trong đợt này trao tặng 3 tỷ đồng cho quận Phú Nhuận, Ngân hàng thành viên của SGI là Navibank sẽ thực hiện chương trình cho các hộ nghèo nơi đây vay tín chấp.


Tất nhiên công việc này đòi hỏi mất nhiều thời gian, nhưng tôi động viên anh em phải làm. Tôi nghĩ, nhiệt tình không bao giờ làm bùng cháy con tim, mà chính con tim mới làm bùng cháy nhiệt tình và khối óc.


* Đó là ý tưởng nảy sinh khi làm việc từ thiện. Còn trong kinh doanh, ông có thường đưa ra quyết định từ những ý tưởng bất chợt như vậy?


- Nhiều người nghĩ kinh doanh phải là một cái gì đó quá to lớn, nhưng thực ra hoàn toàn không phải vậy. Có thể trong quá trình làm việc, nhiều ý tưởng bất chợt xuất hiện và khi thời cơ đến mình phải biết chớp lấy để làm ngay. Cách làm đó có thể thành công và cũng có thể thất bại.


Thành công thì sẽ nhân rộng ra, còn thất bại sẽ trở thành bài học để rút kinh nghiệm. Chẳng hạn như việc tôi tình cờ làm khoáng sản khi bắt tay vào làm Khu công nghiệp Nhơn Hội ở Bình Định. Thấy Nhơn Hội có nguồn titan dồi dào, tôi liền khai thác thử rồi đem sang Nhật Bản chào hàng.


Phía Nhật nói chất lượng titan rất tốt, hoàn toàn có thể khai thác và sẽ đem lại lợi nhuận cao. Tôi lập tức tự xoay xở cho ra 500 tỷ đồng để làm. Thời điểm đó ngân hàng đâu dám cho vay vì lĩnh vực này quá mới, rủi ro cao. Và tôi cứ âm thầm làm, đến khi công bố kết quả ai cũng ngỡ ngàng.


* Hình như chuyện làm từ thiện của doanh nghiệp Việt Nam thường gắn với các dự án nhận được. Và rất nhiều chương trình của SGI cũng không ngoại lệ?


- Đúng là khi nhận được dự án thì doanh nghiệp thường phải thể hiện nghĩa cử với địa phương, coi như là sự trả ơn. Thật sự có những nơi SGI đầu tư nhiều như Long An, Bắc Ninh nhưng tôi đâu có hoạt động từ thiện nào.


Trong khi đó tôi lại triển khai một số chương trình từ thiện ở Lai Châu, Lâm Đồng..., đều là những nơi vốn chẳng liên quan gì đến SGI. Theo tôi, xây dựng khu công nghiệp tại một địa phương cũng có nghĩa là chúng tôi đã đóng góp thiết thực cho địa phương đó rồi.


* Có vẻ như tóc ông bạc nhanh quá?


- Không phải mình tôi bạc tóc vì lo lắng. Tôi có anh bạn ở Mỹ, sau khủng hoảng kinh tế thêá giới ba tuần, tóc gần như bạc trắng. Rồi trong kinh doanh, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều chuyện buồn.


Cụ thể, thời gian qua chúng tôi gặp không ít chỉ trích do chậm thực hiện một số dự án vì ảnh hưởng bởi khủng hoảng, trong khi nhiều tập đoàn khác, cả nước ngoài lẫn trong nước, có những dự án kéo dài lê thê hết năm này đến năm khác mà có bị nói gì đâu.


Chưa kể, tôi còn chịu sức ép trong chính Tập đoàn của mình khi có cổ đông muốn ép tôi phải bán đi nhiều dự án khi thấy được trả giá cao.Tôi làm sao có thể thực hiện được điều đó, vì một khi mình đã nhận dự án là phải làm, cớ đâu vì lợi nhuận mà đem bán buôn!


Một chuyện buồn khác nữa là khi chúng tôi xây dựng Khu công nghiệp Tân Tạo, vùng đất nơi đây chưa phát triển nên lãnh đạo địa phương mừng lắm. Nhưng giờ đây, đô thị phát triển với tốc độ chóng mặt, dân cư xung quanh Khu công nghiệp ngày một đông, thế là họ muốn chúng tôi phải dời đi.


* Ông có thắc mắc vì sao nhiều doanh nghiệp chậm chạp trong triển khai dự án mà vẫn không bị phê bình?


- Tôi nghĩ sở dĩ họ không bị phê bình là bởi họ "chui sâu trốn kỹ", cứ len lén mà làm. Còn chúng tôi làm đầu tư thì phải công khai mới thu hút đầu tư được chứ.


Mới đây, Tập đoàn Wintek của Đài Loan đầu tư 250 triệu USD vào Khu công nghiệp ở Bắc Giang của chúng tôi. Con số này rất ấn tượng, bởi cả trong tháng 1, Việt Nam chỉ thu hút được 180 triệu USD đầu tư nước ngoài.


Tôi nghĩ, có lẽ do chúng tôi đối đãi thân thiết, thể hiện sự tin tưởng vào đối tác nên vẫn thu hút được đầu tư từ các tập đoàn lớn trong thời buổi khó khăn như hiện nay.


* Ông nghĩ sao khi SGI được đánh giá là chỉ có nhiều dự án, còn doanh thu thực thì không đáng kể?


- Có lẽ người ta đánh giá SGI không đúng. Mỗi năm SGI thu hút được rất nhiều đầu tư từ nước ngoài. Còn chuyện dự án, Tập đoàn chúng tôi bao gồm 50 doanh nghiệp, nhưng mọi người thường chỉ biết đến cái tên Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn. Nhiều dự án là do các công ty thành viên thực hiện, SGI chỉ đứng ra làm đại diện.


Những việc chúng tôi làm rất cụ thể, thu hút được bao nhiêu đầu tư đều được công bố, chứ nếu chỉ làm dự án không thì làm sao hàng ngàn cán bộ, công nhân viên của chúng tôi sống được, rồi lấy đâu ra tiền để đi làm từ thiện, để đóng thuế.


Ở TP.HCM, chúng tôi không nhận dự án nào nữa, ở Hà Nội cũng vậy, chúng tôi chỉ nhận lại dự án khách sạn Lotus 500 triệu USD do phía Nhật Bản không làm, chứ đâu có hỏi xin ai. Tôi có thể mạnh dạn tuyên bố là tôi không lấy những gì không thuộc về tôi.


* Nhiều dự án hợp tác với các tên tuổi lớn như Foxconn, hay Khu công viên phần mềm Thủ Thiêm chưa thành công như mong muốn có làm ông thất vọng?




- Tôi không bao giờ thất vọng, mà chỉ lo làm tốt việc của mình. Lo khi nhân viên của mình làm mất cơ hội, hoặc sản xuất kinh doanh đi xuống khiến mình không đạt được một số ước vọng. Trường hợp dự án khu công viên phần mềm Thủ Thiêm từ lúc được cấp giấy phép đến giờ vẫn còn đến 98% chưa làm.

Phía đối tác nước ngoài đến tận bây giờ vẫn gửi văn bản sang TP.HCM đề nghị trả tiền đất nhưng không có lãi phạt, vì họ là doanh nghiệp lớn, chỉ tạm thời gặp khó do khủng hoảng kinh tế.


Họ còn cho rằng, phần lời từ chênh lệch tỷ giá tính đến nay đã tăng lên mấy chục phần trăm (khi họ nộp tiền ứng trước, tỷ giá là 16.200 đồng/USD, nay đã hơn 20.000 đồng/USD) cũng đủ để cấn vào phần lãi phải trả theo yêu cầu. Ban quản lý Thủ Thiêm không đồng ý, nên đến giờ vấn đề vẫn chưa giải quyết xong.


Bản thân tôi vẫn quyết tâm làm và tin là sẽ làm được. Doanh thu của đối tác này trong năm qua đã đạt 10 tỷ USD, hơn nữa chúng tôi chỉ có 20% trong vốn điều lệ (khoảng 36 triệu USD), nên cũng không khó khăn gì. Tôi có cách làm của riêng tôi là bám theo những anh khổng lồ, và phải biết đứng trên vai họ, chứ nếu làm một mình thì không làm nổi.


* Đứng trên vai người khổng lồ có lợi nhưng cũng dễ lâm nạn?


- Mỗi người sẽ chọn một con đường. Đúng là đứng trên vai người khổng lồ, nếu rơi xuống, rất dễ chết, nhưng tôi không sợ. Mình mà không tin mình thì còn ai tin mình nữa. Khi làm gì đừng nghĩ đến thất bại, vì sẽ dễ nhụt chí.


* Có những doanh nghiệp làm lớn nhưng cũng nợ rất nhiều. SGI có nằm trong số này?


- Khi làm ăn, muốn lời 1 đồng thì phải vay 3 đồng, đó là chuyện hết sức bình thường. Thời gian khó khăn vừa qua, tôi vẫn thu hút được đầu tư, vẫn có dòng tiền tối thiểu. Cuối năm 2009, tôi đã phát hành lượng trái phiếu được 700 - 800 tỷ đồng đem gửi vào ngân hàng và tạm thời án binh bất động.


Tôi vẫn tự hào là đơn vị nộp thuế nhiều. Khi nói về hiệu quả đạt được từ thu hút đầu tư nước ngoài, đối tác Canon ở khu công nghiệp của chúng tôi xuất khẩu mỗi năm 1,4 tỷ USD, tạo ra giá trị gia tăng 70% trong nước, trong khi Khu công nghệ cao TP.HCM với tên tuổi của Intel, dù dự án trị giá 1 tỷ USD, nhưng giá trị gia tăng trong nước chỉ có 3%.


* Đã có thâm niên bảy năm làm đại biểu HĐND TP.HCM, ông có thấy mình đã làm tốt vai trò này trong thời gian qua?


- Tôi thấy mình không làm điều gì để đáng phải hổ thẹn trong thời gian làm đại biểu HĐND TP.HCM. Đúng là tôi ít phát biểu ý kiến ở hội trường trong các kỳ họp, nhưng khi sinh hoạt tổ thì tôi luôn tích cực đóng góp ý kiến.


Quan điểm của tôi là đóng góp ý kiến để xây dựng, chứ không phải để phê phán vì người nào cũng có mặt tốt, mặt xấu và chủ yếu là đưa ra giải pháp để khắc phục những mặt còn hạn chế.


Ví dụ như chuyện TP.HCM và Hà Nội xây dựng cống xả để chống ngập, nhưng không đạt kết quả như mong muốn, tôi đã đề xuất nên làm giống như Hà Lan và một số nước có độ cao thấp hơn mực nước biển là dùng bơm bơm nước ra vì cho kết quả rất tốt.


Và tôi cũng bằng mọi cách chứng minh rằng tiền đầu tư xây cống xả bao lâu nay tính ra cao gấp mấy lần đầu tư cho bơm nước. Hay như đề xuất doanh nghiệp có thể tham gia cùng thành phố làm đường trên cao, bù lại thành phố quy đổi cho họ một diện tích đất nào đó để tránh trường hợp doanh nghiệp xin dự án tràn lan.


Giá 1ha đất ở trung tâm thành phố bằng khoản tiền tôi đầu tư vào một khu công nghiệp rộng 500ha, nhưng sở dĩ tôi làm ở xa vì muốn mang lại công ăn việc làm cho người lao động.

* Là một trong hai doanh nhân được Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII, nếu trúng cử, ông có nghĩ mình sẽ hoàn thành tốt trọng trách được giao?

- Năm 2010, tôi đã tuyên bố sẽ rút dần khỏi công việc quản lý Tập đoàn sau khi đã chuẩn bị đội ngũ tiếp nối, và giờ vẫn khẳng định chỉ làm nốt một năm nữa. Tôi nhận thấy vai trò của Quốc hội ngày càng quan trọng, nên nếu tham gia tôi sẽ đóng góp được nhiều vì tôi học ngành luật, lại là thành viên Ban tư vấn APEC, hậu WTO.


Tôi theo dõi thường xuyên diễn tiến của các kỳ họp Quốc hội và thấy chất lượng nội dung chất vấn của đại biểu chưa đủ, chưa đúng trọng tâm để người có trách nhiệm trả lời. Đóng góp cho quốc kế dân sinh cũng hầu như không có. Bản thân không phải là đảng viên nhưng tôi có tinh thần yêu nước.


Tôi cũng đã đóng góp nhiều ý kiến với tư cách là chuyên gia, cả trong nước lẫn quốc tế, nay danh chính ngôn thuận thì càng thuận lợi hơn. Tôi cũng cảm thấy tự hào vì vừa qua đã đóng góp được khá nhiều ý kiến cho Nghị quyết Trung ương Đảng, ví dụ như hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, không xuất khẩu thô mà phải chế biến...


* Đã thành công với khu công nghiệp ở Tân Tạo, rồi Bắc Ninh, sắp tới ông dự định sẽ làm gì?


- Tôi còn mong ước biến Cần Giờ thành một đặc khu giống như Thâm Quyến. Mặc dù Cần Giờ là một vùng sinh quyển rộng 70 ngàn ha, nhưng những khu đất không có cây cối hiện cũng còn chiếm khoảng 14 - 15 ngàn ha, trong khi làm khu công nghệ cao chỉ cần chừng 400 ha. Biến Cần Giờ thành thành phố công nghệ cao mà vẫn giữ được màu xanh là điều tuyệt vời.


Tôi đang làm dự án để trình UBND TP.HCM và Bộ Chính trị. Để thực hiện dự án này, với cương vị là Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Sao Vàng Đất Việt, tôi sẽ huy động 1.000 doanh nghiệp hội viên giúp sức.


Chỉ cần mỗi doanh nghiệp đầu tư 20 tỷ đồng, tổng số tiền thu về cũng được khoảng 1 tỷ USD. Tôi có thể vay thêm 3 tỷ USD để đầu tư, sau đó xây một cây cầu nối trung tâm thành phố với Cần Giờ, khi đó giá trị Cần Giờ sẽ tăng lên rất nhanh. Tôi cũng đã liên hệ với một số nhà đầu tư lớn và nghiên cứu mô hình phù hợp. Với dự án này, tôi vẫn chỉ giữ vai trò người cầm cờ.


* Xin cảm ơn ông!
Xem thêm bài viết về: Ông Đặng Thành Tâm
Theo Mạnh Dương (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.