Cập nhật 16/03/2012 1:35 AM
Thời điểm ban đầu, ý tưởng kinh doanh của hai thanh niên chưa đến 30 tuổi này bị xem là khác thường nhưng tính tới năm 1960, chuỗi cửa hàng của nhà Albrecht đã lên tới hơn 300 và lan toả rộng khắp nước Đức.

Karl Albrecht là doanh nhân người Đức, nhà đồng sáng lập chuỗi siêu thị Aldi (viết tắt của Albrech's Discount) với đặc trưng là chính sách giảm giá sản phẩm tối đa. Ông cùng người em trai Theo Albrecht đã cùng bắt tay gây dựng và phát triển Aldi từ con số 0 tới khi trở thành 1 doanh nghiệp thành công. Trong vài năm trở lại đây, Karl Albrecht luôn là một trong những người giàu nhất trên thế giới. Với tổng tài sản xấp xỉ 23,5 tỷ đô la Mỹ năm 2011, Albrecht xếp thứ 10 trong bảng xếp hạng 10 người giàu nhất do Forbes mới công bố.


Thời niên thiếu và ý tưởng kinh doanh táo bạo


Karl Albrecht sinh ngày 20 tháng 2 năm 1920, cuộc đời thành công của ông gắn liền với người em ruột kém ông 2 tuổi, Theo Karl Albrecht. Thời bé, ông cùng em trai nhận được sự nuôi nấng tốt từ cha mẹ cũng như có 1 cuộc sống khá thoải mái. Cha ông làm việc tại 1 khu mỏ địa phương và sau đó trở thành trợ lý trong 1 cửa hiệu bánh. Mẹ ông từng là chủ 1 cửa hàng rau tại Schonnebeck và là người đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của 2 anh em sau này.


Thời trẻ, Theo làm việc trong cửa hàng của mẹ trong khi Karl lại tham gia quân đội Đức trong Thế chiến thứ 2. Sau khi Đức quốc xã bị tiêu diệt, Theo và Karl đã nắm quyền kinh doanh cửa hàng do mẹ để lại. Bằng tài năng của mình, Karl và Theo đã mở thêm rất nhiều những cửa hàng nhỏ khác trong khu vực. Đến năm 1950, anh em nhà Albrecht đã có trong tay 13 cửa hàng.


Vào thời điểm đó, ý tưởng kinh doanh của 2 thanh niên chưa đến 30 tuổi này bị xem là khác thường: Họ chỉ "ăn lãi" tối đa 3% trên mỗi mặt hàng. Karl và Theo cũng mạnh dạn rút tất cả những hàng hóa không bán được ra khỏi giá hàng, và cắt giảm chi phí tối đa, không bán mặt hàng tươi sống, không quảng cáo, giữ quy mô cửa hàng ở mức bé nhất có thể.


Tính tới năm 1960, chuỗi cửa hàng của nhà Albrecht đã lên tới hơn 300. Tuy nhiên cũng vào năm này, do 1 mâu thuẫn nhỏ trong việc có lưu thông mặt hàng thuốc lá hay không, 2 anh em đã chia tách công ty thành 2 phần riêng lẻ.




Xây dựng và phát triển đế chế Aldi


Vào năm 1962, họ lần đầu tiên đưa thương hiệu siêu thị Aldi ra công chúng. Cả 2 đã thống nhất và phân chia khu vực hoạt động: Karl nắm khu vực phía Nam và thành lập nên Aldi Sud còn Theo ở trên phía Bắc và gây dựng Aldi Nord. Cả 2 công ty đều mối liên hệ qua lại tốt đẹp nhằm phát triển thương hiệu chung Aldi.


Bí quyết thành công của hệ thống Aldi là ở chỗ họ chỉ mua về và tiêu thụ các loại sản phẩm nếu biết chắc chắn đó là loại rẻ nhất trên thị trường: "Chúng tôi bán những sản phẩm tốt nhất với mức giá thấp nhất có thể". Chính sách kinh doanh độc đáo này đã giúp Aldi thu hút được sự quan tâm của khách hàng thay vì những chiến lược marketing tiêu tốn vô số tiền của. Thay vì những chương trình quảng cáo đắt tiền, hàng tuần Aldi chỉ phát đi những tờ rơi trong đó có ghi những mặt hàng mới của tuần tới cũng như giá cả, đặc biệt là những sản phẩm theo thời vụ.


Các siêu thị Aldi có ít người phục vụ, tiết kiệm chi phí trang trí, quảng bá cầu kỳ và tận dụng tối đa các giá bày hàng, nhiều hàng hóa thậm chí được bày trực tiếp ngay bệ gỗ dưới sàn. Chính việc tiết kiệm này đã khiến cho khách hàng Aldi được hưởng giá rẻ hơn các hệ thống siêu thị khác. Tại các quốc gia nơi Aldi hiện diện, siêu thị Aldi có diện tích chỉ bằng khoảng 1/4 so với mặt bằng các siêu thị lớn thuộc những thương hiệu bán lẻ nối tiếng thế giới khác trong cùng thành phố.


Vậy nếu Aldi có thể cung cấp các hàng hoá với giá hấp dẫn như vậy thì liệu sản phẩm có đủ chất lượng không? Trong chuỗi siêu thị của Aldi gần như không có một thương hiệu nổi tiếng thế giới nào nhưng các sản phẩm xuất hiện trên quầy hàng đều được quản lý rất nghiêm ngặt, chỉ có những sản phẩm có chất lượng ở mức tốt hoặc rất tốt mới được Aldi nhập về.


Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu thị trường Đức (Forsa), thực hiện năm 2007, 95% công nhân, 88% nhân viên tại các văn phòng, 84% công chức nhà nước và 80% người làm việc tự do mua sắm tại Aldi.


Những năm gần đây Aldi mở rộng mặt hàng tiêu thụ như hàng dệt may, máy tính,.v...v...Hiện Aldi đang là nhà cung cấp máy tính số một với khoảng 60% thị phần ở Đức. Aldi còn thành công ở cả nước ngoài và hiện có hệ thống cửa hàng ở nhiều nước châu Âu và Mỹ. Aldi đã vươn ra hơn 20 quốc gia trên toàn cầu với khoảng 9.400 cửa hàng trải khắp từ Seattle tới Sydney, cạnh tranh mạnh mẽ với các siêu thị Hoa Kỳ như Walmart, với các công ty của Anh như Tesco và với cả các hãng phân phối bán lẻ khác ở châu Âu như Carrefour. Anh em nhà Albrecht vẫn duy trì cách làm ăn "phân chia thế giới". Các siêu thị ở Mỹ, Thụy Sĩ và Áo thuộc về đế chế "Aldi Nam" của Karl (mặc dù ông đã không còn tham gia quản lý); còn ở Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan thuộc sự quản lý của tập đoàn "Aldi Bắc" của Theo.


Niềm đam mê và những cống hiến to lớn cho thế giới


Karl Albrecht được mọi người ca ngợi như một nhà cố vấn quản trị xuất sắc, một nhà tư vấn kinh doanh lỗi lạc, một nhà văn, một diễn giả năng động và là một nhà tư tưởng với những ý tưởng đột phá đi trước thời đại. Căn cơ nền tảng cho cả sự nghiệp rực rỡ của ông thực chất là một phương pháp tư duy tiên tiến, logic trong việc khơi dậy tinh thần và ý tưởng của từng nhóm đối tượng riêng lẻ bao gồm: cá nhân, đội nhóm, các lãnh đạo và các doanh nghiệp.


Một nhân viên gắn bó lâu năm với Karl đã nhận xét: "Ông ấy là người đi tiên phong trong việc đưa những mô hình quản trị mới vào thế giới kinh doanh, đơn cử như Karl được biết tới như là cha đẻ của khái niệm "quay vòng khách hàng" kiểu Mỹ cũng như cách thức quản trị dịch vụ". Cuốn sách Service America: Doing Business in the New Economy của ông đã bán được tới hơn nửa triệu bản và dịch sang 7 thứ tiếng.


Ông cũng là người dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển những kỹ năng giải quyết vấn đề hiện đại. Những quyển sách của ông như Social Intelligence: the New Science of Success, Mindex Thinking Style Profile, v..v....đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong kinh doanh và giáo dục. Tổ chức lâu đời nhất thế giới tập hợp những ngưòi có chỉ số IQ cao - Mensa đã vinh danh Karl với giải thưởng thành tựu trọn đời vì những cống hiến to lớn trong việc khám phá trí thông minh con người.


Karl Albrecht có niềm đam mê đặc biệt với việc nghiên cứu tâm trí, đặc biệt là quá trình hình thành các ý tưởng. Ông từng nói rằng "Tôi tin rằng ý tưởng mới chính là dạng thức tối cao của của cải. Chúng ta có thể bàn về các doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức xã hội, chính phủ hay thậm chí cả quốc gia nhưng ý tưởng là chìa khóa cốt lõi để xây dựng nên mọi thành phần đó"


Karl luôn cố gắng truyền tải thông điệp về một phương pháp tư duy mới cho các nhà doanh nghiệp cũng như nhà lãnh đạo các tổ chức. Để tạo sự đột phá trong kinh doanh và bứt lên tầm cao mới, phải thay đổi sâu sa từ trong suy nghĩ chứ không chỉ đơn thuần ở phương pháp quản lý bên ngoài. "Những ý tưởng lớn thường chỉ xuất hiện thoáng chốc nhưng chúng ta đang cần chúng hơn bao giờ hết. Quá nhiều những giám đốc điều hành sa lầy trong việc xử lý các đầu việc nhỏ nhặt thay vì định hướng con đường tương lai cho doanh nghiệp, điều thực sự cần thiết trong thời kỳ biến động này. Quá nhiều những nhà khởi nghiệp mắc kẹt trong việc điều hành công ty non trẻ, làm việc miệt mài nhưng với góc nhìn hạn hẹp từ trong doanh nghiệp chứ không phải góc nhìn tổng thể từ bên ngoài. Quá nhiều những nhà lãnh đạo các phong trào xã hội loanh quanh trong các chính sách và thủ tục. Chúng ta không thể làm được những điều vĩ đại nếu không nâng trí tuệ và tầm nhìn lên 1 nấc thang mới!"


Ngoài công việc, Karl Albrecht còn rất nhiều sở thích khác. Ngoài sở thích viết sách, ông còn đặc biệt thích chơi golf. Karl đã mua 1 sân gôn để phục vụ sở thích cá nhân vào năm 1976 và đặt tên là Oshberghof. Bên cạnh đó ông cũng rất thích cây cảnh, trong đó nổi bật là chơi hoa lan, Theo thông tin từ nhiều người, Karl trồng rất nhiều loại hoa này tại khu vườn riêng của mình. Ông đồng thời sở hữu một bộ sưu tập quý giá bao gồm các máy đánh chữ cổ.


Những thách thức khó khăn phía trước


Cái chết của người em Theo Albrecht vào tháng 7 năm 2010 (thọ 88 tuổi) có thể đã đặt ra dấu hỏi lớn cho kỷ nguyên Aldi. Hiện người ta đang băn khoăn về tương lai của Aldi sau khi đã gặt hái quá nhiều thành công trên thị trường nội địa cũng như khi mở rộng ra thị trường nước ngoài, chủ yếu ở các nước châu Âu và Mỹ. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế và ngày càng xuất hiện nhiều hãng bán hàng giá rẻ, vào năm 2010, lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại, doanh thu của Aldi giảm 4% và mất đi một số thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh.


Trong năm 2011, công việc kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn hơn do châu Âu lại có nguy cơ dính vào 1 cuộc khủng hoảng mới và nền kinh tế thế giới gặp nhiều biến động. Tuy nhiên với hơn 50 năm phát triển, nhờ công lao của Karl Albrecht, nền tảng tư tưởng vững chắc cũng như tư duy quản lý hiện đại đã ăn sâu bám rễ trong Aldi và điều đó sẽ giúp đế chế bán lẻ khổng lồ này đương đầu với những thách thức trong thời gian tới.

THeo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.