Từng kiếm được triệu USD ở tuổi 21, Nguyễn Thị Phương Thảo với bản lĩnh khác biệt đã đưa ra nhiều quyết định táo bạo giúp Vietjet trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 ở Việt Nam cùng tham vọng vươn ra tầm khu vực.
Là Tổng giám đốc của Vietjet Air, ít ai biết bà Nguyễn Thị Phương Thảo từng khởi nghiệp với công việc bán máy fax và nhựa cao su, sau đó là ngân hàng và bất động sản. Nhờ chịu lăn xả nên bà nhanh chóng kiếm được 1 triệu USD đầu tiên khi mới chỉ 21 tuổi. Dù thành công trong nhiều lĩnh vực, bà Thảo vẫn cho rằng bản thân nên hướng tới những thử thách khác, đặc biệt trong những lĩnh vực đóng góp cho xã hội và giúp nâng tầm vị thế quốc gia.
Năm 2013, VietJet-Air được thành lập trên phương châm "mang lại cơ hội đi lại bằng máy bay cho tất cả mọi người". Bà Thảo đã tạo ra cuộc cách mạng lớn giúp 20 triệu lượt người có cơ hội tiếp cận quyền lợi đi lại bằng đường hàng không.
Trước khi quyết định đầu tư vào hàng không, bà Thảo và các cộng sự đã nhìn thấy nhu cầu vận tải hàng không tại Việt Nam cũng sẽ giống như các thị trường quốc tế và có sự nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình phù hợp. Tất cả đều là những mô hình vận chuyển hàng không đi theo hướng xã hội hóa rộng rãi, nó giúp cho việc đi bằng máy bay được đơn giản như xe buýt và taxi, thay vì quan niệm coi máy bay như cái gì đó rất xa xỉ.
Mô hình hàng không bà Thảo xây dựng và theo đuổi là một mô hình "lai" giữa giá rẻ và truyền thống. Cụ thể, Vietjet được quản trị theo mô hình quản lý chi phí vận hành khai thác sao cho tối ưu, trong đó gồm chi phí tàu bay, dịch vụ mặt đất, kỹ thuật, và chi phí về nhân lực, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí về con người.
Song khác với mô hình giá rẻ, Vietjet có những dịch vụ riêng của mình, như dịch vụ skyboss có phòng chờ, xe đưa đón, thêm lựa chọn cho dịch vụ cao cấp trên chuyến bay để hướng đến đối tượng khách hàng rộng hơn, gồm khách hàng có khả năng chi trả cao.
Bước ngoặt đánh dấu cho chặng đường này là tháng 9/2013, hãng hàng không tư nhân VietJet Air bất ngờ công bố ký kết thỏa thuận đặt hàng tổng cộng 100 máy bay các loại với Airbus, trong đó có 62 chiếc đặt mua, 30 chiếc là quyền mua thêm và 8 chiếc thuê. Tổng giá trị giao dịch lên tới 9,1 tỷ USD.
Không chỉ là nữ doanh nhân giỏi, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn tham gia tích cực hoạt động xã hội. Ảnh: Vietjet Aviation JSC.
Với mong mỏi là một mắt xích quan trọng giúp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải nội địa, bà Thảo nhanh chóng đưa Vietjet Air lên vị trí thứ 2 chỉ sau hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Báo cáo kết quả kinh doanh 2014 của Vietjet Air cho thấy doanh thu của hãng đạt 8.100 tỷ đồng. Sang đầu 2015, lãnh đạo Vietjet Air cho biết là hãng đã có lãi, tuy nhiên không tiết lộ con số cụ thể.
Đáng lưu ý hơn, chia sẻ với VnExpress trước đó, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, Vietjet Air đang bám sát Vietnam Airlines khi 4 tháng đầu năm nay thị phần của Vietnam Airlines tiếp tục giảm mạnh xuống còn 42,8%, trong khi Vietjet tăng ngoạn mục lên 40,2%, đồng thời, hãng này đang lên kế hoạch vươn ra châu Á.
Không dừng lại ở đó, hãng liên tục phát triển mạnh mẽ từ việc thu hút đông đảo các nhân viên năng động, phi công giỏi về làm việc cho mình. Đồng thời, mở hàng loạt đường bay trong nước và nước ngoài, góp phần giúp thị trường hàng không Việt cạnh tranh hơn với chi phí đi lại ngày càng rẻ.
Cũng chính từ sự phát triển không ngừng, đến 2015, bà Thảo tiếp tục ra quyết định ký kết hợp đồng với Airbus mua thêm 6 chiếc máy bay Airbus A320, trị giá gần 600 triệu USD và 30 máy bay A321 (21 A321neo và 9 A321ceo) mới với tổng giá trị công bố lên tới 3,6 tỷ USD.
Không ngừng tạo bất ngờ, trong chuyến thăm Việt Nam hồi giữa năm của Tổng thống Obama, nữ thuyền trưởng này tiếp tục đứng ra ký mua 100 máy bay Boeing. Hợp đồng trị giá 11,3 tỷ USD được thực hiện trong giai đoạn 2019-2023.
"Quyết định này xuất phát từ việc muốn mang đến niềm kiêu hãnh cho bộ mặt quốc gia, đồng thời, nâng tầm hãng hàng không Vietjet lên vị thế mới, trở thành một hãng hàng không như 'Emirates ở quy mô châu Á', tiến tới chinh phục thị trường toàn cầu", nữ "thuyền trưởng" được mệnh danh là “người đàn bà thép” trong ngành hàng không Việt Nam tuyên bố mạnh mẽ.
Cũng có không ít ý kiến cho rằng Vietjet đang đối mặt với thách thức hạ tầng hàng không được cho là phát triển chậm, có khả năng quá tải. Tuy nhiên bà Thảo lại xem đây như là cơ hội. Bà cho biết Vietjet sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng sân bay nếu có cơ hội.
Ngoài ra, việc tham gia vào thị trường quốc tế cũng sẽ thử thách năng lực điều hành của Vietjet. Hiện nay VietJet đang khai thác 18 đường bay quốc tế, chiếm khoảng 30% thị phần của các hãng giá rẻ trên những đường vé này. Nhưng nữ chủ tịch tỏ ra hoàn toàn tự tin về khả năng phát triển trên thị trường quốc tế của Vietjet và đặt kỳ vọng trong tương lai sẽ bay trong tầm bán kính thị trường của 50% dân số thế giới.
Thi Hà (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.