Nếu gặp phải bất cứ dấu hiệu nào trong số 11 dấu hiệu này, hãy cân nhắc lại kế hoạch mở startup của mình. Đừng để tiền bạc, thời gian, công sức và cả lòng tin mất đi một cách vô ích.
Nhiều người tin rằng mình có thể thành lập và mở ra một startup online thành công. Họ nghĩ rằng mình có thể kiếm tiền một cách kỳ diệu như những gì Mark Zuckerberg đã làm với Facebook. Họ nhìn internet với website, mạng xã hội và ứng dụng di động như một nơi mà họ chỉ cần giành thị phần và rồi tiền sẽ tự chảy vào túi. Nhiều người chỉ nghĩ rằng họ sẽ làm được cái tốt hơn những thứ hiện có lúc này.
Thường chúng ta chỉ nghe thấy những startup thành công, nhưng hiếm khi nghe về các startup thất bại. Bài viết dưới đây, dành cho những ai muốn mở một startup, sẽ đề cập tới 11 dấu hiệu cho thấy bạn chưa sẵn sàng để mở một startup. Nếu gặp phải bất cứ dấu hiệu nào trong số 11 dấu hiệu này, hãy cân nhắc lại kế hoạch của mình. Nếu không, bạn sẽ chỉ phí thời gian và tiền bạc và thậm chí là niềm tin vào bản thân.
1. Bạn muốn kiếm tiền
Mọi người thường nghĩ rằng họ mở startup là để kiếm tiền hoặc với startup họ có thể có tiền để hỗ trợ gia đình và bản thân. Có lẽ những người này đã có bạn bè thành công với startup của anh ấy hoặc cô ấy. Vậy là họ từ bỏ công việc đang làm và lao vào một cuộc chơi “được ăn cả ngã về không”, từ bỏ mọi thứ để mở startup. Trong hầu hết trường hợp, cách suy nghĩ này sẽ dẫn đến kết quả “chẳng gì cả”.
Nếu bạn thành lập một startup với lý do kiếm tiền là trên hết, hãy cân nhắc việc quay lại với công việc hàng ngày của bạn cũng như những phương thức đảm bảo thu nhập ổn định hơn.
2. Bạn cho rằng ý tưởng của mình là đặc biệt
Nhiều phóng viên nước ngoài khi viết về một startup sắp thành lập nào đó thường gặp gỡ những nhà sáng lập công ty và được nghe những thông tin đại loại như “ý tưởng của chúng tôi là tuyệt vời và độc đáo”. Và thậm chí đôi khi những phóng viên này còn bị yêu cầu ký vào những bản cam kết không tiết lộ thông tin về ý tưởng của startup. Có người đồng ý ký, có người không. Những người không đồng ý ký vào bản cam kết này thì cho rằng trước khi thành lập startup, chủ nhân của nó nên chia sẻ ý tưởng của mình với những người xung quanh. Điều này sẽ giúp họ có thêm sự ủng hộ và cả những lời khuyên, lời đóng góp để tỉnh ngộ trước khi lao vào những thứ viển vông.
Đương nhiên, những ý tưởng tuyệt vời có tồn tại nhưng “các cụ” thường có câu: Thành công chỉ 1% là cảm hứng còn 99% là đổ mồ hôi. Nếu bạn nghĩ rằng chỉ mình ý tưởng của bạn thôi đủ để giúp startup thành công, vậy có lẽ bạn nên nghĩ lại trước khi thành lập statup.
3. “Tôi muốn trở thành Mark Zuckerberg thứ 2”
Dường như mọi người nói về thành công như thể nó rất dễ dàng. Một vài người còn nói Mark Zuckerberg chỉ đơn thuần là kẻ gặp may. Những người đó chẳng hề biết gì về công việc phía sau một sản phẩm như Facebook. Họ chắc chắn rằng họ có thể tạo ra thứ gì đó tương đương mà thậm chí là tốt hơn.
Nếu bạn nghĩ rằng để xây dựng nên một thứ như Facebook rất đơn giản, hoặc thành công của Facebook chỉ là do tình cờ, bạn có thể phải cân nhắc lại ý tưởng statup của mình. Thành công không chỉ đơn thuần là may mắn!
4. Bạn không đầu tư tâm trí vào startup
Nhiều người muốn thử mở một startup trực tuyến. Họ đã nhìn thấy những thành công lớn ở quanh mình vì vậy họ cảm thấy mình sẵn sàng để “thử xem sao”. Nếu họ có suy nghĩ: “nếu nó không thành công thì cũng chẳng sao cả”, thì đây lại là một dấu hiệu tồi nữa.
Có thể họ có tiền, thời gian và thậm chí cả nguồn lực để mà “vung vít”, nhưng ngay khi họ bắt đầu hoài nghi rằng mình có thực sự muốn theo đuổi ý tưởng này không hoặc khi điều này có thể khó hơn những gì họ nghĩ, họ sẽ sớm từ bỏ.
Với startup, bạn luôn phải trải qua những giai đoạn tưởng như sẽ từ bỏ. Nhưng nếu bạn còn hoài nghi rằng liệu đây có phải ý tưởng mà mình muốn đầu tư thời gian và năng lượng vào hay không, thì đừng lãng phí thời gian và nguồn lực của mình vào startup ngay từ đầu.
5. Bạn không muốn làm việc cật lực
Một vài người quyết định mở startup khi cuộc sống của họ đang rất êm đẹp, tài chính vững vàng, gia đình ổn định. Thế nhưng bất thình lình họ muốn nghỉ việc và liều lĩnh.
Sau đó, khi họ phát hiện ra rằng startup ngốn của mình gấp đôi thời gian và nỗ lực so với công việc trước, còn họ lại chỉ muốn ngày làm việc 8 tiếng sau đó về nhà nghỉ ngơi, thư giãn. Họ cũng không muốn làm việc thâu đêm hay mang việc về nhà.
Nếu bạn cũng có suy nghĩ như vậy thì đừng mở startup mà hãy chờ đợi cho đến khi mình sẵn sàng làm việc cật lực để mang lại thành công cho “con đẻ” của mình.
6. Bạn không tin tưởng vào ý tưởng của mình
Đôi lúc người ta làm việc với những ý tưởng mà chính họ cũng không tin vào. Có lẽ họ nhận được vốn cho ý tưởng đó và họ cứ thế phát triển nó và thử nghiệm nó mà không cần phải tin hoặc cảm thấy đam mê gì cả.
Điều này khá khó hiểu bởi niềm tin vốn là thứ rất quan trọng. Nếu bạn mất niềm tin vào thứ bạn đang cố gắng để đạt đến, làm sao bạn tiếp tục được công việc?
Nếu bạn không có niềm tin vào startup của mình, hãy ngừng đầu tư vào nó, bởi không có niềm tin thì bạn cũng sẽ không có khả năng phục hồi lại sau những va vấp gặp phải trên đường làm startup.
7. Bạn không sẵn sàng để thất bại
Từng có một bài viết so sánh việc mở startup giống như mang bầu: Khi mọi người chúc mừng bạn và vợ bạn về việc cô ấy mang bầu và xin được sờ vào bụng vợ bạn, thì chẳng ai hiểu hay biết đã bao nhiêu lần thử và mất bao nhiêu nỗ lực thì vợ bạn mới có thể mang bầu.
Tương tự như vậy, trong kinh doanh, mọi thành công đều phải chứng kiến thất bại trước đó. Một số người thất bại 10 tới 20 lần và thậm chí hơn nữa trước khi đạt tới thành công. Trong khi đó, một số người lại có được thành công ngay trong lần thử đầu tiên. Nhưng đó chỉ là một ngoại lệ hiếm gặp. Với startup, bạn đừng trông chờ quá nhiều vào những điều ngoại lệ.
Nếu bạn tin vào ý tưởng mình có, đừng bao giờ từ bỏ. Hãy sẵn sàng để đối mặt với thất bại và việc cố gắng đi cố gắng lại. Nếu bạn không sẵn sàng đối mặt với thất bại thì cũng sẽ không sẵn sàng để bắt đầu.
8. Bạn không phải là một kẻ liều lĩnh
Kỹ năng cần thiết để quản lý được một công việc kinh doanh thành công đó là hiểu cách phải liều lĩnh như thế nào. Một nhà sáng lập startup cần tìm ra ranh giới an toàn giữa việc liều cái đáng liều và không liều cái không đáng liều. Điều này đòi hỏi sự thông minh khi liều lĩnh.
Việc này yêu cầu bạn phải rời khỏi “vùng an toàn” và trải nghiệm cảm giác thất bại, thua cuộc. Nếu bạn không sẵn sàng để đánh liều, không nói gì đến những “cái liều” lớn mà những điều liều lĩnh nho nhỏ trong cuộc sống hàng ngày cũng không dám, có lẽ cuộc sống của một ông chủ doanh nghiệp không phù hợp với bạn.
9. Bạn không thể đưa ra quyết định
Hiển nhiên, một đặc điểm không thể thiếu trong năng lực của một ông chủ startup đó là khả năng đưa ra quyết định sáng suốt. Những quyết định này sẽ chèo lái con thuyền startup của bạn tới bến bờ thành công.
Nhiều công ty đã thất bại do những người lãnh đạo không đưa ra quyết định đúng hoặc thậm chí là kịp thời, kể cả những quyết định đơn giản. Họ lo sợ quá nhiều về việc mình có thể quyết định sai và cuối cùng bị kẹt lại trong tình thế “vô định”. Thông thường những người này còn đá “quả bóng quyết định” sang chân của những người khác. Nếu không đưa ra quyết định, công ty không thể tiến về phía trước.
Các thành viên trong đội, dù ở cấp nào, cũng cần phải đưa ra quyết định của mình. Nhà sáng lập cần có những quyết định ở cấp cao hơn. Nếu bạn là người khó đưa ra quyết định, đừng thành lập startup.
10. Bạn muốn có kết quả nhanh chóng
Nhiều người cho rằng họ có thể lập lại thành công nhanh chóng của những nhà sáng lập Instagram, người chỉ mới làm việc với ứng dụng di động này trong vòng 2 năm và rồi bán nó đi với giá 1 tỷ USD.
Họ không hiểu rằng điều quan trọng nhất trong thành công của Instagram không thực sự nằm trong ứng dụng mà nằm trong việc xây dựng ứng dụng và lôi kéo được hàng triệu người sử dụng nó. Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể xây dựng một sản phẩm và sau đó một thời gian ngắn, hàng triệu người sẽ sử dụng nó để rồi sau một đêm, bạn bán nó đi với giá cả tỷ USD thì bạn đã nhầm.
11. Bạn không thể học hỏi nhanh
Yêu cầu đầu tiên của nhà sáng lập và đội ngũ nhân viên của nhà sáng lập startup đó là khả năng học các kỹ năng mới, trên cả lý thuyết và thực tiễn, một cách nhanh chóng. Đương nhiên, một người không thể bỗng nhiên trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó hoàn toàn mới.
Startup hầu như luôn đòi hỏi người sáng lập phải học cách xử lý nhanh một vấn đề, phát triển những kỹ năng để lãnh đạo một công ty. Ví dụ như, bạn phải học cách thuê đúng người, quản lý công ty, thuyết phục đối tác, viết code, thiết kế sản phẩm...
Nếu bạn không phải là người khao khát học hỏi cái mới, và không thể học một cách nhanh chóng, con đường làm startup của bạn sẽ vô cùng gian nan.
Vẫn muốn mở startup?
Thật ra có thể kể ra tới 30 dấu hiệu khiến bạn phải cân nhắc lại việc thành lập startup nhưng có lẽ 11 dấu hiệu trên là rõ nét nhất. Bài viết này không có ý khiến bạn nản lòng mà chỉ muốn chỉ ra những đặc điểm phổ biến của những người đã mở startup và không thành công. Hãy cân nhắc thật kỹ bởi không ai và cả chính bạn cũng không muốn mình lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc và nhất là lòng tin vào bản thân mình vì startup.
Lê Nga (ICT News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.