Trái phật thủ lớn, nhiều tầng, nhiều ngón xòe ra như bông hoa cúc được chủ vườn ở Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) bán với giá trên triệu đồng.

Giáp Tết, vườn cây phật thủ nhà anh Nguyễn Quang Hải (thôn Đông Hạ, xã Đắc Sở) tấp nập khách đến đặt hàng. Họ mua đứt cả vườn cây rồi dùng dây buộc, đánh dấu những quả đẹp nhất, chờ ngày hái về đặt lên mâm ngũ quả.

Những quả phật thủ đẹp được thương lái dùng dây màu đỏ buộc lại để đánh dấu. Cặp phật thủ này có giá bán 800.000 đồng. Ảnh: Hoàng Phương.

Phật thủ được ví như bàn tay Phật che chở, mang an lành, sung túc đến cho gia chủ. Vì quan niệm đó, nhiều người mua phật thủ về bày lên bàn thờ, với mong muốn được hưởng những điều tốt lành, khiến loại quả này khá được ưa chuộng.

Nhiều năm gắn bó với loại cây sinh tài lộc này, anh Hải cho biết mỗi cây cho thu hoạch 25-30 quả. Cây nào to thì cho gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi số quả trên. "Mỗi quả trên cây lại có giá trị khác nhau, từ vài chục đến vài trăm nghìn, quả bạc triệu cũng có. Vậy nên, phật thủ là loại quả mà người giàu có, lắm tiền nhiều của đến những nhà bình thường đều chơi được dịp Tết", anh Hải kết luận.

Chỉ tay vào một quả giá 4 triệu đồng khách mới đặt, chủ vườn cho biết, ông khách vốn là thương gia, năm nào cũng về Đắc Sở trước Tết cả tháng trời để tìm những quả độc, lạ để chơi. Quả phật thủ khách chọn có 3 tầng, ngón to, mọng, bung xòe ra như một bông hoa cúc.

Quả càng nhiều ngón thì giá càng cao. Khi đếm số ngón trên quả, hội tụ đủ các yếu tố Thịnh - Suy - Bĩ - Thái. Ngón tay cuối cùng rơi vào chữ Thịnh mang ý nghĩa năm mới phát tài, sung túc cho gia chủ. Thêm một "ngón tay lại quả", nghĩa là ngón cong lên, ngoảnh lại cuống khiến quả càng thêm giá trị. Những quả đẹp như vậy đặc biệt hiếm, cả vườn cây nghìn quả mới có một vài quả, thường chỉ có đại gia mới mua về chơi. Chính vì thế, phật thủ không chỉ là thứ quả bày trên bàn thờ mà còn ngầm khoe địa vị, danh tài của người chơi.

Quả phật thủ đắt kỷ lục đất Đắc Sở thuộc về vườn cây nhà anh Thạch cách đây 2 năm. Quả màu vàng rất đẹp, 9 tầng ngón và bung xòe ra to gần bằng cái mâm, được trả giá 5 triệu đồng. Đến tay một vị đại gia, nó được thổi giá lên tới 11 triệu. Từ đó đến nay, phật thủ Đắc Sở sinh ra nhiều quả có giá trị cao nhưng chưa quả nào đặc biệt như thế.

Những quả tầm trung, hình dáng đẹp một chút có giá từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng. Còn quả bình thường, anh Hải bán cho thương lái mang đổ chợ đầu mối Long Biên cũng được vài chục nghìn mỗi quả.

Phật thủ để được 6 đến 8 tháng mà không bị hỏng. Lúc mới mua, quả có màu vàng chanh. Để một thời gian thì quả chín ngả sang vàng rực, màu giàu sang, phú quý và tỏa hương thơm rất dễ chịu. Ngón tay phật thủ càng to, mọng thì càng để được lâu. Lúc mua, người chơi có thể cắt cành dài một chút, còn nguyên lá rồi cắm vào bình. Một thời gian sau nó ra rễ màu trắng như cây thủy tiên, chơi được cả năm. Chưa có loại quả nào để được lâu như phật thủ.

Ông chủ vườn gắn bó hơn chục năm với cây phật thủ cho hay, loại quả này sinh ra có dáng thế nào thì sẽ mãi như vậy. Người chủ vườn chỉ có thể tỉa cành, phun thuốc để cây tránh bệnh mà thôi.

Ngoài 20 tháng chạp âm lịch, ôtô đậu thành hàng dài trên đê về Đắc Sở. Khách đến tận vườn để hái quả mang về nhà. Muốn có quả đẹp, khách phải đặt trước đó vài tháng. Chủ vườn đánh dấu rồi chăm sóc cẩn thận chờ ngày hái xuống.

Chuyển cho khách ở xa, anh Hải sẽ phải bọc bông vào từng ngón tay của quả, rồi lót giấy báo và quấn chặt băng dính ở phía ngoài. "Chỉ cần nó bị dập một chút thì mất tài, mất lộc như cô gái đẹp chân đi tập tễnh, mất hết duyên", anh ví von.

Nhờ những "bàn tay Phật" mà người dân Đắc Sở giàu lên nhanh chóng. Cách đây hơn chục năm, người dân nơi đây còn quanh năm tất bật với rơm rạ, ruộng đồng, rồi đi buôn hoa quả trong nội thành.

Từ khi cánh lái buôn ngược mạn Cao Bằng, Tuyên Quang, thấy loại quả này hay, họ mang cây về trồng thử rồi nhân rộng lên thành vườn. Hiện nay, có đến 80% hộ dân ở Đắc Sở trồng thứ cây phất lộc này. Nhà ít nhất cũng dăm sào, nhà nhiều nhất trồng vài ha. Nhờ phật thủ mà vài năm nay, người dân Đắc Sở xây nhà cao tầng, mua ôtô, giàu lên nhanh chóng.

Quỹ đất hạn hẹp, người dân đi thuê đất ở các xã Yên Sở, Tiền Yên để trồng. Loại đất thịt pha cát, được bồi đắp bởi phù sa sông khiến cho vườn nào cũng lúc lỉu quả. Thuê đất xã khác, nhưng cũng chỉ có người Đắc Sở mới trồng và buôn được thứ trái cây này. Mỗi nhà vườn đều có bí quyết chăm sóc riêng và có chỗ tiêu thụ thì mới dám trồng nhiều.

"Đào, quất trồng cả năm chỉ để chơi dịp Tết, nhưng phật thủ thì bán quanh năm, không bao giờ lo bị ế", anh Hải cho hay. Người trồng không chỉ thu hoạch rộ vào dịp Tết mà còn bán quanh năm cho người đi lễ chùa, thắp hương vào đầu tháng, ngày rằm.

14 sào phật thủ nhà anh Hải bán rải rác vài tháng trước Tết đã thu được khoảng 400 triệu đồng. Nay anh bán gọn vài sào quả cho thương lái, khách mua đến Tết là hết. Trừ chi phí, gia đình anh cũng thu được từ 400 đến 500 triệu đồng mỗi năm.

Phật thủ trở thành thương hiệu của người Đắc Sở. Nhiều nơi khác lấy giống của Đắc Sở về trồng, nhưng quả không có ngón hoặc ngón bị teo nhỏ, không cho quả to, đẹp, nhiều ngón, nhiều tầng như ở nơi đây.

Thuê đất ở bên Yên Sở cách nhà hơn 2 km, anh Hải coi vườn cây là ngôi nhà chính của mình. Anh cùng con trai quanh năm ở vườn, có việc mới tạt qua nhà một lúc rồi lại ra chăm cây. Anh bảo, càng gần Tết thì hầu như phải ăn, ngủ ở vườn để canh phòng trộm. Những quả đẹp trị giá bạc trăm, bạc triệu, bị vặt trộm đi chục quả là mất bao mồ hôi, công sức. Có nhà đã bị trộm vào hái quả, chặt cây, phá giàn. Vậy nên, vườn nào cũng nuôi vài chú chó làm nhiệm vụ canh chừng.

Anh Hải cho hay, giống cây này sinh lời thật nhưng chăm sóc cũng không phải đơn giản. Cây phật thủ có sức đề kháng yếu, dễ bị sâu bệnh như rỉ sắt, nhện đỏ, thối lá nên phải phun thuốc sâu quanh năm. Vào tháng 10, khi phật thủ bắt đầu lớn nhanh, anh phải huy động người làm đi chằng buộc dây để đỡ, tránh cho quả bị rụng. Người trồng phật thủ Đắc Sở rất sợ trời mưa nhiều. Bởi khi ấy, cả vườn cây sẽ thối lá và quả rụng hàng loạt.

"Trồng phật thủ buộc người làm vườn lúc nào cũng phải chú ý đến nó, không được một ngày lơ là. Có cần mẫn thì nó mới không phụ công chăm sóc của người", anh Hải nói.

Hoàng Phương (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Trồng phật thủ nâng cao thu nhập

    Trồng phật thủ nâng cao thu nhập

    18/10/2016 8:10 AM

    Mày mò tìm hiểu trồng cây phật thủ trong vườn nhà, ông Phạm Cao Thanh (59 tuổi) đã thành công và mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

  • Ông chủ vườn phật thủ 1000 gốc tiết lộ bí quyết thu tiền tỷ

    Ông chủ vườn phật thủ 1000 gốc tiết lộ bí quyết thu tiền tỷ

    26/01/2015 8:41 AM

    Mặc dù mới trồng cây phật thủ được khoảng 4 năm, nhưng anh Nguyễn Tuấn Phong ở thôn Chùa Ngụ, Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) đã sở hữu vườn cây gần 5ha với hơn 1.000 gốc, doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng.

  • 9X tay trắng kiếm trăm triệu từ vườn phật thủ

    9X tay trắng kiếm trăm triệu từ vườn phật thủ

    26/09/2014 1:50 PM

    Vì nhà nghèo nên chàng trai 9X – Phạm Văn Xoa không đi thi ĐH mà vay vốn ngân hàng lập nghiệp qua việc trồng cây phật thủ. Mỗi năm, Thoa thu nhập gần 300 triệu.

  • Quả phật thủ giá 10 triệu đồng

    Quả phật thủ giá 10 triệu đồng

    20/01/2014 4:43 PM

    Đây cũng là quả phật thủ đẹp nhất và có giá nhất Đắc Sở năm nay. Một khách hàng đã buộc dây nilon đỏ đánh dấu và trả tiền từ 2 tháng trước, đợi giáp Tết đến cắt về.

  • Làm giàu từ phật thủ

    Làm giàu từ phật thủ

    10/01/2014 8:05 AM

    Trái phật thủ lớn, nhiều tầng, nhiều ngón xòe ra như bông hoa cúc được chủ vườn ở Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) bán với giá trên triệu đồng.

  • Làng tỷ phú nhờ 'bàn tay Phật'

    Làng tỷ phú nhờ 'bàn tay Phật'

    03/01/2014 8:53 PM

    Bao đời, người dân Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn sống với nghề trồng lúa, gắn với vất vả và khốn khó. Thế rồi gần đây, họ bỗng dưng đổi đời, nhà nhà mua xe, sắm sanh vật dụng với số tiền hàng trăm triệu đồng. Họ giàu lên nhờ “bàn tay Phật”…

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.