Cập nhật 16/01/2013 1:11 PM
Nằm trên dải đất ven sông Hồng, xã Liên Trung (huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội) được nhiều người biết đến với nghề sản xuất, chế biến lâm sản. Hiện cả xã có hàng trăm xưởng sản xuất, chế biến gỗ lớn, nhỏ, cung cấp hàng vạn mét khối sản phẩm cho ngành xây dựng cả nước.

Bác Nguyễn Tiến Hiển – một trong những người đi tiên phong phát triển nghề gỗ ở Liên Trung, bồi hồi nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp đầy khó khăn: “Những ngày đầu khởi nghiệp làm nghề gỗ chỉ là các hộ nhỏ lẻ tự mở xưởng sản xuất, chế biến gỗ rất thô sơ, không có máy móc hiện đại như bây giờ. Vậy mà đã gần 30 năm rồi cháu ạ. Đến nay, làng nghề ngày một phát triển mạnh mẽ, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động của địa phương và các tỉnh, thành lân cận”.

Bác Hiển dẫn tôi đi vòng quanh làng nghề của xã rồi đến gặp ông Đào Văn Vũ - Bí thư Đảng ủy xã Liên Trung. Ông Vũ không giấu được niềm vui: Làng nghề chế biến gỗ có vai trò rất lớn đối với kinh tế của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Làng nghề chế biến lâm sản xã Liên Trung là địa phương đầu tiên được UBND thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội”. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 400 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến lâm sản.

Xã Liên Trung có 2 thôn là thôn Trung và thôn Hạ - cả 2 đều làm nghề chế biến lâm sản. Ở đây, hộ sản xuất lớn, đầu tư máy móc và nhà xưởng lên tới hàng tỷ đồng, hộ sản xuất nhỏ cũng đầu tư từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Nhờ nghề này mà nhà cao tầng trong xã mọc lên san sát, tỷ phú ở xã không hiếm, nhất là lứa tuổi 30-45 tuổi. Đây là lực lượng chính rất năng động trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nghề gỗ để phát triển sản xuất ở Liên Trung.

Nhờ thuận lợi về mặt địa lý, là cửa ngõ của Thủ đô, sát đường Quốc lộ 32, Liên Trung là nơi tập kết gỗ từ nhiều nơi nên giá gỗ ở Liên Trung rẻ hơn những nơi khác. Anh Nguyễn Tiến Long, Giám đốc một công ty chuyên sản xuất, chế biến lâm sản tiết lộ: "Làng nghề ngày một phát triển do sản phẩm ở đây có lợi thế cạnh tranh cao về giá cả và chất lượng". Anh Long chính là người kế nghiệp nghề gỗ mà cha anh là bác Hiển đã nhiều năm gây dựng.

Nhớ lại ngày đầu, vốn liếng và thị trường chưa nhiều nên quy mô sản xuất của cha anh còn nhỏ hẹp, giờ với sức trẻ đầy hoài bão, anh không chỉ khai thác thế mạnh làng nghề truyền thống, mà còn gây dựng cho cơ sở sản xuất của gia đình với quy mô ngày một lớn mạnh và phát huy nhiều tiềm năng của nghề gỗ. Mới chục năm gắn bó với nghề, công ty của anh Long thành lập đã có xưởng sản xuất với diện tích là 1.000m2, đầu tư máy móc, nhà xưởng lên đến 5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20-30 lao động với thu nhập bình quân 4,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Hộ sản xuất lớn ở Liên Trung, đầu tư máy móc và nhà xưởng lên tới hàng tỷ đồng.

Tới làng nghề xã Liên Trung, chứng kiến cảnh nhộn nhịp sản xuất, những chuyến ô tô chở hàng nối đua nhau vào ra, các bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng về quy mô của một làng nghề. Nghề gỗ ở xã Liên Trung đã thu hút hầu hết lao động chính trong xã. Những người biết làm nghề, có sức khỏe thì vận hành máy xẻ gỗ, người có tay nghề cao phụ trách những công việc kỹ thuật, còn phụ nữ, người lớn tuổi thì đánh giấy ráp, thu gom phế liệu, mùn cưa…

Nguyên liệu đầu vào chủ yếu là keo, bạch đàn, mỡ để sơ chế ra sản phẩm cột chống lò, giàn giáo cho xây dựng… Ngoài ra còn có gỗ tự nhiên như lim, sồi, sến.. nhập khẩu từ Lào, Nam Phi, Malayxia và Ấn Độ để làm nhà ở và cung cấp cho địa phương khác sản xuất đồ gỗ gia dụng, nội thất. Sản phẩm do người dân Liên Trung làm ra được cung cấp cho các công trình xây dựng trên toàn quốc, điển hình nhiều người biết đến là tòa nhà Keagnam Hanoi Landmark Tower với 72 tầng, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, tòa nhà Hanoi Lotte Center...

Cũng theo ông Đào Văn Vũ, khoảng 10 năm trở lại đây, làng nghề của xã đã có bước phát triển vượt bậc, nông nghiệp chỉ còn chiếm 13% trong cơ cấu kinh tế. Hiện tại, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, làng nghề chế biến lâm sản Liên Trung đã được phân khu đất 3,3ha để tập trung sản xuất, chế biến gỗ, tuy mới chỉ là bước đầu nhưng khiến người dân làm nghề gỗ rất phấn khởi. Nhưng vẫn còn khoảng 50% số hộ dân chưa được bố trí mặt bằng sản xuất. Vì vậy, mong muốn của các doanh nghiệp, hộ làm nghề và chính quyền địa phương là được mở rộng quy mô các điểm sản xuất tập trung để đưa các hộ sản xuất trong làng ra xây dựng nhà xưởng và phát triển sản xuất, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Theo Thanh Ngân (kinh tế đô thị)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….