Tốt nghiệp khoa CNTT (ĐH Bách Khoa HN) năm 2012, không xin được việc làm, Văn Anh Thắng (quê Ninh Bình) vay bố mẹ 5000 USD mở cửa hàng kinh doanh linh kiện, sửa chữa máy vi tính. Vốn ít nên Thắng chỉ dám thuê cửa hàng nhỏ ở đường Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng, HN) và một nhân viên kỹ thuật vốn là bạn học cũ.
Khách hàng chủ yếu là sinh viên các trường ĐH Bách Khoa, KTQD gần đấy. Thu không đủ chi, Thắng xoay sang kinh doanh thêm phụ kiện cho máy tính xách tay, điện thoại di động; nhưng cũng không cạnh tranh được với các cửa hàng lớn trên phố Lê Thanh Nghị ngay gần đấy.
Trụ được gần nửa năm thì hết vốn, Thắng đành thanh lý hàng, trả mặt bằng. Bẵng đi một thời gian dài không có thông tin, tình cờ gặp lại gần đây, Thắng cho biết hiện đang làm thuê cho chính đối tác mà cậu nhập linh kiện trước đây.
Khác với con đường của Thắng, chàng sinh viên Nguyễn Xuân Vũ (đường Phan Đình Giót, Thanh Xuân, HN) lại tìm hướng khởi nghiệp riêng ngay từ năm thứ nhất ĐH. Vốn ưa thích thiết bị công nghệ, lại hay mày mò lên các trang giao dịch điện tử, Vũ nhanh chóng nhận thấy nhu cầu của các bạn trẻ về tai nghe nhạc hàng chính hãng nhưng giá rẻ.
Qua người bạn đang du học ở Nhật, Vũ vay bố mẹ 10 triệu gửi sang nhờ bạn tìm mua những tai nghe hàng bãi về, rao bán trên các trang mạng, địa chỉ giao dịch ngay tại nhà.
Không ngờ đó là hướng đi đúng, khi mà chuyến hàng đầu tiên nhanh chóng hết sạch thông qua kênh bán hàng online, nhiều người còn đặt tiền trước để giục Vũ nhanh lấy hàng về. Qua vài đợt đầu thành công, Vũ quyết định vay thêm bố mẹ 50 triệu, mở rộng mẫu mã hàng, xin dành hẳn tầng 2 của gia đình làm nơi giao dịch, thuê luôn cậu em trai cũng đang học đại học làm điều hành.
Từ các trang mua bán trực tuyến, Vũ dần xây dựng tên tuổi, lập trang web riêng, thuê thêm mặt bằng bán lẻ ở gần các trường đại học, với nhân viên hầu hết là bạn cùng học. Đến nay, trang tainghe.com.vn của anh em Vũ đã khá quen thuộc với các bạn trẻ yêu thích âm nhạc và đồ linh kiện công nghệ chính hãng (đã qua sử dụng) giá rẻ.
Từ năm 2012, Vũ quyết định thành lập công ty TNHH Truyền thông Xuân Vũ, thuê trụ sở mới, mở rộng lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ sửa chữa các linh kiện công nghệ. Vũ cho biết sẽ không dừng lại đấy. Ước mơ của Vũ sẽ là vượt nhà bán lẻ linh kiện công nghệ Phú Thái rất phổ biến trong nước, bước đầu cũng tạo dựng tên tuổi thông qua mạng online như Vũ đang đi, với cùng quan điểm là cung cấp cho khách hàng những gì họ cần trong khả năng có thể chi trả, chứ không phải cái gì cửa hàng có.
Hãy biết lượng sức mình
Tự lập nghiệp là hướng đi của đa số bạn trẻ năng động ngày nay. Có những người thành công sớm vì biết chọn con đường đúng như Vũ. Nhưng cũng có không ít người thất bại như Thắng, chủ yếu bởi “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Điều đó cũng không lạ. Thế giới đã có không ít tỷ phú lập nghiệp từ hai bàn tay trắng; nhưng cũng có những tỷ phú trắng tay bởi một hướng đi sai lầm hay sự thay đổi của thời thế.
Điều quan trọng là, không ít bạn trẻ nước ta muốn khởi nghiệp với số vốn ít ỏi, trong khi phần lớn số vốn ấy là được người khác cung cấp chứ không phải tự họ làm ra. Thất bại nhiều khi nằm ở chính xuất phát điểm này. Để tìm hiểu rộng hơn quan điểm dư luận, người viết đã làm một khảo sát trên các diễn đàn mạng, với câu hỏi: “Nếu có 100 triệu, nên kinh doanh gì ở thời điểm này?”. Rất nhiều phản hồi đã gửi về, trong đó tập trung vào hai hướng: Những người đã trưởng thành đặt ngược lại vấn đề: nếu bạn đã tự làm ra số tiền đó, không có lý gì bạn không cách cho nó tiếp tục sinh sôi. Còn nếu là tiền người khác cung cấp, hãy sử dụng để đầu tư cho kiến thức trước khi kinh doanh thực sự.
Những người trẻ (phần lớn), thì lập tức vẽ ra những hướng đi, những viễn cảnh sẽ đầu tư với số tiền đã nêu. Đáng tiếc, hầu hết trong số này là những hướng đi khá phiêu lưu, thiếu thực tế. Điều đó cũng phản ánh thực tế rất ít giới trẻ lập nghiệp thành công ở nước ta.
Hãy biết lượng sức mình! Đó là lời khuyên của đa số người có phản hồi ở hướng thứ nhất. Với câu hỏi người viết đưa ra, chị Vũ Thị Hằng (giáo viên tại Bắc Ninh) khuyên: Bạn nên chọn một công việc kinh doanh nào đó hợp với bản thân. Nhưng vấn đề là 100 triệu tiền vốn đó không quan trọng bằng kiến thức, bằng khát vọng làm giàu bạn có. Khi bạn có quyết tâm, có kiến thức (bạn tham gia các khóa học kinh doanh, đọc các cuốn sách dạy cách làm giàu...) rồi, bạn sẽ không chỉ có 100 triệu đâu, tiền sẽ chạy đến với bạn nhanh hơn bạn tưởng.
Cùng quan điểm này, anh Khắc Thịnh (Đồng Nai) chia sẻ: Cần xác định rõ mình yêu thích, đam mê cái gì trước khi quyết định đầu tư vào (yêu thích ở đây không có nghĩ là thấy khả năng có nhiều tiền là làm mà là bạn có thể quên ăn quên ngủ vì công việc đó). Không phải cứ công nghệ hay thời trang như nhiều bạn trẻ chọn để khởi nghiệp hiện nay.
Có khi chỉ là trồng hoa lan, chăm sóc cây cảnh, làm đẹp cho chị em. Bên cạnh đó, phải có một bản kế hoạch chi tiết. Cần tính toán các chi phí cho công việc kinh doanh, những cái chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng tính. Chẳng hạn kinh doanh cà phê thì cái muỗng cái ly cũng phải liệt kê chi tiết. Nếu tốt hơn thì nhờ ai tính hộ khấu hao chứ không nên ôm đồm hết, nhất là với những người chưa có kinh nghiệm, đến khi lỗ lãi như thế nào cũng không thấy được. Khi mới kinh doanh thì nhất thiết phải có kế hoạch rút lui. Không gì có thể đảm bảo 100%; nếu nó thực sự không phù hợp, hãy chấp nhận mình sai và sửa. Rút lui hay thay đổi là do bạn chọn, nhưng điều quan trọng với bạn, kinh doanh giúp bạn thử thách bản thân hay muốn có ngay lợi nhuận? Mỗi lựa chọn sẽ giúp bạn xác định được con đường đi phù hợp chứ không phải cứ làm đã, mọi chuyện thế nào sẽ tính sau.
Trong thương trường, bài học chỉ có sau khi đã phải trả giá, do đó, với những người thiếu kinh nghiệm, tốt nhất hãy dành thời gian để học hỏi, trau dồi thêm đã, trước khi quyết định thử sức mình.
Nhữ Việt Tùng (sinh viên một trường ĐH tại Hà Nội) nêu quan điểm rất đáng suy nghĩ: Quan trọng nhất là anh, chị có kiến thức về lĩnh vực gì thì nên phát huy mà kinh doanh theo lĩnh vực đấy. Em nghĩ như thế là hợp lý nhất. Chứ giờ mà mạo hiểm đầu tư vào một lĩnh vực kinh doanh mình không biết rõ, lại tốn thêm thời gian tìm hiểu và xác định là rủi ro sẽ rất cao.Anh, chị nên tìm hiểu kinh nghiệm từ những người đã kinh doanh mà anh, chị biết thì thuận lợi hơn, thay vì cứ tự mày mò “thử sức” rồi chẳng mấy chốc vốn cũng chẳng còn, không khéo lại thêm nợ vào thân. |
-
Từ lao công khách sạn trở thành tỉ phú: Hành trình truyền cảm hứng của nhà sáng lập Yanolja
21/07/2023 11:29 AMYanolja là một ứng dụng du lịch nổi tiếng trên toàn cầu với hơn 57 triệu lượt tải, được thành lập bởi Lee Su-jin (45 tuổi) – một chàng trai mồ côi và khởi đầu từ công việc lao công tại khách sạn.
-
Chân dung chủ tịch “soái ca” và thế hệ F2 kinh doanh ngân hàng
09/06/2023 12:48 PMKhông chỉ riêng Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy, nhiều ngân hàng tư nhân hiện nay đã bắt đầu thực hiện chuyển giao quyền lực cho con cái, hay còn gọi là thế hệ F2.
-
Chân dung ông chủ doanh nghiệp bất động sản đang nắm trong tay 6.387ha đất
20/04/2023 2:36 PMTừ khi sáng lập, ông Đặng Thành Tâm đã đưa Tập đoàn Kinh Bắc trở thành một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp với 17 công ty con trực tiếp và gián tiếp. Tính đến cuối năm 2022, Kinh Bắc đã tạo lập 6.387ha đất, chiếm 5,2% quỹ đất khu công nghiệp của cả nước.
-
Shark Liên: Kinh doanh không trong sạch thì đừng mong một giấc ngủ ngon!
20/10/2022 9:21 AMDoanh nhân Đỗ Thị Kim Liên, còn được gọi là Shark Liên, đã viết như vậy trên trang cá nhân của bà. Bà Liên được nhiều người biết đến sau khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỉ trong cương vị là nhà đầu tư.
-
Từ 1/10 - 31/12/2022: Nhiều loại phí kinh doanh vận tải được giảm
01/10/2022 8:22 AMTheo Thông tư số 59/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ ngày 1/10 sẽ giảm từ 20-50% một số loại phí hoạt đồng kinh doanh vận tải.
-
Doanh nghiệp châu Âu lo ngại suy thoái kinh tế nghiêm trọng
08/05/2022 4:42 PMGiám đốc điều hành của một số tập đoàn lớn ở châu Âu chia sẻ trên đài CNBC rằng họ nhận thấy một cuộc suy thoái nghiêm trọng đang hiện hữu ở lục địa này.