Các khoản nợ của gia đình khiến từ nhỏ Phạm Ngọc Thanh (1986) luôn mơ ước kiếm thật nhiều tiền. Cậu cũng không dám theo đuổi chuyện học hành dù luôn đứng trong top học sinh giỏi của lớp.

Năm lớp 11, tình cờ một người bạn đến chơi cầm theo một cây kéo và cho biết đang học nghề cắt tóc. Thanh cầm kéo của bạn và bắt chước. Cậu bắt đầu để ý đến nghề tóc. Những ngày sau đó Thanh đến chỗ "thầy" của bạn để xin học nghề nhưng nợ học phí đến sau khi đi làm sẽ trả. Anh đã bị từ chối.

Người bạn thấy vậy dạy Thanh cắt tóc. Chưa thỏa mãn, Thanh muốn tìm cho mình một cách cắt mới. Tiết kiệm được 20.000 để mua một cây kéo, rồi đi nhặt các sợi dây nilon về buộc lại vào trụ lan can và Thanh miệt mài học cắt. Sau đó, mạnh dạn hơn, anh "dụ" bạn bè, hàng xóm để được cắt tóc cho họ.

"Hồi đó, suốt ngày mình bị mẹ mắng vì tội bày bừa ra nhà", Thanh vừa nhớ lại vừa cười.

Thanh bắt đầu tự học cắt tóc từ năm 15 tuổi. Ảnh: NM

Những năm học cuối cấp III, các bạn trong lớp đều được đi học thêm buổi chiều, riêng Thanh thì không. Buổi chiều anh đã ra Vĩnh Tuy (Hà Nội) để cắt tóc ngoài vỉa hè kiếm tiền cho mẹ. Ngày đó, Thanh thường xuyên bị thày cô giáo phê bình về tội bỏ bê học hành trong khi có sức học. Anh đành chọn con đường riêng của mình vì các khoản nợ của gia đình vẫn luôn ám ảnh.

"Ngày tốt nghiệp cấp ba các bạn đua nhau đăng kí vào đại học, mình không. Ngay tối hôm thi tốt nghiệp xong, mình về xin bố mẹ vay mượn 10 triệu để mở cửa hàng, và được đồng ý ngay", Thanh kể lại. Cậu mở được cửa hàng cắt tóc đầu tiên của mình, chỉ rộng 8m2. Sau hai năm mở cửa hàng riêng, làm việc không kể ngày đêm khi 20 tuổi, Thanh trả hết nợ cho gia đình.

Năm 22 tuổi anh quyết định chuyển cửa hàng và làm chung với hai người bạn, lấy tên Hair Salon Monaco. Hai người bạn sau đó đã đầu hàng trước những khó khăn và Thanh bị bỏ rơi với một khoản nợ chưa kịp trả...

Đến năm 24 tuổi, một cú sốc tiếp tục ập xuống thử thách nghị lực của chàng trai trẻ. Cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức, Thanh bị hỏng tế bào bên thận trái và phải cắt bỏ. Anh lại trở về với con số 0 và bắt đầu lại tất cả. "Nhưng từ đó, mình biết quý trọng sức khỏe hơn. Làm việc trong giới hạn sức khỏe cho phép. Mỗi ngày mình chỉ cắt 5-6 mái tóc", Thanh cho biết.

Không ít người "chê" ông chủ kiêu căng khi khách hàng đến cắt bị từ chối. Thanh cho biết, một phần vì sức khỏe, một phần vì không muốn để khách phải phàn nàn khi bị cắt một kiểu tóc xấu.

"Cắt càng nhiều trong một ngày thì sức sáng tạo càng giảm đi và có thể mình sẽ không tư vấn được cho khách một mái tóc đẹp nhất. Điều đó là không xứng đáng khi nhận thù lao của khách", Thanh bộc bạch.

Không chỉ nghĩ như vậy, Thanh còn ra quy định sau khi cắt tóc, nhuộm, uốn... tại cửa hàng, nếu khách hàng không hài lòng, nhân viên sẽ không bao giờ nhận thù lao. Và đã không ít lần, cửa hàng gặp trường hợp như vậy. "Tuy nhiên, mình nghĩ, nghề nào cũng cần có những bài học. Khi một mái tóc không đẹp, khách không ưng cũng là một lần mình rút kinh nghiệm", ông chủ trẻ nói.

Sau 4 năm, salon của Thanh bắt đầu có tên tuổi và được nhiều khách hàng nhớ tới. Với tên tuổi gây dựng được, Thanh chia sẻ mỗi tháng Monaco có doanh thu xấp xỉ 200 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, anh có thu nhập không dưới 50 triệu đồng mỗi tháng.

Theo Thanh, so với nhiều thương hiệu làm tóc tại Hà Nội, đây không phải là mức thu nhập "khủng". Tham vọng của chàng trai trẻ cũng không chỉ dừng lại ở việc kiếm tiền mà có thể trở thành một nhà tạo mẫu tóc và thành lập được một trường đào tạo nghề này.

Bản thân Thanh chủ yếu là tự học về nghề tóc nhưng theo anh làm gì cũng cần sự học hành bài bản thì sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn. Vì thế, Thanh từng tự nghiên cứu, học hỏi và viết cho mình cũng như các "đệ tử" những cuốn "giáo trình" bài bản về nghề.

Không chỉ tìm tòi, học hỏi để nâng cao tay nghề, Thanh vẫn rất đề cao học vấn, tri thức. Anh ghi nhớ Tam Quốc, nghiên cứu Thành Cát Tư Hãn, tiểu sử các doanh nhân hàng đầu về thời trang... Trong lúc bạn bè đang ngồi trên ghế giảng đường, chàng trai trẻ vừa miệt mài rèn luyện nghề tóc, vừa tự đọc sách để "có thể vượt qua hạn định của những người thợ cắt tóc khác" như anh tâm niệm.

Ngọc Minh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Đường lập nghiệp gian truân của một chủ salon tóc

    Đường lập nghiệp gian truân của một chủ salon tóc

    06/03/2013 10:26 PM

    Các khoản nợ của gia đình khiến từ nhỏ Phạm Ngọc Thanh (1986) luôn mơ ước kiếm thật nhiều tiền. Cậu cũng không dám theo đuổi chuyện học hành dù luôn đứng trong top học sinh giỏi của lớp.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.