Cập nhật 20/10/2016 4:32 PM
Từ bỏ công việc nghìn USD tại Mỹ và các vị trí cao tại Việt Nam, một thạc sỹ đã chuyển sang bán bô, chậu tắm, và ghế… đi ngoài cho trẻ nhỏ. Anh là Vũ Minh Trà - sáng lập viên Babyhop, hiện lợi nhuận thu về của Trà đã lên tới vài trăm triệu đồng/tháng.
Vũ Minh Trà - sáng lập của Babyhop.
Xây dựng thương hiệu từ tình yêu dành cho con gái
Sau khi nhận tấm bằng Thạc sỹ ngành quản trị nhân lực từ Đại học Marshall, về Việt Nam, Vũ Minh Trà đã đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý như chuyên gia phân tích tài chính tại PG Bank, quản lý tại công ty tư vấn MCG. Anh cho biết, mức thu nhập của anh tại MCG vào khoảng 1.500 USD/tháng.
Việc chuyển hướng từ “nhân viên” sang “ông chủ” của Trà cũng rất tình cờ.
Thấy một người bạn trên Facebook dùng bồn tắm có thành cao, trong khi bồn tắm trẻ em loại thường dùng ở Việt Nam là bồn tắm dài, trẻ nhỏ dễ trượt, khi ngồi nước lại không ngập đến cổ, Trà đã hỏi mua và người bạn kia đã “thách mua được, vì ở Việt Nam không có”.
Sau đó, Trà đã tìm hiểu sản phẩm này và thấy rằng chất lượng bồn tắm rất tốt và đã được thị trường đón nhận, tiếc là ở Việt Nam chưa có. Xác định nhu cầu cho sản phẩm là rất lớn vì trẻ em là đối tượng được quan tâm rất nhiều, Trà nảy ra ý định sẽ là người đầu tiên mang sản phẩm này về Việt Nam.
Babyhop ra đời từ đó, với Hop là viết tắt của Hope – tên cô con gái đầu lòng, ban đầu chuyên về bán lẻ các sản phẩm độc, lạ và chủ yếu hướng tới đối tượng trẻ em.
Thành công của Trà, theo nhiều người nhận xét, bắt nguồn từ việc Trà “cao thủ” trong việc lựa chọn sản phẩm. Từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường của Đại học Thương mại, chàng sinh viên này đã là người đầu tiên mang trang sức Cỏ 4 lá về Việt Nam. Những ngày tháng đó, Trà cũng “bỏ túi” được 30 – 40 triệu đồng/tháng, dù vẫn đi học bằng xe bus.
“Giờ với Babyhop, giữa muôn ngàn sản phẩm có thể làm thương mại trên thị trường, Trà biết cách tìm có mình những sản phẩm độc đáo, có sức chiến đấu và nhân bản một cách chóng mặt, đó là ghế kê chân đi toilet Euko, là đồ chơi xếp hình châu Âu Creto, chưa kể còn dự án StartUpX cung cấp những dụng cụ làm việc chuyên biệt cho các bạn khởi nghiệp”, anh Hoàng Tùng – Founder kiêm CEO chuỗi nhà hàng PizzaHome và Co-founder của Coffe Bike nói về Trà.
Tiến ra thị trường nhanh nhất bằng sản phẩm hoàn toàn mới và khác biệt
Chia sẻ cách lựa chọn sản phẩm của mình, Trà cho biết anh dựa trên 3 tiêu chí: Sản phẩm có thị trường, Đã được chứng minh là tốt, và quan trọng nhất là Chưa có ở Việt Nam/Đã có nhưng có nét khác biệt.
Ví dụ, sản phẩm bồn tắm thành cao cho trẻ em – sản phẩm đầu tiên Babyhop phân phối, tuy chưa có ở Việt Nam, nhưng là mặt hàng bán chạy số 1 ở Trung Quốc với doanh số cực kỳ cao. Một sản phẩm đã thành công tại một thị trường Trung Quốc thì không có lý gì không thành công ở thị trường Việt Nam – một thị trường gần tương đồng.
Bồn tắm thành cao là sản phẩm tạo thương hiệu đầu tiên của Babyhop.
.
“Mình là người mới, kinh nghiệm ít, kênh phân phối chưa có, muốn gia nhập thị trường nhanh nhất phải bằng sản phẩm hoàn toàn mới và đặc biệt”, Trà tâm sự.
Nhưng không phải sản phẩm nào Trà lựa chọn cũng thành công.
“Có sản phẩm mình nghĩ cực kỳ tốt, nhưng khi đem về mọi người dùng thử và bán lại không được như ý”, Trà tâm sự. Điển hình là sản phẩm keo tạo tóc dành cho người hói đầu.
Loại keo này khi bôi lên đầu sẽ tạo ra tóc từ các sợi fiber. Trà đã xem demo sử dụng sản phẩm và thấy rất ổn.
“Sản phẩm này ai đầu hói bỏ tiền triệu ra cũng thích. Những sản phẩm như vậy giá mua về rất thấp và giá bán ra cực cao, có thể nâng giá gấp 10 lần. Do vậy, mình nghĩ sản phẩm rất tiềm năng và nhập từ Anh”, Trà kể.
Tuy nhiên, sản phẩm này khi tung ra thị trường lại khiến người dùng Việt Nam cực khổ sở. Thời tiết Việt Nam khác với Anh, khí hậu vốn nóng ẩm, người dùng thường là nam giới, mồ hôi ra bê bết, khiến keo “mất chất” và mái tóc fiber nhân tạo rơi đầy mặt.
Tức sản phẩm này dù đã đạt đủ 3 tiêu chí Trà đưa ra: Thị trường có, Đã được chứng minh là tốt, Chưa có ở Việt Nam, nhưng lại không phù hợp với điều kiện thời tiết. Người dùng vẫn mua sản phẩm này lác đác, chủ yếu để tạo hình chụp ảnh cưới. Với dung lượng thì trường quá nhỏ như vậy thì sản phẩm này đã hoàn toàn thất bại.
Từ bán lẻ chuyển sang bán buôn, sản xuất, làm thương hiệu để “né bầy sói”
“Khi kinh doanh mà chỉ đơn thuần nhập hàng và bán – việc hàng chục, hàng trăm nghìn người đều có thể làm, chỉ cần bạn làm tốt, chắc chắn có một bầy sói nhảy vào”, Trà chia sẻ.
Khi không có thương hiệu hay bất cứ yếu tố gì để bảo vệ, để nổi bật hơn đối thủ, vòng đời của người buôn bán một sản phẩm đơn thuần sẽ rất ngắn, chỉ chừng 1 – 2 tháng.
Do vậy, hiện tất cả các sản phẩm của Babyhop đều xây dựng thương hiệu và hướng tới việc sản xuất, hoặc phân phối độc quyền, chuyển dần sang bán buôn thay vì chỉ tập trung vào bán lẻ.
Trà chia sẻ, một số sản phẩm bán tại Babyhop đã có thể sản xuất tại Việt Nam, như ghế kê chân đi toilet chẳng hạn, không còn cần nhập khẩu như trước.
Với việc kinh doanh của Babyhop hiện tại, Trà chia sẻ, thu nhập của anh mỗi tháng ở mức vài trăm triệu đồng.
“Có thể có sự “ăn may” trong kinh doanh, nhưng sản phẩm tôi lựa chọn vốn có chi phí khấu hao thấp, hoàn toàn có thể chấp nhận tồn kho “chờ thời” sống lại mà không tốn quá nhiều chi phí. Đây cũng là lợi thế khi nhiều bạn kinh doanh hiện tại lựa chọn việc đầu tư một chuỗi cửa hàng, chỉ cần doanh thu một ngày không đủ trả tiền thuê cửa hàng, trả lương nhân viên… chắc chắn “chết””, Trà tâm sự.
Bảo Bảo (Trí thức trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.