Cập nhật 18/09/2018 5:09 PM
Brandless bán hàng không nhãn hiệu nhưng được chọn lựa kỹ lưỡng, với mức giá chỉ từ 3 USD, hút người mua từ Amazon, Targer hay Alibaba.

Năm 2014, Tina Sharkey và Ido Leffler cùng sáng lập Brandless, lấy cảm hứng từ thương hiệu bán đồ tối giản Muji của Nhật Bản, và đặt trụ sở tại thành phố San Francisco.

Điểm đặc biệt của trang thương mại điện tử này là bán các vật dụng gia đình và đồ ăn có lợi cho sức khỏe từ các nhà sản xuất không thương hiệu với mức giá rẻ hơn nhiều lần so với Amazon hay Targer (hãng bán lẻ lớn nhất Mỹ).

Trước khi sáng lập và đảm nhận vị trí CEO Brandless, Tina Sharkey từng startup nhiều dự án. Cô là một trong những nhà sáng lập mạng xã hội trực tuyến iVillage và điều hành trang web BabyCenter.

Sharkey cũng từng làm việc ba năm với vai trò đối tác tại Sherpa Capital, công ty tập trung vào các startup định hướng tiêu dùng.

Trong khi đó, đồng sáng lập Ido Leffler là chuyên gia bán lẻ giàu kinh nghiệm đến từ Australia. Tina Sharkey và Ido Leffler từng là đối tác và đều quan tâm đến thị trường bán lẻ.

Tina Sharkey và Ido Leffler đều là những chuyên gia trong ngành bán lẻ trước khi thành lập Brandless. Ảnh: Business Insider.

Brandless bán những sản phẩm có bao bì đơn giản, không thương hiệu nhưng được chọn lọc kỹ càng và được người tiêu dùng đánh giá chất lượng tốt, giá cả hợp lý.

Mức giá các sản phẩm của Brandless đưa ra thường thấp hơn so với sản phẩm có chất lượng tương tự bán trên các trang thương mại điện tử lớn như: Amazon hay Alibaba.

Sharkey cho biết sở dĩ hãng bán giá rẻ như vậy bởi sản phẩm không có thương hiệu nên giảm được "thuế thương hiệu".

"Nếu bạn mua một món đồ có thương hiệu, bạn sẽ phải trả thêm các khoản phí để xây dựng tên tuổi của nó. Điều đó thực sự không cần thiết", Sharkey nói.

Sau khi ra mắt, Brandless nhanh chóng huy động được 51 triệu USD từ các nhà đầu tư tên tuổi như: Qũy đầu tư mạo hiểm NEA, Redpoint và GV.

"Chỉ sau một năm, chúng tôi đã cung cấp 300 sản phẩm và mở rộng phạm vi hoạt động đến 48 bang tại Mỹ", Tina Sharkey kể.

Để thu hút khách hàng, Brandless áp dụng nhiều chính sách giảm phí vận chuyển. Phí giao hàng được giảm từ 9 USD xuống còn 5 USD. Người mua sẽ được miễn phí vận chuyển khi đặt đơn hàng trị giá 39 USD thay vì 72 USD như trước đây.

Cuối tháng 7/2018, Brandless nhận được khoản đầu tư 240 triệu USD từ SoftBank, đưa định giá startup này lên mức 500 triệu USD. Nhiều chuyên gia đánh giá khoản đầu tư của SoftBank vào Brandless giúp hãng có được chỗ đứng và có thể cạnh tranh trực tiếp với Amazon.

Các sản phẩm của Brandless tại cửa hàng trưng bày ở San Francisco. Ảnh: Business Insider.

Tuy nhiên, CEO Brandless cho biết cô không đặt Amazon ở vị thế đối thủ trực tiếp. Cô nhận định: "Amazon bán mọi thứ, còn chúng tôi chỉ bán những sản phẩm chất lượng cao và có sự chọn lọc. Điểm mạnh của chúng tôi là sự trung thành của khách hàng với những sản phẩm công ty cung cấp".

Tina Sharkey cho hay số tiền 240 triệu USD từ SoftBank sẽ được công ty sử dụng xây dựng một mạng lưới cộng đồng gồm các startup cung cấp dịch vụ giao hàng, trồng rau trong nhà...

Jeff Housenbold, một trong những đối tác của SoftBank đầu tư vào Brandless, đánh giá điểm thu hút của startup này là tạo ra các sản phẩm gây tiếng vang lớn.

Tính đến nay, số lượng các sản phẩm của Brandless sẽ tăng lên 400. Nhiều người mua sản phẩm của Brandless và bán lại trên Amazon với mức giá cao gấp nhiều lần. Ví dụ, một gói bột bánh pancake 3 USD của Brandless được bán trên Amazon với giá 8,99 USD.

Theo chuyên gia kinh tế Sucharita Kodali, Brandless đang đứng trước thách thức lớn nếu Amazon thực sự muốn cạnh tranh ở thị trường ngách này. Amazon có đủ tiềm lực và hệ thống phân phối toàn cầu có thể nuốt chửng Brandless dễ dàng.

Sơn Nam (Ngôi sao)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.