Cập nhật 06/08/2018 3:35 PM
CyHome ra đời từ một nhu cầu nhỏ nhưng cần thiết, đó là thanh toán các chi phí trong chung cư một cách thuận tiện.

Ở chung cư nhiều năm, Phong không ít lần phải xếp hàng đóng các chi phí. Đây là thực trạng thường thấy tại mỗi khu dân cư cao tầng khiến anh có ý tưởng về một giải pháp thay đổi căn bản cơ chế quản lý khá cũ trong thời đại số.

"Ra mắt thị trường năm 2016, CyHome xuất phát từ nhu cầu nhỏ nhưng cần thiết, đó là thanh toán các chi phí trong chung cư một cách thuận tiện. Đây là thời điểm các loại hình ví điện tử, kênh thanh toán trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ", Phạm Hùng Phong - CEO kiêm founder ứng dụng quản lý chung cư - CyHome nói.

Theo chàng trai sinh năm 1989, lý do quan trọng nhất khiến anh quyết định lựa chọn lĩnh vực này để startup là trên thị trường gần như chưa có một giải pháp pháp thanh toán nào tối ưu cho các chung cư.

"Khi có những vấn đề tồn tại, thì sẽ có những cơ hội mới xuất hiện. Với tốc độ phát triển về số lượng chung cư rất cao, sẽ đến ngưỡng bão hoà về số lượng và cần sự phát triển về chất lượng, đó chính là thời điểm bùng nổ của những hệ thống như CyHome. Nhìn ra xu thế này, chúng tôi tự tin bắt tay triển khai dự án", anh kể lại.

Đây không phải lần đầu tiên Phong tham gia cộng đồng startup. Thực tế, Phạm Hùng Phong là cái tiên không xa lạ với giới game online Việt Nam từ những năm 2012-2014. Anh là CEO của Bưởi Studio - tác giả của tựa game School Cheater - top 11 game xuất sắc nhất tại cuộc thi Game Development World Championship 2013 do Viope Solutions LTD tổ chức. Trò chơi của anh nhận được sự quan tâm của Rovio (hãng sở hữu game Angry Birds) song Phong đã từ chối hợp tác.

Phạm Hùng Phong - CEO kiêm founder ứng dụng quản lý chung cư - CyHome.

Trước đó, Phong bỏ dỡ việc học tại Đại học Bách Khoa năm thứ ba để startup trong lĩnh vực game mobile và phần mềm. Với 8 năm kinh nghiệm, các dự án của anh từng là đối tác với nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như: Viettel, Mobifone, Siemens, Hoà Bình Group, Cotecons....

Kinh nghiệm sẵn có, cộng với lợi thế là nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía, CyHome ra đời với 6 thành viên sáng lập. Song chỉ sau một năm, nhóm tan rã vì khó khăn tài chính, sai lầm trong việc lựa chọn khách hàng ban đầu...

"Sai lầm lớn nhất ở chính sự tự tin mình đang có một sản phẩm đủ tốt. Hơn tất cả, nhóm thiếu sự hiểu biết sâu về lĩnh vực đang hoạt động. Điều này khiến việc định hướng sản phẩm đi vào ngõ cụt và không đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng", Phong bộc bạch.

Tháng 5/2017, nhóm giải thể, chỉ còn mình Phong. Hai lần thất bại trong lĩnh vực game để có một thành công với School Cheater; thêm lần này - CyHome đứng bên bờ vực.

Nghĩ còn nước còn tát, Phong vẫn quyết tâm giữ bằng được CyHome. Anh quyết định "Nam tiến".

TP HCM là nơi anh muốn tìm hiểu thị trường, nguồn vốn và cảm hứng phát triển ở một không gian mới. Sau 3 tháng lang thang đi ở từng chung cư, học từng lớp quản lý, trực tiếp tham gia quản lý chung cư... chàng trai 28 tuổi có thêm niềm tin vào CyHome và chính bản thân mình. Tuy vậy, khả năng về công nghệ của Phong khi đó không đáp ứng với tầm nhìn đã định cho sản phẩm. Dự án bế tắc, sau đó là đình trệ vẫn vì những lỗ hổng nhân sự.

"Tất nhiên mọi thất bại đều cho chúng ta những bài học, từ việc làm thế nào để phát triển từ ý tưởng thành một công ty có khả năng hoạt động thật sự. Rồi những bài học về con người trong công ty, làm sao để xây dựng được đội ngũ có khả năng biến ý tưởng thành sản phẩm thực tế. Hay làm sao để tìm kiếm khách hàng, để chuyển đổi mô hình phù hợp với thị trường thay đổi nhanh chóng như hiện nay", người từng trải qua 3 lần startup thất bại bộc bạch.

"Quan trọng nhất khi thất bại anh sẽ phải làm lại từ đâu và thay đổi ra sao. Những thất bại không đảm bảo cho chúng ta thành công, nhưng có thể cho chúng ta sống sót để tiếp tục đến gần hơn với thành công", anh nói tiếp. Nhìn nhận đúng bản chất vấn đề, nỗ lực từng bước, CEO gốc Bắc từng bước khắc phục các điểm hạn chế của dự án, dù chậm nhưng chắc.

Thừa nhận CyHome không phải ứng dụng đầu tiên về lĩnh vực quản lý chung cư, tuy vậy, CEO này tự tin về cách sản phẩm phát triển khác biệt so với các đối thủ. Triết lý trong sản phẩm của anh hướng tới việc ban quản lý chung cư thay đổi tư duy sẽ phục vụ cư dân chứ không phải quản lý.

Ứng dụng xây dựng trên nền tảng tương tác giữa chính ban quản lý và cư dân, cũng như một cộng đồng cư dân để đối tượng này có tính quyết định cao hơn. Theo anh, điểm khác biệt này của ứng dụng đi đến tận cùng vấn đề là sự thoả mãn của khách hàng. Nhờ đó, sản phẩm có tính bền vững và lan toả cao hơn là một phần mềm chỉ hỗ trợ ban quản lý đơn thuần.

Để cạnh tranh với các đối thủ, chiến lược của Phong khá rõ ràng - cạnh tranh trực tiếp bởi anh tự tin sản phẩm thấu hiểu khó khăn của ban quản lý lẫn cư dân và sẵn sàng đưa ra phương án giải quyết hài hoà. CyHome xây dựng với khung công nghệ mới, có thể mở rộng nhanh chóng, đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế (chứng chỉ của AWS - Amazon Web Service). Ứng dụng có khả năng kết nối khả thi với nhiều hệ thống khác như: kế toán hay nhà thông minh, cho phép vận hành từ thấp đến cao cấp. Theo anh, đa số các sản phẩm hiện tại chỉ có thể hoạt động đóng và không có khả năng mở rộng ra nhiều toà nhà, hay có tính liên kết cao. CyHome hoàn toàn tháo gỡ được thực tế này.

Mức giá và mô hình kinh doanh của CyHome đưa ra chỉ với 10.000 đồng một căn hộ trong một tháng. Ban quản lý không mất tiền mua bản quyền phần mềm, mà chỉ phải trả hàng tháng một khoản tiền ứng với thực tế số lượng căn hộ cần quản lý. Phí này đã bao gồm tất cả các chi phí hỗ trợ, bảo hành, bảo trì....

"Ví dụ với một chung cư có 300 căn hộ, mỗi tháng, ban quản lý chỉ phải chi trả 3 triệu đồng và không mất khoản phí bản quyền vài trăm triệu ban đầu. Ban quản lý cũng có thể giảm số tiền khi số căn hộ giảm đi hoặc dừng dịch vụ mà không mất chi phí nào", founder CyHome cụ thể hóa.

Đối tượng khách hàng mà dự án của Phong hướng đến khá đa dạng, gồm: chung cư mini (cho thuê, làm AirBnb...), căn hộ dịch vụ, cao ốc quy mô, khu nhà ở của công nhân tại các khu công nghiệp, ký túc xá sinh viên, tòa nhà văn phòng, tổ hợp dự án, không gian làm việc chung (co-working space)...

Với nguồn lực hạn chế, thời gian phát triển thị trường chưa đến một năm, song CyHome đã tạo được chỗ đứng trên thị trường TP HCM và Hà Nội. Hiện nhân sự của startup này có 9 người, song khối lượng công việc và quy mô thị trường có thể sánh ngang với các đối thủ lớn lâu năm trong ngành. Sau 8 tháng ra thị trường, ứng dụng đã có mặt tại 36 chung cư trên cả nước với tổng số 12.000 căn hộ. Tăng trưởng mỗi tháng tương đương 26%.

Chàng trai trẻ cho rằng, thách thức lớn nhất với lĩnh vực anh đang theo đuổi đó là thói quen của người dùng. Việc minh bạch, sử dụng công nghệ để cắt giảm nhân công luôn là rào cản với những mô hình quản lý truyền thống. Chấp nhận thay đổi nhằm nâng tầm chất lượng dịch vụ theo hướng sâu và rộng hơn thông qua công nghệ luôn đi ngược lại với lợi ích của nhóm mô hình quản lý cũ.

"Rất mất thời gian và niềm tin cũng như tác động để sự thay đổi diễn ra, tuy vậy, sau khi áp dụng CyHome tôi nhận thấy có các thay đổi tích cực khi sự kém minh bạch giảm đáng kể, giúp dịch vụ quản lý chung cư cao cấp ngày càng lành mạnh hơn", anh nói.

Nhận định thị trường này còn rất nhiều tiềm năng khi anh dẫn số liệu thống kê từ CBRE hồi quý bốn năm 2017. Theo đó, chỉ tính riêng TP HCM và Hà Nội, số lượng căn hộ là 500.000 chủ yếu phân khúc tầm trung và cao cấp. Với các siêu dự án đang hình thành, con số này được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi trong 3 năm tới. Và kể cả thị trường bất động sản mở bán có chậm lại, thì nhu cầu quản lý căn hộ vẫn hiện hữu ở những toà nhà đã vận hành. Với cơ hội lớn, Phong kỳ vọng CyHome sẽ vươn lên dẫn đầu thị trường, mang lại tiêu chuẩn chất lượng cao hơn cho ngành quản lý địa ốc trong tương lai.

Trước mắt, anh xác định Việt Nam vẫn là thị trường chủ đạo. CyHome đặt mục tiêu chiếm 20% thị phần trong 2 năm tới. Bên cạnh đó, anh lên kế hoạch tiếp cận thị trường ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... trong đó, dự án đã mở rộng nền tảng dịch vụ đến Phnom Penh (Campuchia).

CyHome là một trong số startup xuất sắc trong chương trình "Tăng tốc khởi nghiệp" của Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) tổ chức. Dự án vừa tham gia gọi vốn đầu tư vòng tiếp theo tại "Ngày hội Đầu tư" diễn ra tại TP HCM hồi tháng 7 vừa qua.

Thành Tâm (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….