Cập nhật 10/01/2014 4:47 PM
Vừa tắt máy tính ở cơ quan, chị Nga vội vàng xách hai túi măng to treo vào xe, mang đi giao cho khách.

Giáp Tết nă​m nay, bà mẹ hai con người Bắc Cạn buôn bán thêm các đặc sản quê nhà nên bận rộn hơn nhiều. Đây là năm thứ hai chị Thu Nga, nhân viên một công ty truyền thông tại Đống Đa, Hà Nội "buôn" hàng Tết. Sản phẩm chị bán là các loại đặc sản Bắc Cạn - quê mình, từ măng khô, nấm hương rừng tới miến dong, thịt trâu gác bếp. "Ban đầu, bà ngoại gửi cho ít đồ ở quê xuống ăn Tết, khoe với mấy chị đồng nghiệp, mọi người nhờ mua hộ, thế là nảy ra ý tưởng bán thêm, kiếm chút tiền mua sữa cho con", chị Nga kể về lý do bán hàng Tết.

Chị bắt đầu kế hoạch bán hàng của mình bằng cách đăng tin sản phẩm trên facebook. Những khách hàng đầu tiên đều là bạn thân. Sau đó, người này giới thiệu người kia, số đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Chị gọi điện về cho mẹ ở quê, nhờ mua đồ ở cơ sở uy tín để có được hàng chất lượng tốt nhất, rồi gửi theo xe khách xuống Hà Nội.

Chị Nga rao bán các đặc sản quê để ăn Tết trên facebook cá nhân.

Người phụ nữ 32 tuổi cho hay, vì vẫn phải đi làm hành chính hằng ngày, lại có hai con nhỏ, nên khi bán thêm đồ Tết, chị bận rộn và mệt hơn nhiều. "Mọi người chủ yếu đặt hàng qua facebook. Ngày nào mình cũng hồi hộp đợi xem có nhiều khách không. Cuối ngày tổng kết lại, rồi khi nhận đồ từ bến xe xuống thì mang về, cân, chia từng gói, ghi tên khách. Vì cuối năm ai cũng bận nên vợ chồng mình thay nhau tranh thủ buổi trưa hay sau giờ làm hoặc thứ 7, chủ nhật để giao hàng", chị Nga kể.

Chị cho biết, là người bán hàng nghiệp dư, khách hàng lại đều là người thân, quen, chị chẳng dám lấy giá cao, lời lãi không lớn nhưng niềm vui mang lại rất nhiều. "Thích nhất là khi được mọi người khen đồ của mình ngon, sạch. Và tự nhiên tìm thấy mình ở một góc khác, những trải nghiệm hoàn toàn mới", chị chia sẻ.

Vốn chưa từng buôn bán gì nên dịp cuối năm ngoái, thấy chị Ngọc Lan (Cầu Diễn, Hà Nội) rao bán rượu vang và bưởi Diễn, không ít bạn bè ngạc nhiên. Chị Lan cho biết, chị đến với "nghề" mới này cũng rất tình cờ. Dịp trước, tìm hiểu thông tin thấy uống rượu vang đỏ tốt cho bệnh cao huyết áp của mẹ mình, chị tìm cơ sở có hàng uy tín, chất lượng để mua, và không ngờ chính cô bạn thân lại là đầu mối phân phối sản phẩm này. Từ đó, chị nảy ý tưởng bán vang Tết, kết hợp lấy thêm ít bưởi Diễn của nhà hàng xóm bán lại.

"Mới tập tành bán nên cũng run. Rượu mua buôn thì phải lấy cả vài thùng, tiền bỏ ra không nhỏ. Mình sợ không bán được nên chẳng dám lấy nhiều. Bưởi Diễn gốc cỗi giá cũng cao, toàn 60-70 nghìn một quả, sợ dân buôn mua hết nên mình cũng phải ôm về nhà trước. Vừa bán vừa lo", chị Lan kể.

Chị cho biết, năm ngoái, ban đầu chị rất lo khi tới 24-25 Tết vẫn chẳng có mấy người đặt rượu, nên không dám lấy nhiều. Tới 27-28 Tết thì khách - chủ yếu là bạn bè, người quen, gọi tới tấp, không còn hàng để bán, bà chủ nghiệp dư tiếc hùi hụi. Trong khi đó, số bưởi Diễn lại ế khách do giá cao nên nhà chị đành để lại ăn. "Tự an ủi là mình giàu nên mỗi ngày ăn gần trăm nghìn tiền hoa quả. Không ế chắc cũng chả có cơ hội 'xài sang'", chị Lan cười nói.

Rút kinh nghiệm năm trước, năm nay, chị Lan lại tiếp tục "kinh doanh" vang Tết cùng vài thứ bánh trái quê, và hy vọng công việc thời vụ này sẽ giúp chị có thêm nguồn thu nhập bù vào khoản thưởng bị cắt trong thời điểm kinh tế suy thoái.

Sản phẩm mứt Tết chị Thủy bán cho bạn bè, đồng nghiệp do chính tay mẹ làm.

Nếu như trước đây, dịp giáp Tết, dân công sở thường tranh thủ giờ nghỉ hay tạt ngang giờ làm để sắm Tết thì hiện nay, không ít người chọn cách mua đồ ngay trên mạng hay đặt hàng từ chính bạn bè, đồng nghiệp. Bán các đặc sản quê hương, buôn bánh kẹo, đồ ăn, đồ trang trí Tết... là một nguồn làm thêm của không ít nhân viên văn phòng. Nhiều người khác, không trực tiếp bán hàng thì nhận là đầu mối rao, đặt và chuyển hàng do người thân làm tới bạn bè, đồng nghiệp.

Vợ chồng chị Vân, anh Hiếu, nhân viên một tập đoàn lớn ở Cầu Giấy (Hà Nội) là một điển hình.

Mẹ chồng chuyên chế biến thực phẩm ăn sẵn như thịt quay, chân giò muối, bình thường bán tại chợ và cho những người xung quanh tại. Vào dịp Tết, bà nhận đặt hàng chân giò, bắp bắp, gà muối... Mấy năm nay, vợ chồng chị Vân "quảng cáo" sản phẩm giúp mẹ tới bạn bè, đồng nghiệp, giúp bà tăng thêm nguồn bán.

Chị Vân kể, khách hàng toàn là đồng nghiệp, bạn bè, ăn ngon rồi lại giới thiệu cho bạn của bạn, bạn của đồng nghiệp. Vợ chồng chị nhận đặt hàng, sau đó về báo với mẹ số lượng từng món, những người ở cùng công ty thì anh chị mang hàng đến giao luôn, còn không thì bố mẹ chồng mang đến hoặc khách tự đến lấy.

"Vợ chồng mình cuối năm đều bận việc, lại có con nhỏ nên không tham gia làm giúp ông bà được, chỉ vào chân môi giới thôi. Thêm việc nhưng cũng rất vui, tự hào vì vừa tăng gia cho bố mẹ, vừa mang đến sản phẩm đảm bảo chất lượng cho bạn bè, người quen... Nhiều người ăn ngon còn đặt nhiều, đặt hộ người khác, đến tận nơi lấy, nói là bạn vợ chồng mình, được ông bà giảm giá nữa", chị Vân chia sẻ.

Dù công việc ngập đầu dịp cuối năm, chị Thủy, phóng viên một tờ báo tại Trung Kính, Hà Nội vẫn tranh thủ giúp mẹ ở Nghệ An bán thêm mứt Tết do chính tay mẹ chị làm. "Đây là những mẻ mứt đầu tiên mẹ làm trong mùa tết năm nay. Với mình, mứt mẹ làm là thiên hạ đệ nhất ngon, đặc biệt là dừa và cà rốt. Gừng thì hợp với người lớn tuổi hơn. Bạn nào muốn thưởng thức thì đăng ký", chị Thủy viết trên trang cá nhân và ngay lập tức được nhiều người hưởng ứng, đăng ký.

Chị Thủy cho biết, mẹ chị rất khéo tay và chuyên làm mứt từ nhiều năm trước nhưng chỉ bán tại địa phương. Năm nay, thấy nhiều đồng nghiệp lo lắng khi lựa đồ ăn, sợ mua phải hàng chất lượng kém, chị nghĩ ngay tới việc rao bán mứt mẹ làm. "Cũng như mình, xu hướng giới văn phòng bây giờ thích xài hàng Việt, đồ thủ công, biết rõ nguồn gốc, vừa tin cậy, đảm bảo chất lượng mà ngon, không sợ bị lừa", chị Thủy chia sẻ.

Hiện tại, chị đã nhận được hàng chục đặt hàng của bạn bè, đồng nghiệp, mỗi người từ một tới vài kg mứt. "Mình đã báo cho mẹ và đợi mẹ gửi đồ theo xe khách ra để chia cho mọi người", chị nói.

Chị cho hay, bản thân chị bán mứt dừa giúp mẹ, nhưng đồng thời cũng là khách hàng mua đồ Tết của bạn bè. "Đã đặt bánh chưng, giò, thịt của gia đình hai chị cùng cơ quan, nấm hương, măng lưỡi lợn của cô bạn chung lớp đại học, mứt, kẹo nhà tự làm... vậy là xong cái Tết rồi", Thủy chia sẻ.

Chị cho rằng, việc đặt đồ Tết từ người quen thường sẽ có được sản phẩm đảm bảo chất lượng và vệ sinh hơn, giá thành cũng không phải lăn tăn. "Không những vậy còn có khi đi giao hàng, nhận hàng bạn bè còn có cơ hội gặp nhau, buôn dưa lê, vui lắm", chị nói.

Vương Linh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….