3 lần thất bại, thua lỗ đến vài chục triệu đồng nhưng với nỗ lực bản thân, Đỗ Mai Châu đã khiến không ít người phải thán phục với doanh thu vài trăm triệu đồng/tháng.

Dáng người nhỏ, xinh xắn và rất khiêm tốn, cô gái sinh năm Tân Mùi (1991) tên Đỗ Mai Châu được nhiều người ở Phan Đăng Lưu, TP.Buôn Ma Thuột nhắc đến như một tấm gương kinh doanh giỏi với sở hữu xưởng cây cảnh mini khổng lồ. Vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm chuyên ngành Vật lý tin học, trong thời gian chờ đi dạy, một lần lên mạng, tình cờ Châu biết được thị trường cây cảnh mini thật, có hình dáng ngộ nghĩnh như hình trái tim, hình ngôi sao, cây thông, hình cầu với nhiều giống khác nhau…được nhiều người ưa chuộng. Châu lân la hỏi được mối hàng ở Bình Dương và Đà Lạt nên nhập 20 cây về bán online.

Không ngờ, chỉ vài ngày quảng cáo trên trang cá nhân, số lượng người mua cây rất nhiều. 9X tuổi Mùi thu nhập khủng từ trồng cây trái tim

Đỗ Mai Châu bên cạnh sản phẩm do chính cô nghiên cứu trồng và trang trí. Ảnh: NVCC.

Chỉ trong 1 tuần, Châu đã bán hết toàn bộ số cây nhập về. Nhưng việc kinh doanh buôn bán không dễ dàng như cô tưởng. Gần 1 tuần sau, khách hàng gọi điện lại phản ánh cây rụng lá và chết úng. Thậm chí, có người còn đem cây đến tận nhà Châu bắt đền. Cú sốc kinh doanh đầu đời khiến Châu bối rối và không tránh khỏi hoang mang. Sau một tuần suy nghĩ, đắn đo, cô gái quyết định một mình vào tận vườn ở Đà Lạt và Bình Dương để tự chọn cây và mang về bán. Hơn 1 tuần rong ruổi ở các nhà vườn, Châu tự nhủ lần này sẽ chắc ăn và sẽ cố chuộc lại niềm tin từ khách hàng.

Thế nhưng, một lần nữa Châu lại bị khách hàng trả về, với lý do lá rụng gần hết, có cây thì bị úng chết. “Ăn không ngon, ngủ không yên với số hàng bị trả về, mình đau đáu rằng không thể thất bại như thế được! Thế rồi mình gom góp số tiền tiết kiệm khi còn đi học của mình và vay chị gái được tổng 10 triệu đồng để nhập giống cây về trồng thử. Giống cây vốn rất đắt, gần 4 triệu đồng/kg hạt giống”, Châu nói. Vốn là giáo viên nên mẹ Châu cũng luôn hướng cho con theo học và làm ngành sư phạm. Thấy Châu suốt ngày cặm cụi với những mầm cây trong vườn, mẹ Châu thương con nên ngăn cản kịch liệt. Nhớ lại thời điểm đó, bác Trần Thị Mại, mẹ của Châu chia sẻ: “Đáng ra thời điểm này con phải nghỉ ngơi, đi du lịch để chờ năm sau vào làm trong ngành sư phạm.

Thế nhưng, Châu suốt ngày buôn bán rồi tối tối lại cặm cụi trong vườn. Thương con gái nên cũng khuyên nhủ, nhưng nó không nghe và bảo làm cho bằng được”.

Sau 3 tháng nghiên cứu thử nghiệm, cây cứ mọc lên xanh đều nhưng được một thời gian thì chết úng. Đến loạt cây giống cuối cùng, Châu gần như nản chí và cũng là lúc trong tay không còn một đồng vốn nào nữa. Nhưng rồi ông trời đã không phụ lòng người, lứa cây này phát triển rất tốt và bắt đầu tạo hình dáng theo mong muốn. Tuy hài lòng với thành quả của mình nhưng tỷ lệ thành công chưa cao nên Châu mang mẫu sản phẩm đến trường Kỹ thuật công nghiệp để nghiên cứu và nhờ mọi người đóng góp ý kiến.

Được sự trợ giúp của công nhân kỹ thuật nên thời gian nảy mầm non rút ngắn cũng như tỷ lệ thành công cao hơn. Châu táo bạo xin ý kiến chị gái và nhờ chị hỗ trợ 100 triệu đồng để mở rộng quy mô sản phẩm, trực tiếp cung cấp ra thị trường thay vì phải đi nhập. “Ban đầu mình nhất quyết không đồng ý. Nhưng sau Châu nài nỉ và còn đưa ra bản kế hoạch rất chi tiết và cụ thể nên cuối cùng mình cũng bị ‘nàng ấy’ thuyết phục”, chị gái Châu tâm sự.

Sẵn có vốn trong tay, Châu thuê 3 nhân viên kỹ thuật trồng cây còn tự mình trang trí và nghiên cứu thị trường. Châu tìm đến các cửa hàng và siêu thị thuyết phục họ mua sản phẩm của mình. Và lần thứ 3, Châu thất bại. Lô hàng đầu tiên 20 cây cảnh mini xuất đi bị trả về với lý do như lần trước. Châu thiệt hại đến hơn 20 triệu đồng.

“Đâm lao thì phải theo lao”, nên Châu cùng các kỹ sư tìm ra giải pháp. Hầu hết đối tượng khách hàng mua cây là các cửa hàng, siêu thị, nên môi trường trồng cây trong phòng và có máy lạnh. Trong khi, cây tự nhiên rất ưa ánh sáng. Tìm ra được vấn đề, Châu mở cờ trong bụng. Để tung ra thị trường loại cây thích nghi với môi trường thiếu ánh sáng, cả đội mất đến 3 tháng nghiên cứu và chi phí hơn 30 triệu đồng.

“Vấn đề lòng tin của khách hàng rất quan trọng. “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”, do vậy, mình quyết tâm đến tận các mối hàng lần trước thuyết phục họ. Sau một thời gian bán thử nghiệm, mặt hàng cây cảnh mini trong nhà ‘chạy’ rất tốt nên dần tạo được uy tín của khách hàng”, Châu nói.

Hiện thị trường tiêu thụ mặt hàng này chủ yếu là các siêu thị. Ngoài ra còn rất nhiều cửa hàng ở miền Bắc, Trung, Nam cũng đặt mua sỉ. Giá mỗi sản phẩm dao động từ 50.000 đến 150.000 đồng. Trung bình mỗi ngày, xưởng sản xuất của Châu xuất đi khoảng 200 cây các kiểu dáng cho hơn 30 siêu thị, và một số bán sỉ, lẻ, đạt doanh thu đến vài trăm triệu đồng/tháng. Gần đây, Châu còn ký hợp đồng được với một hệ thống siêu thị lớn tại các chi nhánh ở TP.HCM, Cần Thơ, Gia Lai, Hậu Giang… Ngoài ra, một số siêu thị vừa và nhỏ ở Thanh Hóa và miền Bắc cũng nhập cây về bán.

Do lượng cây bán ra ngày càng nhiều nên ngoài thuê 3 nhân viên kỹ thuật chăm trồng, Châu còn thuê thêm gần 10 bạn sinh viên làm việc bán thời gian để trang trí và giao hàng. Hiện thu nhập của công nhân dao động từ 2 đến 5 triệu đồng/tháng. Hơn 23h đêm mà Châu vẫn cặm cụi trong phòng để trang trí cây, kịp hôm sau gửi đi cho khách hàng. Chăm chú sửa một chậu cây hình trái tim, Châu tâm sự: “Quả thực khi trải qua tất cả những khó khăn mình mới thấy kinh doanh gian nan và vất vả đến nhường nào. Nhưng một khi quyết làm đến cùng cái mà mình thích thì chắc chắn sẽ thành công”.

Ngọc Lan (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.