Cập nhật 19/10/2015 8:56 AM
Khởi nghiệp kinh doanh là hành trình chứa đựng nhiều rủi ro, đòi hỏi người khởi nghiệp phải tích lũy nhiều kinh nghiệm trước khi bắt đầu.
Theo Jayson DeMer - nhà sáng lập và CEO của Công ty AudienceBloom chuyên cung cấp các dịch vụ SEO và marketing, có rất ít doanh nhân thành công mà chưa từng trải qua công việc nào.
Đối với DeMer, không chỉ những công việc tri thức mới đem lại cho bạn những kiến thức về tài chính và những mối quan hệ, mà ngay cả những công việc đơn giản mà bất kỳ ai cũng làm được cũng sẽ giúp bạn hình thành những kỹ năng cần thiết cho việc điều hành doanh nghiệp.
Sau đây là 5 loại công việc hữu ích cho người khởi nghiệp được vị CEO này giới thiệu trên trang Entrepreneur:
1. Nhân viên bán hàng
Trở thành một nhân viên bán hàng đồng nghĩa với việc bạn có thể gặp những vị khách bước vào cửa hàng mà chưa biết mình muốn mua gì và nhiệm vụ của bạn là trò chuyện với họ, hình dung ra món đồ mà họ đang tìm và liên tưởng chúng tới loại sản phẩm phù hợp.
Sau một thời gian ngắn, bạn sẽ có khả năng quan sát và nhận định một người dựa vào hành vi và nhu cầu của họ, đây cũng là một cách "đọc vị" người khác và đoán trước được nhu cầu cũng như mong muốn của họ.
Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ gặp những vị khách khó tính hoặc thô lỗ, và nhiệm vụ của bạn khi đó là lắng nghe những phàn nàn của họ trong khi tìm cách xử lý vấn đề một cách êm thấm. Kinh nghiệm này sẽ rất có ích cho bạn trong các cuộc thương lượng với khách hàng/đối tác sau này.
2. Nhân viên bán thức ăn nhanh
Nền công nghiệp đồ ăn, đặc biệt là đồ ăn nhanh, vốn không hào nhoáng như nhiều người tưởng. Thay vì nghĩ đến những đầu bếp tài năng chế biến các món ăn nghệ thuật thì bạn nên nghĩ tới việc bước xuống nhà bếp chật chội, chế biến đồ ăn kém vệ sinh dưới sự hối thúc của nhân viên quản lý để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Bạn sẽ buộc phải thích nghi với việc hoàn thành công việc trong thời gian nhanh nhất, xử lý nhiều việc cùng một lúc hay tìm cách giao được nhiều hàng trong thời gian quy định.
Tất nhiên, khi làm công việc này bạn sẽ không có cơ hội tìm hiểu nhiều về chỉ số tài chính hay phương pháp tối đa hóa lợi nhuận cho công ty, nhưng bù lại sau này bạn sẽ dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc áp lực cao trong giới doanh nhân.
3. Nhân viên kinh doanh
Trở thành nhân viên kinh doanh là một bước tiến nghề nghiệp rõ rệt đối với các doanh nhân tương lai cho dù đó chỉ là công việc bán hàng qua điện thoại. Bởi theo DeMer, công việc này sẽ tạo môi trường giúp bạn có cơ hội tiếp xúc với đủ những kiểu người, từ đó cải thiện khả năng giao tiếp của bạn một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, bạn cũng học được kỹ năng thuyết phục, cách xây dựng niềm tin nơi khách hàng và đáp ứng nhu cầu của họ một cách hợp lý.
Ngoài ra, công việc kinh doanh cũng đem lại cho bạn một khoản thù lao không nhỏ đó là mức hoa hồng được hưởng. Ngoài vấn đề tiền bạc, điều này còn chứng tỏ cuộc sống của bạn sẽ phụ thuộc vào mức độ thành công trong công việc, và đó cũng là một trong những động lực thúc đẩy các doanh nhân phát triển công ty.
4. Nhân viên chăm sóc khách hàng
Công việc này sẽ cho bạn cơ hội tiếp xúc với rất nhiều kiểu người khác nhau, có thể đó là những người khó tính nhất, nóng giận nhất hay đòi hỏi khắt khe nhất.
Do đó, việc tỏ vẻ lạnh lùng trước những lời than phiền hay thờ ơ với những thắc mắc của khách hàng vốn không phải là cách mà bạn nên dùng, bởi mục đích công việc của bạn khi này là làm hài lòng khách hàng - khác với mục tiêu cố gắng bán sản phẩm hay tối đa hóa doanh thu cho công ty giống như nhân viên bán hàng hay nhân viên kinh doanh.
Kinh nghiệm này sẽ rất có ích cho bạn trong việc thuyết phục những đối tác khó tính hay giải quyết vấn đề truyền thông, nhân sự...
5. Nhân viên quản lý
Cuối cùng, nếu có thể, bạn nên cố gắng tìm một công việc quản lý trước khi bước ra kinh doanh riêng. Mặc dù trở thành nhân viên quản lý của nhà hàng hay một cửa hiệu bách hóa có thể không phải là công việc tri thức xứng tầm với những kiến thức chuyên môn bạn được học, và cũng không được đào tạo bởi các chuyên gia, nhưng bù lại bạn sẽ học hỏi được tinh thần làm việc nhóm, cách quản lý thời gian hợp lý và kỹ năng phân bổ nguồn lực phù hợp - vốn là những yếu tố rất cần khi điều hành doanh nghiệp.
Càng mở rộng thế giới quan và học hỏi nhiều kinh nghiệm sẽ càng giúp bạn tích lũy được nhiều tố chất cần thiết để xây dựng và phát triển công ty riêng của mình trong tương lai.
Vân Thảo (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.