Thương vụ được coi là nỗ lực vực lại doanh thu, đồng thời cạnh tranh với các đối thủ cung cấp dịch vụ chat nhóm của mạng xã hội này.

Facebook vừa trải qua cú sốc chưa từng có trong lịch sử khi cổ phiếu công ty giảm 24% trong phiên giao dịch ngày 26/7, khiến vốn hóa "bốc hơi" 130 tỷ USD chỉ trong một ngày.

Chưa kể đến những rắc rối với chính quyền Trung Quốc khi Facebook vừa xin được cấp phép thành lập công ty con và vườn ươm startup tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang được đúng một ngày 25/7 thì đã bị rút giấy phép.

Gần như ngay lập tức sau liên tiếp hai "tin buồn", mạng xã hội lớn nhất hành tinh thông báo mua lại startup trò chuyện nhóm trực tuyến Redkix.

Với động thái trên, Facebook bày tỏ tham vọng với dịch vụ mà nền tảng này cung cấp, kết hợp giữa email và công cụ chat nhóm, sẽ giúp hoàn thiện giải pháp giao tiếp, kết nối của mạng xã hội này. Giá trị hợp đồng mua bán hiện chưa được tiết lộ, nhưng ước tính vào khoảng 10 triệu USD.

Thương vụ mới nhất này được cho là nỗ lực của Facebook nhằm vực lại doanh thu sau cú sốc cổ phiếu tụt dốc vừa qua. Đây đồng thời là nước đi giúp ''ông lớn'' mạng xã hội cạnh tranh với Slack và các đối thủ như Microsoft, Cisco và Google trong lĩnh vực chat nhóm, trao đổi công việc được sử dụng phổ biến trong giới văn phòng.

Giao diện khi sử dụng của Redkix.

Redkix được thành lập năm 2014 bởi hai anh em doanh nhân Oudi và Roy Antebi. Startup từ Israel này phát triển hệ thống email, tích hợp các chức năng như trò chuyện nhóm trong các cơ quan, tổ chức.

Trước đó, công ty từng gọi vốn thành công 17 triệu USD trong vòng đầu tư hạt giống. Tại Israel, Facebook cũng đã từng mua các startup khác như Onavo - công ty phân tích mạng điện thoại di động và Face.com - nền tảng ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt.

Đại diện Facebook cho biết, hiện có 30.000 tổ chức sử dụng công cụ từ Redkix, đồng thời mạng xã hội này vẫn tiếp tục hoàn thiện nền tảng công nghệ để tích hợp vào các sản phẩm chủ chốt.

Phạm Vân (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.