"Thiết bị được kiểm tra nghiêm ngặt và thường xuyên bảo dưỡng, có quy trình vận hành. Nhưng người còn có lúc ốm đau, thiết bị có lúc thế này thế khác", ông Đoàn Hữu Gia, Phó tổng giám đốc Tổng công ty quản lý bay VN, đã nói như vậy trong cuộc họp báo chiều 21.11.

Hàng trăm người mòn mỏi chờ đón khách, người thân tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc xảy ra sự cố vào trưa 20.11 - Ảnh: Mai Vọng

Nhận định sự cố mất điện khiến sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) tê liệt là đặc biệt nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra tại VN, chiều qua Cục Hàng không VN đã tổ chức họp báo đột xuất, dưới sự chủ trì của ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN.

Sập cả 3 hệ thống lưu điện

Trái với thông tin ban đầu nói sự cố mất điện khiến sân bay tê liệt hơn 1 giờ, ông Lại Xuân Thanh khẳng định do mất điện cho hệ thống cung cấp thiết bị điều hành bay (điện lưới vẫn còn), dẫn đến việc mất năng lực cung cấp dịch vụ điều hành bay của Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài - tiếp cận Hồ Chí Minh (AACC Hồ Chí Minh) trong 35 phút, từ 11 giờ 5 đến 11 giờ 40. Sự cố không chỉ dẫn đến mất năng lực điều hành của vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh, mà còn mang tính quốc tế, do ảnh hưởng đến hoạt động của các vùng FIR lân cận. Trong thời gian mất kiểm soát, có 54 máy bay đang hoạt động trong vùng FIR Hồ Chí Minh, số chuyến bay bị ảnh hưởng lên đến 92 đến/đi từ TSN, cũng như các chuyến bay từ các vùng FIR lân cận đến TP.HCM, đặc biệt có 8 chuyến bay đã tiếp cận chuẩn bị hạ cánh.

Nguyên nhân trực tiếp là hỏng bộ lưu điện, mọi nguồn điện từ điện lưới đến điện chạy máy nổ đều qua bộ lưu điện UPS. Mặc dù bộ lưu điện có hệ thống dự phòng 3 cấp, nhưng ngày xảy ra sự cố đã sập cả 3 hệ thống UPS do hỏng 1 bộ UPS, dẫn đến bị ngắt điện cả 2 UPS còn lại.

Về ứng phó không lưu, theo ông Thanh, AACC Hồ Chí Minh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, thiết lập nguồn điện từ hệ thống máy nổ không thông qua UPS để khôi phục lại điều hành trong 35 phút. Dùng tín hiệu chỉ huy của Đài chỉ huy TSN điều hành theo phương pháp cổ điển không ra đa, điều hành an toàn 8 chuyến bay hạ cánh xuống TSN. Liên hệ với tất cả các FIR lân cận như Singapore, Malaysia, Lào… để phối hợp hiệp đồng ngăn chặn các chuyến bay, giữ các chuyến có kế hoạch bay vào FIR VN bay trở ra ngoài. Không xảy ra sự cố uy hiếp an toàn bay nào.

Trường hợp xấu nhất

Tại cuộc họp báo, ông Lại Xuân Thanh và ông Đoàn Hữu Gia đã trả lời trực tiếp các câu hỏi của phóng viên báo chí.

Việc hỗ trợ điều hành dự phòng giữa ATCC Nội Bài và AACC Hồ Chí Minh thực hiện ra sao? Trường hợp xấu nhất khi cả hai gặp sự cố sẽ điều hành không lưu như thế nào, thưa ông?

Ông Lại Xuân Thanh: Khi thiết kế đặt ra mục tiêu một trong hai ATCC Nội Bài hoặc AACC Hồ Chí Minh, đảm bảo điều hành được toàn bộ 2 vùng FIR với bề rộng 1,2 triệu km2. Sự kiện hôm qua đã chứng minh được đây là mục tiêu đúng đắn. Hôm qua, chúng tôi ngồi tại Hà Nội, màn hình ra đa bao quát toàn bộ vùng FIR Hồ Chí Minh. Sắp tới sẽ chính thức triển khai phương án trực tiếp điều hành AACC Hồ Chí Minh từ Hà Nội. Trường hợp xấu nhất khi cả hai ATCC Nội Bài, AACC Hồ Chí Minh gặp sự cố, sẽ có sự hỗn loạn trên bầu trời. Dưới mặt đất một ngã tư hỏng đã tạo nên sự hỗn loạn ghê gớm. Trong 35 phút hôm qua có 92 chuyến bay bị ảnh hưởng, nếu toàn bộ 2 vùng FIR Hà Nội và Hồ Chí Minh mất điều hành sự thiệt hại vô cùng lớn. Không loại trừ khả năng sẽ xảy ra tình huống trên, nhưng sự cố vừa qua là lời cảnh tỉnh để không được phép để xảy ra.

Những hành khách bị ảnh hưởng bởi sự cố mất điện TSN có được bồi thường không ?

Ông Lại Xuân Thanh: Vấn đề bồi thường cho hành khách là quan hệ dân sự giữa hãng hàng không và khách hàng. Đây là sự cố bất khả kháng của hãng nên theo luật Hàng không, các hãng phải thực hiện nhiệm vụ cụ thể như chăm sóc khách hàng, đảm bảo lịch trình…

Thiệt hại về tiền do sự cố mất điện trên? Cục Hàng không đưa ra các giải pháp gì để không lặp lại sự cố tương tự, thưa ông ?

Ông Lại Xuân Thanh: Thiệt hại về tiền chưa đủ thời gian để tính, do đang tập trung xử lý sự cố và sự cố kỹ thuật. Chúng tôi xin khất lại sẽ tính sau, nhưng việc tính toán không dễ, dù đã có thống kê đầy đủ bao nhiêu chuyến bị hủy, chuyển địa điểm hạ cánh… Cục Hàng không VN đã ký quyết định thành lập Tổ điều tra về sự cố kỹ thuật với các chuyên gia chuyên môn sâu về thiết bị, kỹ thuật. Trước mắt Cục đã yêu cầu Tổng công ty quản lý bay đình chỉ nhân viên trực tiếp vận hành hệ thống cấp điện và kíp trưởng kíp trực cấp điện ngày hôm qua.

Hệ thống dự phòng cấp điện có thường xuyên được bảo dưỡng không? Tổng doanh thu của công ty là bao nhiêu, và bao nhiêu phần trăm được trích cho đầu tư thiết bị?

Ông Đoàn Hữu Gia: Hệ thống thiết bị được đầu tư theo đúng quy trình, các hãng cung cấp cũng phải được ICAO công nhận, người được khai thác cũng được cấp chứng nhận. Thiết bị được kiểm tra nghiêm ngặt và thường xuyên bảo dưỡng, có quy trình vận hành. Nhưng người còn có lúc ốm đau, thiết bị có lúc thế này thế khác. Tổng doanh thu hằng năm của Tổng công ty quản lý bay VN hơn 2.000 tỉ đồng, hiện nay đã được cho phép trích lại 35% đầu tư, trong đó có đầu tư trang thiết bị.

Mai Hà (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.