Trước khi ông Trần Quí Thanh cùng hai người con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích bị bắt vào ngày 10/4, cái tên Tân Hiệp Phát cũng từng không ít lần làm thị trường “chao đảo” vì những thông tin tiêu cực lẫn tích cực.

“Con ruồi” 500 triệu và "bản án" 2.000 tỷ đồng

Chai nước Nuber One nghi có ruồi đã làm Tân Hiệp Phát thiệt hại 2.000 tỉ đồng - Ảnh Báo Thanh Niên.

Câu chuyện khởi nguồn từ việc một chủ quán ăn phát hiện chai nước uống Number One của Tân Hiệp Phát có dị vật giống một con ruồi. Người này sau đó đã liên hệ với Tân Hiệp Phát và yêu cầu đưa anh ta tiền để đối lấy sự im lặng. Sau nhiều lần thương lượng, Tân Hiệp Phát đã đồng ý đưa cho vị khách hàng này 500 triệu đồng. Tuy nhiên, trong lúc 2 bên đang giao dịch thì bất ngờ công an ập tới bắt quả tang.

Mặc dù với tâm thế “người bị hại” nhưng chính thương hiệu này rơi vào một cuộc khủng hoảng truyền thông. Nhiều người cho rằng, Tân Hiệp Phát đã “bẫy” người tiêu dùng, ỷ lớn bắt nạt bé và kêu gọi tẩy chay sản phẩm của công ty.

Xuất hiện trước truyền thông thời điểm đó, một đại diện Tân Hiệp Phát tự tin cho rằng sẽ giải quyết mọi việc chủ động và lường trước hệ quả sẽ xảy ra. Tuy nhiên, dường như thực tế đã không diễn ra như dự đoán!

Sự việc này đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín thương hiệu và doanh thu của Tập đoàn, ước tính thiệt hại thực tế khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

Con số 2.000 tỷ đồng thiệt hại do vụ việc liên quan tới vụ án "con ruồi giá 500 triệu đồng" được nhiều chuyên gia kinh tế cho là "cái giá" mà doanh nghiệp như Tân Hiệp Phát phải trả cho những ứng xử chưa khôn khéo của mình.

Từ chối thương vụ tỷ đô

Ông Trần Quí Thanh và con gái.

Năm 2012, công ty Coca-Cola đã đề nghị dùng 2,5 tỷ USD để đổi lấy cổ phần kiểm soát Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Đây là thương vụ M&A lớn chưa từng có trong lịch sử doanh nghiệp Việt Nam tại thời điểm đó và nếu đồng ý, ông Thanh có thể sẽ trở thành tỷ phú đầu tiên của Việt Nam thay vì Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng (ông Vượng là tỷ phú đô la từ năm 2013).

Được biết, năm 2011-2012 là giai đoạn đen tối nhất của Coca-Cola tại Việt Nam. Thị phần nước giải khát không cồn của công ty này tại Việt Nam từ vị trí thứ 3 có nguy cơ tụt xuống thứ 4, còn Tân Hiệp Phát giữ vị trí thứ 2, chỉ sau Pepsi.

Lý do từ chối được bà Phương tiết lộ, Coca-Cola đã yêu cầu Tân Hiệp Phát không được ra mắt thêm sản phẩm mới và chỉ được kinh doanh ở Việt Nam, Lào và Campuchia.

Tham vọng trở thành “Red Bull” Đông Nam Á?

Trong một bài viết đăng trên trang Bloomberg, ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh lúc ấy cho biết ông đang tìm kiếm một đối tác chiến lược để có thể đầu tư 3 tỷ USD, giúp Tân Hiệp Phát trở thành một “Red Bull” tiếp theo trong khu vực.

Đối tác mới bên cạnh việc phải chịu chi còn cần có "bí quyết trong ngành" hoặc hệ thống phân phối, chứ không chỉ là một nhà đầu tư cổ phần.

Khi đó, Tân Hiệp Phát kỳ vọng sẽ tăng doanh thu gấp đôi, lên 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới và giá trị của doanh nghiệp có thể đạt 5 tỷ USD.

Kế hoạch ấn tượng của Tân Hiệp Phát diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này đã rót 500 triệu USD cho ba nhà máy tại Hà Nam, Quảng Nam và Bình Dương, và dự kiến sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD nữa cho giai đoạn tiếp theo.

Đầu năm 2019, Tân Hiệp Phát đầu tư dự án nhà máy nước giải khát lớn nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với diện tích 40ha, quy mô đầu tư 3 giai đoạn lên tới 4.000 tỷ đồng.

Lập hàng chục công ty rồi giải thể hàng loạt

Gia đình ông Thanh đã mua nhiều khu đất có vị trí đắc địa tại Đà Nẵng, TP.HCM, Vũng Tàu.

Ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát, từng bày tỏ tham vọng biến Tân Hiệp Phát trở thành một tập đoàn đa ngành trong tương lai, trong đó có bất động sản.

Tháng 6/2017, ông Thanh sở hữu hơn 550.000 cổ phiếu, tương ứng 1,2% vốn điều lệ Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn. Đầu năm 2018, khi Địa ốc Sài Gòn chính thức lên sàn HOSE với mã chứng khoán SGR, ông Thanh nằm trong số những người giàu trên sàn chứng khoán.

Tiếp sau đó, hai con gái ông Thanh Trần Ngọc Bích và Trần Uyên Phương trở thành cổ đông của Công ty TNHH mua bán nợ VNAMC với vốn điều lệ 100 tỉ đồng. Mỗi cổ đông sở hữu tỷ lệ vốn góp 50%. Bà Trần Ngọc Bích là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc công ty.

Theo báo chí đưa tin, giai đoạn 2017 – 2021, bà Trần Uyên Phương cùng các thành viên trong gia đình Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho thành lập gần 40 công ty có ngành nghề kinh doanh bất động sản. Các công ty này phần lớn do bà Trần Uyên Phương đứng tên đại diện pháp luật, làm cổ đông sáng lập, còn lại một số công ty do ông Trần Quí Thanh, hoặc vợ là bà Phạm Thị Nụ, con gái Trần Ngọc Bích làm đại diện pháp luật hoặc có tên trong danh sách cổ đông sáng lập.

Đặc biệt, ở giai đoạn 2017-2019, Tập đoàn Tân Hiệp Phát thành lập hơn 20 công ty bất động sản với vốn điều lệ đăng ký trên ngàn tỉ đồng mỗi pháp nhân, cao nhất là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản Lộc Điền với 8.830 tỉ đồng. Tuy nhiên, phần lớn những công ty vốn khủng thành lập trong năm 2019 hiện đã phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể.

Sau khi cho ngưng hoạt động loạt doanh nghiệp thành lập năm 2019 thì sang năm 2021-2022, Tân Hiệp Phát lại cho thành lập nhiều công ty mới với vốn điều lệ vài trăm tỉ đồng mỗi đơn vị, tất cả đều hoạt động ngành nghề bất động sản.

Qua đó, gia đình ông Thanh đã mua nhiều khu đất có vị trí đắc địa tại Đà Nẵng, TP.HCM, Vũng Tàu.

Gửi tiết kiệm gần 6.000 tỷ đồng trong đại án VNCB

Bị cáo Phạm Công Danh bị tuyên án 30 năm tù.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Thanh niên vào năm 2016, ông Trần Quí Thanh đã trả lời nguồn gốc của số tiền 6.000 tỷ đồng trong vụ án liên quan đến Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng.

Theo đó, khoảng năm 2012 - 2013, trong quá trình chờ đưa vào đầu tư nhà máy nhưng vẫn muốn đảm bảo sinh lời hiệu quả, ông Thanh đã đồng ý cho con gái cùng các cộng sự dưới sự giám sát của ông gửi vào VNCB kỳ hạn dài, sau đó thế chấp sổ tiết kiệm vay ngắn hạn tạo tính thanh khoản. Việc gửi tiền sau đó có nhu cầu vay lại bằng sổ tiết kiệm này hoàn toàn là các giao dịch độc lập, nhằm đảm bảo khi cần thì có tiền mặt sử dụng ngay mà không phải rút trước hạn và tránh được tình huống ngân hàng không cho vay do bị hạn chế tăng trưởng tín dụng.

Đến năm 2017, THP sẽ hoàn thành giai đoạn 1 việc đầu tư xây dựng 3 nhà máy tại Hà Nam, Chu Lai và Hậu Giang với số vốn gần 6.000 tỉ đồng và đến năm 2020 là 12.000 tỉ đồng. Ông Thanh kỳ vọng sau khi đầu tư ba nhà máy, doanh thu của công ty sẽ lên 2-3 tỉ USD/năm trong vòng 10 năm tới, đóng góp cho ngân sách từ 5.000-6.000 tỉ đồng/năm.

Năm 2019, công ty gia đình này cũng gây bất ngờ khi thành lập cùng một loạt công ty bất động sản với tổng vốn điều lệ đăng ký lên đến gần 19.000 tỷ đồng, nhưng nhóm công ty này cũng nhanh chóng bị giải thể.

Bà Trần Ngọc Bích chi cả trăm tỷ đồng để tham gia đấu giá các khu đất lớn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Trần Quí Thanh từng xuất hiện tại buổi đấu giá 4 lô 'đất vàng' tại Thủ Thiêm (TP. HCM) hồi tháng 12/2022 nhưng không trúng đấu giá.

Trong năm 2020, bà Trần Uyên Phương từng đã chi khoảng 350 tỷ đồng để mua 22% cổ phần của Yeah1 Group. Thương vụ này được kỳ vọng sẽ tận dụng hệ thống quảng cáo để thúc đẩy doanh số cho Tân Hiệp Phát nhưng đã không thành công, sau đó bà Phương đã thoái vốn.

Xem thêm bài viết về: Trần Quí Thanh
Bảo Minh (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.