Cập nhật 21/04/2018 9:04 AM
CafeLand – Sau 7 năm kể từ khi cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên, hãng hàng không Vietjet Air đã trở thành hãng hàng không giá rẻ phát triển vượt bậc gắn liền với những chiêu tiếp thị khá sốc.

Không ngán scandal

Hãng hàng không Vietjet Air ra đời vào năm 2007. Nhưng mãi đến năm 2011, Vietjet Air mới cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên từ TP. HCM đi Hà Nội, đánh dấu cho sự hình thành lớn mạnh của một hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam lúc bấy giờ.

Hãng này bắt đầu khiến dư luận chú ý khi gắn liền với tên gọi “hãng hàng không bikini” khi tung ra hình ảnh Ngọc Trinh cùng dàn nữ tiếp viên mặc bikini nóng bỏng bên những chiếc máy bay.

Tiếp đó, vào cuối năm 2017, Vietjet Air lại tung ra bộ lịch bikini cho năm 2018. Bộ lịch lại là hình ảnh với các cô siêu mẫu trong trang phục bikini gợi cảm. Đây được xem như lời khẳng định cho việc theo đuổi hình tượng người mẫu bikini của hãng.

Cho dù sau đó Vietjet đã có thông cáo báo chí trước sự việc rằng những hình ảnh được đăng tải rộng rãi trên mạng là “rò rỉ từ buổi chụp hình thử của hãng chứ không phải là hình ảnh quảng cáo chính thức của VietJet Air”, thì ai cũng hiểu rằng rõ ràng Vietjet đang thực hiện một kế hoạch quảng cáo, truyền thông mới có yếu tố “bikini”.

Báo chí quốc tế trong lần đầu tiên viết về hãng bay này cũng từng gọi Vietjet Air là "hãng hàng không bikini". Trong khi đó, CEO của hãng, nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á Nguyễn Thị Phương Thảo từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng cái tên "hàng không bikini" gắn với Vietjet Air "chỉ là một tai nạn".

Mới đây nhất, sau khi kết thúc trận chung kết tại Trung Quốc, Vietjet Air nhanh chóng được xác định là đơn vị cung cấp chuyên cơ đón đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam trở về quê nhà sau giải đấu thành công của U23 châu Á.

Sau màn đón tiếp hoành tráng bằng vòi rồng và dòng chữ thể hiện tình yêu với U23 Việt Nam trên chuyên cơ, hãng hàng không Vietjet Air lại một lần nữa làm dậy sóng dư luận khi hình ảnh người mẫu Lại Thanh Hương ăn mặc thiếu vải trên chuyến bay trở các cầu thủ U23 Việt Nam được lan truyền chóng mặt trên các trang báo và mạng xã hội.

Qua những việc trên, đã có nhiều ý kiến trái chiều trước những vụ được cho là quảng cáo có phần “mạnh bạo” của Vietjet Air.

Có người bày tỏ ý kiến “Nếu thay những bộ bikini bằng tà áo dài truyền thống hoặc váy thì có lẽ hợp lý hơn”. Hoặc “Thật không thể chấp nhận nổi”, anh N.T bình luận.

Những phản ứng trái chiều và thành công của hãng

Tuy vậy, có người cho rằng đây cũng là một cách hay để có thể tạo nên sự đột phá mới mẻ cho một hãng hàng không mà nhiều người chưa nghĩ tới.

Ông Nguyễn Đức Sơn, giám đốc chiến lược thương hiệu cho Richard Moore Associates thì cho rằng nếu bỏ việc thích hoặc ghét sang một bên thì có thể thấy Vietjet Air rất biết cách xây dựng thương hiệu thông qua sự khác biệt.

Điều đó cho thấy họ vẫn khá nhất quán khi từ lúc ra mắt đến những năm sau đó, họ vẫn dùng hình ảnh những cô gái mặc bikini, nhằm xây dựng một hình ảnh trẻ trung, vui nhộn. “Không phải thương hiệu nào cũng biết cách xây dựng hình ảnh một cách nhất quán. Vietjet làm khá tốt điều này”, ông Sơn nhận xét.

Trong một lần trả lời trên một tờ báo, ông Nguyễn Ngọc Long, người sáng lập CLB Truyền thông Trăng Đen cho rằng xét về mặt thương hiệu thì việc Vietjet Air tung ra những hình ảnh người mẫu mặc bikini trên các chuyến bay là không đi ngược lại với thương hiệu đã được xây dựng từ đầu. Có chăng chúng ta nên chú tâm hơn vào chất lượng và những thứ mà Vietjet Air làm tốt hơn là lo lắng vào những hình ảnh ấy.

Theo như tính toán của CAPA, mức độ nhận diện của thương hiệu Vietjet Air tại Việt Nam đã lên tới 98%.

Có thể thấy rằng, đó cũng là một phần quan trọng trong việc giúp Vietjet Air chiếm 29% rồi đến 41% thị trường hàng không so với 43% của Vietnam Airlines và vượt xa Jestar Pacific chỉ sau năm năm ra đời. Đây được coi là một bước đi thần tốc, là điều kỳ diệu với một hãng hàng không còn non trẻ.

Nhìn chung việc thực hiện marketing với chiến lược phù hợp đã góp phần không nhỏ trong việc giúp Vietjet Air phát triển và tăng trưởng.

Điều giúp Vietjet Air chiến thắng và thành công trong việc marketing “sexy” mà nhiều hãng hàng không trên thế giới cũng đã từng áp dụng nhưng thất bại cũng một phần nhờ vào cách họ biết áp dụng quy luật “phù hợp” và nhất quán. Vì ngay từ những ngày đầu ra mắt, họ đã cho thấy đây là một hãng hàng không trẻ trung, mới mẻ và vui tươi. Thêm vào đó là từ những luồng ý kiến trái chiều về hình ảnh của Vietjet lại vô tình khiến mọi người chú ý hơn, biết về thương hiệu của hãng nhiều hơn.

Tuy nhiên, sau những vụ khiến dư luận xôn xao gần đây, hãng hàng không của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cần phải cẩn trọng hơn nữa để không vô tình tự đẩy mình vào chiều hướng tiêu cực quá đà.

Bài học rút ra là để tạo sự nổi bật và nhận dạng cho thương hiệu, cần phải tạo dựng sự khác biệt. Nhưng trên hành trình tạo cho mình sự nổi bật và khác biệt, cần phải chú ý đến sự phù hợp và “ngưỡng” nhất định, nếu vượt quá sự cho phép và chuẩn mực, thương hiệu ấy sẽ dễ bị tẩy chay.

Dương Huy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….