Sau khi Viettel và FPT nộp đơn lên Bộ Thông tin Truyền thông xin cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, Hiệp hội truyền hình trả tiền và một số doanh nghiệp kinh doanh truyền hình cáp đã gửi công văn đề nghị không cấp thêm giấy phép kinh doanh dịch vụ này. Vì sao? Ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc công ty viễn thông FPT (FPT Telecom) trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Khoa

Chúng tôi cũng đã liên hệ với đại diện của Viettel, nhưng tại thời điểm này Viettel chưa muốn phát biểu quan điểm nên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chỉ có thể thông tin đến bạn đọc quan điểm của FPT.

TBKTSG Online: FPT có ý kiến gì trước việc một số đơn vị đề nghị cơ quan chức năng không cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ truyền hình cáp cho các công ty viễn thông vì cho rằng FPT, Viettel và VNPT đầu tư ngoài ngành...?

- Ông Nguyễn Văn Khoa: FPT Telecom không đầu tư ngoài ngành.

Cần nói rõ rằng FPT Telecom không tham gia lĩnh vực sản xuất nội dung chương trình, mà chỉ truyền tải nội dung do các đơn vị khác sản xuất trên cơ sở phát huy thế mạnh về hạ tầng truyền dẫn, mạng cáp sẵn có của mình. Như thế không thể gọi là đầu tư ra ngoài ngành.

Việc các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như FPT tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, bên cạnh các doanh nghiệp đã có, sẽ giúp cho người xem có thêm nhiều lựa chọn về dịch vụ. Ngoài ra, do các công ty viễn thông như FPT sử dụng hạ tầng có sẵn nên công ty sẽ tăng được năng suất, hiệu quả sử dụng mạng lưới và xã hội cũng sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư.

FPT cho rằng, khi có thêm các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp mới, thị trường sẽ đa dạng hơn và người sử dụng có nhiều cơ hội để lựa chọn khi sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền.

Đâu là lý do khiến FPT thực sự muốn tham gia thị trường truyền hình trả tiền?

Truyền hình trả tiền sử dụng nhiều công nghệ khác nhau để đưa nội dung chương trình đến ti-vi trong nhà khách hàng, chẳng hạn như IPTV (truyền hình trên giao thức Internet), truyền hình cáp, truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh... Xu hướng hiện nay là hội tụ, là cung cấp nhiều loại hình dịch vụ trên một cơ sở hạ tầng của mạng viễn thông. Theo xu hướng đó, việc bổ sung dịch vụ truyền hình vào mạng viễn thông, truyền dẫn thông qua cáp đồng trục (truyền hình cáp) của mạng viễn thông là một việc làm tất yếu.

Công ty FPT chẳng hạn có hạ tầng đầy đủ tại gần 50 tỉnh thành phố, được thiết kế để truyền dẫn nhiều loại hình dịch vụ, bao gồm cả công nghệ truyền hình cáp số. Hạ tầng của FPT còn đa dạng về hình thức kết nối, khách hàng có thể lựa chọn cáp đồng (ADSL, VDSL) hay cáp quang với chiều dài từ mạng cáp đến nhà khách hàng chỉ trong khoảng 50-100 mét.

Vì sao FPT được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình qua internet IPTV rồi mà vẫn muốn tham gia thị trường truyền hình cáp?

Thực tế triển khai và xu hướng trên thế giới cho thấy, IPTV là công nghệ có nhiều tính năng, khả năng tương tác cao. Tuy nhiên công nghệ này đòi hỏi sự đầu tư lớn từ cả nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng. Do đó nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ làm không tốt, sẽ rất khó đảm bảo được hiệu quả đầu tư, thậm chí là lỗ nặng, trong khi đó truyền hình cáp đã được phổ cập trong một khoảng thời gian khá dài, tạo được sự thay đổi trong thói quen, suy nghĩ của người sử dụng và việc đầu tư mạng truyền hình cáp thường không lớn như một mạng viễn thông.

FPT có đủ điều kiện để tham gia thị trường truyền hình cáp không?

- FPT hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu mà pháp luật đã quy định (Theo Luật viễn thông và Quyết định 20/2011/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền). Hiện hồ sơ xin cấp phép của FPT đang được các cơ quan chức năng xem xét.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.