Dù đang bị cáo buộc trốn thuế và không tuân thủ các điều kiện kinh doanh với loại hình taxi nhưng Uber vẫn lên kế hoạch mở rộng hoạt động ra các thành phố khác của Việt Nam sau khi xuất hiện tại TPHCM hồi tháng 7.

Một xe chở khách thông qua dịch vụ Uber bị thanh tra giao thông TPHCM kiểm tra và lập biên bản tạm giữ giấy tờ xe hôm 28-11 - Ảnh: Anh Quân

Uber đang đối mặt với những cáo buộc không tuân thủ các điều kiện về kinh doanh vận tải tại Việt Nam.

Nhưng trao đổi với PV, ông Karun Arya, Giám đốc truyền thông của Uber tại khu vực Đông Nam Á khẳng định Uber vẫn sẽ thực hiện kế hoạch mở rộng hoạt động đến các thành phố khác của Việt Nam như Đà Nẵng…

Về câu hỏi mà TBKTSG Online nêu ra hôm 1-12 liên quan tới việc các cơ quan chức năng của TPHCM tiến hành lập biên bản và thu giữ giấy tờ xe của 5 lái xe chở khách sử dụng dịch vụ Uber, ông Karun Arya cho biết phía Uber không sở hữu hoặc vận hành bất cứ phương tiện chuyên chở hay nhân viên lái xe nào mà Uber chỉ kết nối yêu cầu của hành khách với những công ty vận tải dịch vụ đã được cấp phép.

Theo ông Karun Arya, Uber ra đời từ năm 2009, hiện có mặt tại 232 thành phố ở 50 quốc gia nhưng mới có mặt ở Việt Nam từ tháng 7-2014 và đang được người dùng đón nhận. Vì vậy, Uber đang tích cực làm việc với chính phủ các nước trên khắp thế giới để xây dựng những quy định dành cho mô hình công nghệ còn khá mới này.

Cụ thể, Uber đã ký hợp đồng với khoảng 200 công ty vận tải tại TPHCM. Đối tác của Uber là những công ty vận chuyển có đăng ký kinh doanh với nhà nước. Các phương tiện vận chuyển của đối tác cũng được kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và phải đăng ký bảo hiểm đầy đủ mới được kết nối tới người tiêu dùng. Điều này hoàn toàn phù hợp với luật giao thông ở Việt Nam, ông Arya cho biết thêm.

Tuy nhiên, khi được hỏi đối tác vận chuyển của Uber là đơn vị nào thì ông Karun Arya từ chối trả lời vì liên quan đến bí mật kinh doanh.

Trước những nghi vấn cáo buộc Uber đang hoạt động mà không đóng thuế, ông Karun Arya cho biết, các doanh nghiệp vận chuyển là đối tác sẽ có trách nhiệm đóng thuế cho nhà nước vì các doanh nghiệp này đã được cấp phép kinh doanh. Nếu phía đối tác của Uber trốn thuế, cơ quan chức năng có thể truy thu, căn cứ vào hợp đồng mà phía Uber trả tiền cho đối tác qua tài khoản ngân hàng.

Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc họp báo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hôm qua 1-12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, dịch vụ vận tải Uber là dịch vụ taxi trá hình, bất hợp pháp, ẩn chứa nhiều nguy cơ không an toàn. Cho dù giá rẻ hơn taxi truyền thống nhưng cả người lái xe và hành khách đều không được đảm bảo lợi ích chính đáng như bảo hiểm, các nguy cơ an ninh, an toàn khi xảy ra sự cố... Loại hình kinh doanh này cũng không đóng thuế đối với Nhà nước.

Tuy nhiên, báo Giao thông Vận tải dẫn lời của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại cuộc họp Ban cán sự Đảng Bộ GTVT hôm nay 2-12 rằng "Uber giá thấp hơn taxi truyền thống, người dân được hưởng lợi, sao ta không hợp pháp hóa để quản lý, phải bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm".

Người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu các đơn vị tham mưu rà soát lại nếu loại hình kinh doanh bằng phần mềm Uber chưa được quy định tại các Nghị định, Thông tư, hướng dẫn, thì phải đưa vào để bổ sung hợp pháp hoá. Phải làm sao để thuận tiện cho quản lý và người dân được hưởng lợi.

Uber là gì ?

Uber là loại hình dịch vụ kết nối thông qua phần mềm ứng dụng Uber trên smartphone để kết nối giữa người cần vận chuyển và lái xe. Khi hành khách cần đi xe thì chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình, hệ thống sẽ tự động kết nối với một chủ xe (có đăng ký ứng dụng Uber).

Khi nhận được kết nối từ hành khách, hệ thống sẽ hiển thị thông báo các thông tin về chi phí chuyến đi, thông tin về lái xe và đặc điểm nhận dạng chiếc xe sắp đến chở khách. Khi hành khách sử dụng dịch vụ Uber, cước phí sẽ được trả qua thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard.

Loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi truyền thống khoảng 20% và tỷ lệ ăn chia Uber hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%.

Tuy mới có mặt tại TPHCM vài tháng nay nhưng Uber được nhiều người dùng đánh giá cao về chất lượng phục vụ và giá cả. Lo ngại sự phát triển của dịch vụ này, mới đây Hiệp hội taxi TPHCM đã kiến nghị các cơ quan chức năng đưa Uber vào diện quản lý hoạt động với các điều kiện bắt buộc như taxi hiện nay.

Lê Anh (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.