Mới đây, ông Charoen Sirivadhanabhakdi, 68 tuổi, Chủ tịch Thai Beverage Public Company Ltd. (Thai Bev), hãng sản xuất bia lớn nhất Thái Lan đã đưa ra đề nghị mua lại 22% cổ phần của Fraser and Neave Ltd. (F&N - Singapore), một trong những cổ đông lớn nhất của Asia Pacific Breweries Ltd. (APB - Singapore), hãng sản xuất thương hiệu bia Tiger có tiếng ở châu Á.

Charoen Sirivadhanabhakdi

Không chỉ có vậy, con rể ông cũng muốn sung trận, với ý định mua 8,4% cổ phần của APB. Tính ra, tổng số tiền của hai khoản đầu tư này cỡ hơn 2 tỷ USD. Số tiền đầu tư trên ở khu vực Đông Nam Á đã có thể coi là lớn, song nào ngờ ngay cuối tuần qua, Heineken, hãng sản xuất bia lớn thứ ba thế giới của Hà Lan đã nhảy vào cuộc, với đề nghị “khủng” hơn rất nhiều.

Hiện sở hữu 42% cổ phần của APB, Heineken tuyên bố sẵn sàng chi ra 7,5 tỷ dollar Singapore (6 tỷ USD) để mua lại toàn bộ số cổ phần còn lại do F&N và một số cổ đông khác, như Ngân hàng Oversea-Chinese Banking Corp. (OCBC- Singapore), Great Eastern Holdings… nắm giữ.

Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đắt giá nhất của Heineken, kể từ khi hãng này bỏ ra 7,4 tỷ USD mua lại Công ty Fomento Economico Mexicano SAB (Femsa) của Mexico.

Đầu tuần này, trong phiên giao dịch ngày 23/7 tại Sở GDCK Singapore, giá cổ phiếu của APB đã tăng lên 49,50 dollar Singapore/cổ phiếu, tăng 18% so với phiên giao dịch trước đó (ngày 20/7), mức cao kỷ lục của cổ phiếu này từ trước đến nay.

Giá cổ phiếu của F&N cũng tăng 5,1%, lên 7,99 dollar Singapore/cổ phiếu. Động thái này cho thấy, giới đầu tư phản ứng khá thuận với đề nghị của Heineken.

Ngoài thương hiệu bia Tiger, APB hiện còn sở hữu thương hiệu bia Bintang ở Indonesia; Anchor ở Trung Quốc, Đông Nam Á, Sri Lanka và có quyền sản xuất, phân phối bia Heineken ở châu Á - châu Đại Dương.

Ông Goh Han Peng, chuyên gia phân tích về đồ uống của Công ty DMG & Partners cho biết, động thái mua lại này của Heineken là nhằm ngăn chặn ông Charoen Sirivadhanabhakdi và Thai Bev gia tăng ảnh hưởng tại thị trường bia châu Á, vốn đang rất hấp dẫn và có khả năng sinh lời cao.

“Trong quá khứ, Heineken rất thoải mái khi hợp tác với F&N, nhưng việc Thai Bev có ý định nhảy vào mua cổ phần đã làm thay đổi mối quan hệ này. Nếu Heineken không có phản ứng kịp thời, rất có thể Thai Bev sẽ dần tăng cổ phần trong F&N và sau đó thực sự nắm quyền kiểm soát APB”, ông Goh Han Peng nhận định.

Ông Jean-Francoi van Boxmeer, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Heineken phát biểu: “Chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với F&N trong hơn 80 năm qua (từ năm 1931), nhưng do một vài xáo trộn về tỷ lệ sở hữu tại F&N và APB, nên sự hợp tác này buộc phải thay đổi. Heineken đang hướng đến một chương mới trong hoạt động kinh doanh của mình tại châu Á”.

Trước động thái trên của Heineken, hai công ty sản xuất bia lớn nhất của Nhật Bản là Asahi Group Holdings Ltd. và Kirin Holdings Co. cũng bày tỏ ý định nhắm tới mục tiêu gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, nơi mà những người trẻ và nền kinh tế ngày càng phát triển đang góp phần đẩy mạnh doanh thu của bia. Theo dự báo, đến năm 2017, tổng số dân của Indonesia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia (những nước có xu hướng tiêu thụ bia mạnh ở khu vực) sẽ tăng lên 564 triệu người.

“Có thể dễ dàng nhận thấy là càng sở hữu nhiều cổ phần, các nhà sản xuất bia sẽ càng có nhiều lợi nhuận. Vì vậy, mở rộng quy mô là chiến thuật thông minh và đúng đắn của những nhà sản xuất này”, ông Masashi Mori, chuyên gia phân tích của Deutsche Bank AG - Chi nhánh tại Nhật Bản nhận xét.

Theo Hãng Bloomberg, tuy là công ty sản xuất bia lớn thứ ba thế giới (nắm 8,8% thị phần toàn cầu), song trong các hãng bia lớn nhất thế giới, Heineken có mức độ hiện diện thấp nhất tại các thị trường mới nổi. Vì thế, Heineken chỉ chờ có dịp thuận lợi để đẩy mạnh đầu tư, mở rộng tầm hoạt động.

Thực ra, Anheuser-Busch InBev NV, hãng sản xuất bia lớn nhất thế giới (hiện nắm 18% thị phần toàn cầu) cũng đang bành trướng rất mạnh. Tháng 6 vừa qua, Anheuser-Busch InBev đã đạt được thoả thuận mua lại 50% cổ phần của Grupo Modelo SAB, hãng sản xuất bia lớn nhất Mexico, với giá 20,1 tỷ USD.

Nói thế để thấy, chỉ những nhà đầu tư “mạnh đạn” mới dám nhảy vào lĩnh vực sản xuất đồ uống có cồn ngày càng có sức hấp dẫn và có lãi lớn này.

Trở lại với câu chuyện về tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi. Theo xếp hạng mới nhất của Tạp chí Forbes (Mỹ), ông hiện là tỷ phú giàu thứ hai Thái Lan và 184 thế giới, với tổng tài sản ước tới 5,5 tỷ USD. Ông đã thành lập liên doanh với Hãng Carlsberg (Đan Mạch) sản xuất bia Chang (con voi), hiện được ưa chuộng thứ hai ở Thái Lan, sau Singha.

Ngoài lĩnh vực đồ uống, ông còn kinh doanh bất động sản, tài chính, bảo hiểm. Có thể nói, ông đang rất giàu, nhưng để ganh đua với Heineken trong việc giành quyền sở hữu APB thì rõ ràng là chưa đủ sức.

Theo Đầu tư chứng khoán
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.