Kawasaki nói: “Jobs không quan tâm đến giới tính, xu hướng tình dục, tôn giáo, chủng tộc, chiều cao, màu tóc hay bất cứ điều gì tương tự. Tất cả những gì ông ấy quan tâm là năng lực”.
Guy Kawasaki, giám đốc tiếp thị cho Canva và cố vấn mảng kinh doanh của Motorola (Google) nổi tiếng về thái độ sẵn sàng đổi mới và tinh thần kinh doanh. Trước khi thành danh, ông là một trong những nhân viên đầu tiên của Apple, vì vậy, ông có cơ hội gặp gỡ và làm việc với Steve Jobs.
Kawasaki thừa nhận rằng, làm việc cho Steve Jobs không hề dễ dàng, nhưng đó là những trải nghiệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông. Dưới đây là 3 trong số những bài học quan trọng nhất mà Guy Kawasaki học được từ Steve Jobs.
1. Nếu bạn muốn mọi thứ diễn ra theo đúng ý định, hãy đề ra tiêu chuẩn cao cho những mục tiêu của mình.
Tại diễn đàn toàn cầu Synergy ở New York, Kawasaki chia sẻ: “Jobs là một người cầu toàn. Đó là điều khiến ông ấy thành công như ngày hôm nay”.
Mỗi khi nhà sáng lập Apple xem xét một sản phẩm, ông ấy sẽ để cả nhóm cùng tham gia vào quá trình kiểm tra và phát triển cho đến khi nó trở nên hoàn hảo.
Quá trình này đôi khi dài và gian nan, tuy nhiên, nó khiến những sản phẩm được tạo ra theo cách tốt nhất. Việc đặt ra tiêu chuẩn cao cho những mục tiêu của công ty đã mang thương hiệu Apple ra toàn thế giới, cựu nhân viên Apple nói.
2. Sẵn sàng nhận lỗi sai
Tuy Jobs là người cầu toàn, nhưng ông ấy không phải lúc nào cũng đúng. “Một trong những bài học quan trọng nhất mà tôi học được từ Jobs là thay đổi suy nghĩ, sẵn sàng thừa nhận lỗi sai của bản thân và tạo ra đột phá mới”, Kawasaki chia sẻ.
Khi Jobs giới thiệu iPhone lần đầu tiên vào năm 2007, đó là một hệ thống khép kín. Không một ai ngoài Apple có thể tạo ra ứng dụng cho iPhone. Các nhà phát triển phần mềm đã phải dùng plugin Safari để giúp ứng dụng của họ hoạt động trên điện thoại vì chúng không thể truy cập trực tiếp vào hệ thống iPhone để đảm bảo tính bảo mật.
“Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau, Jobs đã đảo ngược 180 độ mọi thứ”, Kawasaki nói. Nhà sáng lập ra iPhone đã mở hệ thống khi ông nhận ra rằng, thật giá trị biết bao khi người dùng có thể sử dụng nhiều ứng dụng được viết bởi nhiều người khác.
"Tôi đã học được rằng, khi bạn đang sai lầm, khi bạn đã nhận ra điều chưa tối ưu, đó là dấu hiệu cho thấy trí tuệ đang thay đổi ý kiến của bạn". Kawasaki cho rằng, khi bạn có thể thừa nhận sai lầm và thay đổi, sự nghiệp của bạn sẽ tiến về phía trước. Nó cũng cho thấy sự dũng cảm và cam kết sự thành công.
“Khi bạn phát hiện ra sau lỗi lầm của mình, đừng cố lừa dối bản thân và kéo dài sai lầm. Hãy chấp nhận nó và thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách làm và sửa chữa lại mọi thứ. Điều đó sẽ đem lại lợi ích lớn cho chính bạn và tổ chức”.
3. Đối xử tốt với mọi người
Kawasaki nói: “Jobs không quan tâm đến giới tính, xu hướng tình dục, tôn giáo, chủng tộc, chiều cao, màu tóc hay bất cứ điều gì tương tự. Tất cả những gì ông ấy quan tâm là năng lực”.
Không gì quan trọng bằng việc bạn có năng lực. Để vào được Apple, yếu tố quan trọng nhất chính là khả năng bạn có thể đóng góp cho công ty. Bởi vậy, Steve Jobs luôn đối xử bình đẳng với tất cả mọi người và điều đó đã thúc đẩy nền văn hóa công bằng, bình đẳng ở Apple.
Thu Hoài (Trí thức trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.