Ông Tony Xu - nhà đồng sáng lập kiêm CEO của gã khổng lồ giao đồ ăn Mỹ DoorDash - luôn cần tốc độ.
Ông Xu sinh ra ở thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc). Ông được cha mẹ đặt tên là "Xun", có nghĩa là "thần tốc". Ông Xu không những sinh non, mà ca sinh nở chỉ diễn ra trong vài phút.
Ông Xu không giữ cái tên đó lâu. Sau khi chuyển đến Mỹ cùng gia đình vào năm 1989, ông nhận thấy bạn bè người Mỹ khó phát âm tên Xun. Vì thế, ông Xu quyết định đổi tên thành Tony, giống với ngôi sao sitcom kinh điển Who's the Boss.
Dù không còn tên Xun, ông Xu vẫn không mất đi nỗi ám ảnh về tốc độ. Chỉ bảy năm sau khi thành lập DoorDash khi đang theo học tại Đại học Stanford, vị giám đốc điều hành 36 tuổi quyết định phát hành cổ phiếu của công ty ra công chúng lần đầu. Đây là một trong những đợt IPO lớn nhất năm 2020.
Đợt IPO của DoorDash là một trong những thương vụ IPO lớn nhất năm 2020. Ảnh: Reuters.
Tăng trưởng thần tốc
DoorDash ra đời với tên gọi PaltoAltoDelivery.com vào năm 2013. Công ty bắt đầu chỉ với vỏn vẹn tám nhà hàng trên trang web và ba nhân viên giao hàng. Đó là ông Xu và hai nhà đồng sáng lập khác, Andy Fang và Stanley Tang. Đến giờ, nền tảng đã có đến 390.000 nhà hàng, hơn 18 triệu người dùng và 1 triệu nhân viên giao hàng, còn được gọi là Dahser.
Hồi tháng 1/2018, DoorDash chỉ nắm giữ khoảng 17% thị trường giao đồ ăn Mỹ, xếp sau các đối thủ Uber Eats và Grubhub. Chỉ vỏn vẹn hai năm sau, công ty đánh chiếm thành công 50% thị trường, vượt xa thị phần của Uber Eats (26%) và Grubhub (16%).
"DoorDash ra đời nhờ mẹ tôi. Bạn thấy đấy, bà ấy đã hình dung tất cả từ năm 1984, khi tôi còn là một đứa trẻ sinh non", ông Xu nói đùa về quyết định đặt tên Xun của mẹ ông.
Trên thực tế, ông bắt đầu quan tâm đến việc kinh doanh đồ ăn nhờ một nhà hàng Trung Quốc ở Champaign (bang Illinois). Đó là nơi mẹ ông làm phục vụ. Mẹ ông Xu vốn là một bác sĩ Trung Quốc nhưng không có giấy phép hành nghề y tại Mỹ. Trong suốt 12 năm, bà phải nhận ba công việc cùng lúc để kiếm tiền quay trở lại trường y.
Ông Tony Xu - nhà đồng sáng lập kiêm CEO của gã khổng lồ giao đồ ăn DoorDash.
Ông Xu cũng kiếm tiền bằng cách rửa bát thuê tại nhà hàng mẹ ông làm việc. Mục đích ban đầu của ông là tiết kiệm tiền mua máy chơi game Nintendo. Nhưng ở đó, ông Xu được chứng kiến cuộc đua khốc liệt giữa các nhà hàng truyền thống. Điều này thôi thúc ông sáng tạo ra nền tảng công nghệ DoorDash để giúp những doanh nghiệp nhỏ dễ dàng kết nối với khách hàng hơn.
"Mục tiêu cốt lõi mà chúng tôi cố đạt được là giúp các doanh nghiệp truyền thống cạnh tranh, thành công và phát triển trong thời đại thay đổi thần tốc này", ông Xu tuyên bố trong hồ sơ IPO của DoorDash.
Sau khi tốt nghiệp Đại học California-Berkeley với bằng kỹ sư công nghiệp, ông Xu làm việc cho McKinsey và eBay với ước mơ trở thành một nhà nghiên cứu ung thư.
Ông không nghĩ đến chuyện trở thành doanh nhân cho đến khi gặp hai nhà đồng sáng lập khác tại khóa học Startup Garage. Trong lớp học, ba người nảy ra ý tưởng về một dịch vụ giao đồ ăn sau khi trò chuyện cùng chủ một cửa hàng bánh.
Người này than vãn rằng họ không thể phục vụ bánh cho những khách hàng muốn giao bánh đến văn phòng làm việc. "Tôi thật sự thích dự án mà tôi đang làm cùng những người đồng sáng lập của mình. Tôi cũng thích làm việc với họ. Vì vậy, hãy cứ tiếp tục. Chỉ vậy thôi", ông Xu kể lại.
Trong hai năm đầu của DoorDash, mỗi ngày, ông Xu đều giao đồ ăn trên chiếc Honda Accord đời 2001 của mình. Nhưng công ty sớm phát triển vượt ngoài phạm vi đó.
Sau khi nhận khoản đầu tư 535 triệu USD từ quỹ Vision Fund của tập đoàn Nhật Bản SoftBank hồi năm 2018, quỹ đầu tư chính phủ Singapore GIC, quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital ở Thung lũng Silicon, DoorDash đã mở rộng hoạt động ở nhiều thành phố tại Mỹ, thậm chí sang Canada và Australia.
Chiếm lĩnh thị trường
Dịch Covid-19 không cản đà phát triển của DoorDash. Ngược lại, công ty thậm chí tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2020, sớm bỏ xa các đối thủ còn lại. Chỉ riêng trong quý III/2020, doanh thu của DoorDash tăng hơn 250% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu của Uber Eats và Grubhub chỉ tăng lần lượt 125% và 52%.
"Xu hướng chiếm lĩnh thị trường và tăng trưởng nhanh hơn đối thủ của DoorDash đã sớm hình thành từ trước đại dịch. Đại dịch chỉ thúc đẩy xu hướng này", nhà phân tích nghiên cứu cao cấp Tom White của D.A. Davidson bình luận.
Theo nhà phân tích Asad Hussain tại hãng PitchBook, DoorDash tăng tốc nhanh hơn đối thủ nhờ khả năng tìm ra các thị trường bị bỏ quên, chẳng hạn khu vực nông thôn ở Mỹ, rồi sớm xây dựng thương hiệu trước đối thủ.
Ông Xu tiết lộ công ty của ông đang ưu tiên Mỹ, Canada và Australia trước khi mở rộng sang các thị trường khác. "Chúng tôi muốn thâm nhập ít nhưng sâu, thay vì đánh chiếm khắp nơi", ông Xu chia sẻ.
DoorDash tăng trưởng nhanh trong năm 2020, sớm bỏ xa các đối thủ còn lại. Ảnh: Reuters.
Dĩ nhiên, DoorDash cũng phải đánh đổi nhiều để đạt tốc độ tăng trưởng thần tốc. Theo một cựu nhân viên của DoorDash, thời gian làm việc của ông Xu rất dài. Người này mô tả phong cách lãnh đạo của ông rất "nghiêm khắc" với "tiêu chuẩn rất cao".
"Tôi có những tiêu chuẩn cao vì tôi cho rằng mọi người có thể đạt được nhiều hơn những gì họ tưởng tượng", ông Xu nói với Nikkei Asian Review.
"Tôi luôn đặt ra tiêu chuẩn cao và nỗ lực nhiều để đạt tiêu chuẩn đó. Tôi rất biết ơn cha mẹ mình, vì họ không bao giờ đặt giới hạn cho những gì tôi có thể làm", ông nói thêm.
Hiện, ông Xu sống ở San Francisco với vợ và hai con. Ông muốn cho các con tuổi thơ giống mình. Đó là tự do khám phá bất kể ước mơ của chúng là gì.
"Suốt 12 năm, mẹ tôi đã làm ba công việc một ngày và trì hoãn những gì bà ấy thực sự muốn làm. Vì sự hy sinh của bà, tôi sẽ không trì hoãn giấc mơ của mình", ông chia sẻ.
-
Từ rửa bát thuê thành tỷ phú đứng sau gã khổng lồ giao đồ ăn Mỹ
05/01/2021 8:22 AMNhà sáng lập DoorDash từng được cha mẹ đặt tên là Xun, có nghĩa là "thần tốc". "Thần tốc" cũng là từ được dùng để miêu tả tốc độ tăng trưởng của DoorDash trong vòng bảy năm qua.
-
Chuỗi thức ăn nhanh Thái Lan tham gia cuộc đua cùng Grab, GoJek
16/07/2020 2:14 PMNgành dịch vụ giao đồ ăn của Thái tạo ra 35 tỷ baht (1,1 tỷ USD) doanh thu hàng năm và vẫn đang tăng trưởng. Công ty con của đại gia bán lẻ Central Group vừa mở bếp ảo đầu tiên.
-
Tài xế giao đồ ăn ở Trung Quốc - công việc đầy vất vả và nguy hiểm
03/07/2019 1:02 PMCác ứng dụng giao đồ ăn đang bùng nổ tại Trung Quốc, trở thành ngành công nghiệp trị giá hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên nhiều tài xế giao đồ ăn phải đánh cược mạng sống của họ.