Về việc Trung Quốc cử hàng chục tàu và máy bay hộ tống giàn khoan, gồm cả tàu quân sự và hải giám được phía Trung Quốc giải thích là hành động “tự vệ, đảm bảo giàn khoan được tác nghiệp bình thường”. Và Trung Quốc cũng cho rằng "sử dụng vòi rồng là mức độ nhẹ nhất khi va chạm trên biển".
Lúc 17 giờ ngày 8.5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tổ chức họp báo quốc tế về việc nước này đặt giàn khoan tại Biển Đông (thực chất là đặt trái phép tại vùng biển Việt Nam) do người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Vụ phó Vụ Báo chí Hồng Lỗi chủ trì.
Tham dự họp báo có Vụ phó Vụ Biên giới Hải đảo Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dịch Tiên Lương và Giám đốc điều hành kiêm Phó Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty dịch vụ Bãi dầu (COSL) Lý Dũng cùng đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế.

Thông tin được phía Trung Quốc đưa ra vẫn là muốn khẳng định nơi đặt trái phép giàn khoan HD-981 không thuộc vùng biển tranh chấp với Việt Nam.

Để chứng minh cho câu nói "vùng biển này không có bất cứ liên quan nào đến Việt Nam", ông Dịch Tiên Lương minh họa bằng bản vẽ giản lược có đánh dấu một số đảo tại Biển Đông, nơi đặt giàn khoan HD-981 cách đảo Tri Tôn (bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) 17 hải lý, cách bờ biển Quãng Ngãi 150 hải lý.

Đối với vấn đề quan trọng thuộc về lịch sử liên quan đến chủ quyền của Việt Nam mà phía Trung Quốc chỉ có thể lấp liếm bằng cách làm phép tính so sánh giữa 17 hải lý và 150 hải lý xem khoảng cách nào gần hơn.

Về việc Trung Quốc cử hàng chục tàu và máy bay hộ tống giàn khoan, gồm cả tàu quân sự và hải giám được phía Trung Quốc giải thích là hành động “tự vệ, đảm bảo giàn khoan được tác nghiệp bình thường”.

Về thông tin cho rằng chiến hạm của hai bên có mặt tại vùng biển đặt giàn khoan HD-981, ông Dịch Tiên Lương khẳng định, chiến hạm của Trung Quốc không tham gia bất cứ hoạt động nào tại khu vực này.

Phóng viên hỏi Trung Quốc có xác nhận đã sử dụng vòi rồng công suất lớn phun nước vào các tàu Việt Nam gây hư hại tàu thuyền và gây thương tích cho thủy thủ Việt Nam hay không, ông Dịch Tiên Lương trả lời sử dụng vòi rồng là mức độ nhẹ nhất khi va chạm trên biển.

Nhìn chung tại cuộc họp báo, sau khi nghe phía Trung Quốc diễn giải sự việc và trình bày quan điểm, tất cả các phóng viên quốc tế như AP, AFP, VOA, Nhật Bản… đều đặt những câu hỏi thể hiện quan điểm đứng về phía Việt Nam, còn phía Trung Quốc thì cho rằng đây là những câu hỏi mang tính phiến diện.

Tàu TQ dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam

Trước đó, sau khi Việt Nam tổ chức cuộc họp báo quốc tế ngày 7.5, thông tin về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, nhiều hãng truyền thông lớn như AP, AFP, Reuters, DPA... cùng các tờ báo uy tín trên thế giới đã đồng loạt đưa tin về sự kiện này, với nhiều bài viết nhấn mạnh hành động của Trung Quốc đã khiến căng thẳng trong khu vực leo thang và “sự hung hăng của Trung Quốc là đáng báo động với nhiều nước trong khu vực”.

Các báo cũng đánh giá hành vi này của Trung Quốc là “một trong những bước đi khiêu khích nhất” có thể dẫn đến “những xung đột nghiêm trọng hơn”. Các hãng truyền thông quốc tế cũng trích dẫn các đánh giá của giới học giả quốc tế cho rằng "chính sách của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, gây nên tình trạng căng thẳng ở Biển Đông".

Theo tin từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, hôm qua 8.5, tiếp tục phát hiện thêm 2 tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh và tàu hộ tống tên lửa của Trung Quốc hoạt động tại khu vực đặt giàn khoan HD-981, đặt trái phép trong thềm lục địa Việt Nam.

Cụ thể, ngoài các tàu hải cảnh, hải giám…của Trung Quốc hoạt động trái phép tại vùng biển Việt Nam, vào lúc 7 giờ 30 phút, Cảnh sát biển Việt Nam phát hiện cách giàn khoan 981 khoảng 11 hải lý có tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh của Trung Quốc.

Tiếp đó, vào lúc 11 giờ 45 phút, cách giàn khoan trên khoảng 10 hải lý, Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục phát hiện tàu hộ tống tên lửa của Trung Quốc.

Các tàu trên đang tham gia bảo vệ giàn khoan 981 bất hợp pháp của Trung Quốc đặt tại thềm lục địa Việt Nam. Hai tàu này thường xuyên cản trợ hoạt động hợp pháp của Cảnh sát biển Việt Nam.

Trước đó, tại cuộc họp báo Quốc tế do Bộ ngoại giao Việt Nam tổ chức chiều 7.5, ông Ngô Ngọc Thu – Phó Tư lệnh/Tham Mưu trưởng Cảnh sát biển cho hay, đến ngày 7.5.2014, Trung Quốc đã huy động, lúc cao nhất 80 tàu các loại, trong đó có 7 tàu quân sự gồm: Tàu hộ vệ tên lửa 534 và tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh số hiệu 753; cùng 33 tàu hải cảnh, hải giám, Ngư chính; và các tàu vận tải, tàu cá.

Ngoài ra hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự đã vào cách đảo Lý Sơn từ 50 – 60 hải lý.
Theo Một Thế Giới
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.