Cập nhật 22/03/2021 8:51 AM
Nhiều nhà đầu tư ít kinh nghiệm về bảo mật đã bị lấy cắp hết số Bitcoin đang giữ.

Vào cuối ngày làm việc, Joss Eynon thử đăng nhập vào ví Bitcoin trên laptop của anh. Đây là lần đầu tiên Eynon, nhà phát triển bất động sản, mở tài khoản này trong 5 năm qua.

Khoản đầu tư của anh vào năm 2017 trị giá 5.000 bảng, và giờ với giá Bitcoin tăng mạnh nó sẽ phải lớn hơn rất nhiều. Eynon đã đúng. 1,8 Bitcoin anh mua khi đó giờ có giá tới hơn 60.000 bảng. Eynon nhìn con số, đóng laptop lại và quyết định sẽ tìm cách tiêu tiền vào tuần tới, có thể là để mua nhà.

Nhưng chỉ tối hôm đó, khi kiểm tra lại trên điện thoại, số Bitcoin của Eynon đã mất hết. Nó đã bị chuyển tới một tài khoản ví ẩn danh nào đó.

“Chuyện đó xảy ra chỉ sau vài phút. Đăng nhập vào laptop có lẽ đã kích hoạt thứ gì đó, bởi đã vài năm tôi không kiểm tra lại”, Eynon nói với Telegraph.

Điểm yếu của Bitcoin

Eynon cho rằng anh đã bị dẫn tới một trang web lừa đảo với giao diện giống công ty cung cấp ví cho anh, blockchain.com. Thông tin nhập vào web lừa đảo đã khiến cho số Bitcoin của anh bị lấy cắp.

Coinfirm, công ty cung cấp dịch vụ tìm lại Bitcoin, cho biết họ đã nhận 53 phản hồi về website lừa đảo, và khuyến khích người dùng lưu giữ bằng chứng.

Chỉ khi giá trị Bitcoin tăng mạnh, những người sở hữu mới nhớ ra lượng tiền mã hóa mà họ đang có. Ảnh: Athena Bitcoin.

Những sự cố như của Eynon cho thấy phần nào rủi ro khi đầu tư vào Bitcoin, một loại tài sản phi tập trung và không hề có cơ chế đảm bảo nào của các tổ chức, chính phủ.

Dù giá Bitcoin tăng từ 6.000 lên 60.000 chỉ trong vòng một năm, thì bản chất rủi ro của loại hình đầu tư này vẫn giữ nguyên. Chính những đặc tính quan trọng nhất của Bitcoin như tính riêng tư và phi chính phủ khiến cho nó dễ bị khai thác.

Kể cả khi Eynon nhìn thấy được địa chỉ ví mà lượng Bitcoin của anh chuyển vào, nhờ đặc tính công khai của công nghệ chuỗi khối, thì anh cũng không biết ai sở hữu ví đó. Trừ khi chính người chủ ví thực hiện lệnh chuyển tiền trả lại, Eynon sẽ không bao giờ thấy số Bitcoin mà mình từng sở hữu nữa.

Eynon không phải nạn nhân duy nhất. Chainalysis, công ty theo dõi các biến động về tiền mã hóa, cho rằng 20% lượng Bitcoin đang lưu hành, tương đương khoảng 220 tỷ USD, đã bị mất hoặc khóa chặt bên trong các ví điện tử. Chỉ riêng năm 2020, đã có khoảng 523 triệu USD Bitcoin bị đánh cắp, còn con số năm 2019 là 344 triệu USD.

Hàng triệu người bị lừa bằng cách này hay cách khác. Vụ đánh cắp Bitcoin lớn nhất xảy ra vào năm 2020, khi chủ sở hữu có tên Josh Jones bị lấy mất lượng Bitcoin tương đương 40 triệu USD bằng thủ đoạn giả SIM.

Hiện nay rất nhiều người dùng đang trữ Bitcoin ở một hoặc nhiều sàn giao dịch. Tuy nhiên, những người cẩn trọng nhất vẫn chọn giữ chúng trong ví cứng, là các thiết bị lưu trữ sử dụng để lưu địa chỉ ví Bitcoin. Sự kiện Mt. Gox, khi đó đang là sàn giao dịch lớn nhất thế giới, bị đánh cắp hết Bitcoin xảy ra năm 2014 có lẽ vẫn còn ám ảnh nhiều người.

Nhiều năm kể từ khi ra đời, Bitcoin vẫn gần như không có giá trị. Nhiều người đào Bitcoin bằng chính máy tính của họ thời gian đầu, sau đó để luôn lượng Bitcoin trên máy và quên cả mật khẩu hoặc mã khôi phục.

Những câu chuyện đó ngày càng được kể lại nhiều hơn. Người đàn ông ở Wales đi tìm ổ cứng có 7.500 Bitcoin hay lập trình viên ở San Francisco quên mật khẩu ổ cứng có 7.000 Bitcoin là những trường hợp đã tự đánh mất hàng trăm triệu USD.

Dịch vụ mới cho những người bất cẩn

Chính những trường hợp như vậy đã mở ra một ngành kinh doanh mới: khôi phục những ví Bitcoin quên mật khẩu. Chuyên gia giấu tên lấy biệt danh Dave Bitcoin ở công ty Wallet Recovery Services (WRS) cho biết chỉ trong 6 tháng qua, khi giá Bitcoin tăng mạnh, số lượng khách hàng đến với công ty này đã tăng 3 lần.

“Nếu họ tìm thấy ví sau nhiều năm, giờ đây giá trị chắc chắn đã lên cao và thậm chí có thể thay đổi cuộc đời”, Dave Bitcoin chia sẻ. Công ty WRS đôi khi cũng mở được khóa từ những ví có trị giá hàng triệu USD, nhưng thường thì ví của khách hàng chỉ đáng giá vài nghìn USD.

Công ty này sử dụng một thuật toán để đoán mật khẩu, với xác suất thành công khoảng 35%. Nếu thành công, WRS sẽ lấy 20% giá trị ví.

Ví tiền Bitcoin của những người bất cẩn luôn là món mồi ngon của hacker. Ảnh: Coin Telegraph.

Đối với những ví đã bị lấy cắp tiền thì tỷ lệ thành công sẽ thấp hơn nhiều. Thay vì có một cơ quan điều tra như những vụ trộm thông thường, những người làm dịch vụ sẽ phải theo dõi đường đi của lượng Bitcoin đó. Dù Bitcoin là tiền mã hóa, đến một lúc nào đấy những kẻ trộm sẽ phải bán chúng đi để lấy tiền pháp định.

“Những ví không để trên sàn theo định nghĩa chuỗi khối là phi tập trung, nên sẽ không có tổ chức trung ương nào giúp cho việc điều tra. Đó là lý do những thời điểm bán lấy tiền thật, thường diễn ra trên các sàn giao dịch, là bằng chứng quan trọng đối với những nhà điều tra”, đại diện của Chainalysis chia sẻ.

Vào tháng 1, sàn giao dịch Dooga của Anh đã tìm lại được 32 triệu USD Bitcoin khi lượng tiền bị đánh cắp được chuyển tới 2 sàn giao dịch tại Mỹ. Các sàn giao dịch này sau đó đã đóng bằng tài khoản và trả lại tiền cho Dooga.

Tuy nhiên, những tên tội phạm cũng ngày càng tinh vi. Thay vì chuyển trực tiếp Bitcoin, chúng nghĩ ra cách chuyển đồng tiền này thành các loại tiền mã hóa khác khó theo dõi hơn, hoặc mua bán trên các sàn giao dịch khó bị pháp luật kiểm soát.

Tính phi tập trung, không bị điều phối lại chính là lý do khiến lượng Bitcoin bị mất khó có thể tìm lại. Ảnh: Bloomberg.

Dave Bitcoin của WRS thừa nhận điểm yếu của Bitcoin là dễ bị đánh cắp. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng người dùng có thể đảm bảo an toàn nếu chọn các sàn giao dịch có uy tín như Coinbase, hoặc đầu tư vào các quỹ giao dịch hoặc hình thức phái sinh thay vì trực tiếp sở hữu Bitcoin.

“Sau sự cố của Mt. Gox, mọi người tỉnh táo đều sẽ lựa chọn không giữ tiền trên sàn giao dịch. Giờ đây thì nhà đầu tư đã thoải mái hơn”, chuyên gia với biệt danh Dave Bitcoin nhận định.

Với Eynon thì lời khuyên đó đã muộn. Anh đang đi tìm một điều tra viên để cố gắng lấy lại số Bitcoin của mình.

“Tôi không muốn nói là mình không hề có lỗi gì. Rõ ràng là tôi đã không cẩn thận. Với tiền nằm trong tài khoản ngân hàng hay cổ phiếu trong quỹ đầu tư, mọi người đều hiểu nó chúng được lưu giữ như thế nào và ở đâu. Với tiền mã hóa, trừ khi có kiến thức tốt, người ta sẽ chẳng hiểu được. Tiền mã hóa rất khác mọi loại tài sản khác, bởi chúng không thực sự tồn tại”, nạn nhân này cho biết.

Theo Zing News
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….