Cập nhật 12/04/2013 9:36 AM
Có một câu chuyện khá thú vị trong ĐHCĐ FPT 2013. Một cổ đông hỏi: Lời khuyên nào cho cổ đông đặt niềm tin nào vào cổ phiếu FPT? Câu trả lời của lãnh đạo FPT: “Nếu muốn thuyết phục một bác nông dân có cổ tức đều đặn mà không trắng tay thì có thể chia sẻ rằng các thành viên HĐQT ngồi đây cũng chưa từng bán cổ phiếu nào”. Cổ phiếu FPT có thực sự giá trị như vậy ?
Chỉ tiêu kinh doanh năm 2013 của FPT

Điểm son của FPT

FPT (CTCP FPT – mã chứng khoán FPT, sàn HoSE) có kết quả kinh doanh năm 2012 với cả nghìn tỉ đồng tiền lãi.

Theo kế hoạch của FPT, năm 2013, mảng giáo dục dự kiến sẽ phấn đấu đạt 575 tỉ đồng doanh thu và 180 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 15% và 19%. Đây có thể không phải là mục tiêu quá xa khi năm 2012, giáo dục đã đóng góp vào mảng doanh thu và lợi nhuận của FPT khá đáng kể. Với đà tăng trưởng nhanh, cộng thêm việc mới đây FPT đã công bố kế hoạch mở rộng thêm các chương trình đào tạo ở bậc THPT và đã nhận được giấy phép mở trường THPT, dự kiến sẽ mở trường đầu tiên trong năm 2013, khiến cơ sở cho kỳ vọng mảng này sẽ tốt hơn, có thể bù đắp sự sụt giảm, chững lại ở một số lĩnh vực khác của FPT trong năm nay. Được biết, trường THPT đầu tiên FPT nhận được giấy phép có thể sẽ hoạt động dưới hình thức là trường đào tạo đầu vào cho trường đại học của FPT và các trường THPT sau này cũng vậy. Điều này cũng cho thấy, một hướng đi đào tạo giáo dục theo chuỗi khá bài bản, chiến lược của FPT.

Ngoài ra, như đã biết FPT đang có trường Đại học FPT và đang tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất cho trường này ở công viên phần mềm Hòa Lạc với sức chứa dự kiến khoảng 10.000 sinh viên. Trường này cũng đang có chiến lược mở rộng ngành nghề giảng dạy ngoài IT bao gồm tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh và cả hệ thạc sĩ. Tại ĐHCĐ 2013, lãnh đạo FPT khẳng định không có chuyện FTP từ bỏ mảng giáo dục và có lẽ FPT cũng chẳng dại gì bỏ lỡ miếng mồi ngon khi mà điều này đang mang đến những lợi ích kép: FPT sẽ loại bỏ được yếu tố cản trở tăng trưởng khi bù đắp đủ nhân công lao động chất lượng cao, từ đó có sức mạnh cạnh tranh so với các đối thủ khác. Đồng thời, doanh thu từ mảng này sẽ khiến FPT lớn mạnh hơn nhất là khi đây vẫn là giai đoạn FPT được hưởng thuế thu nhập DN ưu đãi cho mảng này, với mức thuế chỉ 5% trong vòng 9 năm, bắt đầu từ năm 2010.

“Giáo dục là một trong những mảng có tốc độ tăng trưởng và tỉ suất lợi nhuận cao nhất với tốc độ tăng trưởng doanh thu và tỉ suất lợi nhuận trước thuế đạt mức 2 con số là từ 38 - 40% trong vài năm trở lại đây. Việc mở rộng vào lĩnh vực giáo dục THPT nhiều khả năng sẽ đóng góp đáng kể vào tổng lợi nhuận chỉ sau một vài năm nữa”, Bộ phận phân tích chứng khoán HSC nhìn nhận. Nói cách khác, giáo dục sẽ không chỉ tạo đầu vào cho các mảng hoạt động khác của chính FPT mà còn có thế “mỡ nó rán nó” một cách ngoạn mục, cho tỉ suất sinh lời tốt hơn các những mảng khác.

Tài chính, BĐS có... sa lầy?

Ngược lại với giáo dục, các khoản đầu tư tài chính, bất động sản của FPT không có nhiều kết quả khả quan.

Cũng tại ĐHCĐ năm 2012, một lãnh đạo FPT từng chia sẻ, FPT sẽ chưa thoái vốn cũng như không đầu tư thêm vào các Cty không nằm trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi như: Chứng khoán FPT, Tiên phong Bank. Sang năm 2013, lãnh đạo FPT tiếp tục khẳng định chiến lược của FPT vẫn là OneFPT và tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là công nghệ. Vừa qua, ngày 9/12/2012 Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhong Bank) đã hoàn tất đợt tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng lên 5.550 tỉ đồng nhưng khoản mục đầu tư của FPT vào TienPhong Bank tại BCTC quý 4.2012 vẫn là 487,4 tỉ đồng (tỉ lệ sở hữu của FPT tại TienPhongBank sẽ giảm xuống còn 8,9%). Theo bà Lê Thị Ngọc Anh - Chuyên viên phân tích Cty VCBS, “dự phòng giảm giá đầu tư ngắn và dài hạn của FPT tăng mạnh trong năm 2012, chi phí dự phòng tăng 191 tỉ đồng (3,5 lần yoy) trong khi lợi nhuận hoạt động đầu tư thu về lại sụt giảm cho thấy hoạt động đầu tư có hiệu quả chưa cao”. Nhà đầu tư hẳn cũng rất thấu hiểu FPT không còn lựa chọn nào khác với khoản đầu tư Tienphong Bank ngoài chấp nhận ngâm vốn dài hạn, bởi ngân hàng này chỉ vừa mới cơ cấu lại và nếu muốn rút ra FPT hẳn sẽ phải chịu một phí tổn. Tuy vậy, điểm an ủi” của các cổ đông FPT là tuy giá trị lớn nhưng khoản đầu tư Tienphong Bank không tác động làm suy giảm nhiều đến vốn chủ sở hữu, do tỉ lệ trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn theo số vốn góp và toàn bộ số đầu tư tài chính dài hạn của FPT cũng chỉ chiếm khoảng 6% tổng tài sản.

Lấy tham vọng đa ngành để đánh đổi tăng trưởng xem ra dù là chiến lược của quá khứ, vẫn khiến FPT bị phân tán nguồn lực.

Riêng với CTCK FPT (FPTS) – một Cty liên kết mà FPT nắm 20% cổ phần, năm 2012, lợi nhuận sau thuế của FPTS đạt 126,5 tỉ đồng, giảm 16% so với năm 2011. Nguyên nhân khiến LNST giảm là do doanh thu tư vấn giảm 87% so với năm 2011, đạt 31,8 tỉ đồng trong khi năm 2011 đạt hơn 244 tỉ đồng. Tuy nhiên, doanh thu khác của FPTS đạt 149 tỉ đồng, gấp đôi năm 2011 nhờ thu về hơn 100 tỉ từ lãi tiền gửi và cho vay vốn. Vì vậy, chung cuộc, FPTS vẫn kinh doanh có lãi trong năm 2012 và với số dư tiền mặt khá lớn, chiến lược kinh doanh không tự doanh ít rủi ro, cổ đông FPT hoàn toàn có thể yên tâm về khoản đầu tư góp vốn này, ít nhất trong năm 2013.

Về bất động sản, FPT đang có một số dự án chính như: Công viên phần mềm Hòa Lạc, TP FPT Đà Nẵng và FPT Building ở Láng Hạ (Hà Nội). Tuy nhiên, các dự án này đều trong giai đoạn khởi công và trong tương lai ngắn khó có thể cho FPT doanh thu nào, nên đây có thể xem là những dự án tiềm năng mà chưa biết khi nào FPT sẽ đẩy mạnh do thị trường bất động sản vẫn đang gặp khó khăn.

Tóm lại, giáo dục, tài chính, bất động sản trước đây đã từng là tham vọng mở rộng đa ngành của FPT. Nhưng lấy tham vọng đa ngành để đánh đổi tăng trưởng xem ra dù là chiến lược của quá khứ, vẫn khiến FPT bị phân tán nguồn lực, trừ lĩnh vực giáo dục đang mang đến những bù đắp chậm chân của DN. Đà tăng trưởng chậm lại trong những năm gần đây, đặc biệt ở lĩnh vực cốt lõi sẽ là điều khiến FPT phải suy nghĩ, nhất là khi những người cầm đầu của FPT vẫn đang trong giai đoạn loay hoay tìm các nhân vật đủ năng lực và đồng chí hướng để chuyển giao quyền lực. Do đó, FPT khó có kỳ vọng sẽ có những bước đi mới mẻ, ngoạn mục hay cú hích đặc biệt nào từ những vị tướng già. Mặc dù, sự khôn ngoan và kinh nghiệm có thừa của những vị tướng này vẫn sẽ đảm bảo cho FPT là một DN CNTT dẫn đầu.

2012 - Kết quả kinh doanh giảm sau điều chỉnh

Từ cuối tháng 8/2012, FPT đã điều chỉnh kế hoạch giảm 15% nhưng kết thúc năm vẫn chỉ hoàn thành 92% kế hoạch. Kết thúc 2012, FPT đạt 25.350 tỉ đồng doanh thu, giảm hơn so với năm 2011 là 2,4% , chỉ hoàn thành 97% nếu tính trên kế hoạch đã điều chỉnh. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông Cty mẹ cũng giảm 8,4% so với năm 2011, đạt 1.540 tỉ đồng. Hai lĩnh vực có sự sụt giảm mạnh về doanh thu của FPT năm qua, là hai lĩnh vực lõi của DN: Thứ nhất, sản xuất, phân phối, bán lẻ sản phẩm công nghệ. Lĩnh vực này tuy có đóng góp 57% doanh thu nhưng vẫn giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Thứ hai, lĩnh vực tích hợp hệ thống. Với mức đóng góp 12% doanh thu, mảng này cũng giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.

Lê Mỹ (Diễn Đàn Doanh Nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….