“Tôi không bao giờ nhận là đại gia và cũng không thích người ta gọi mình như vậy vì tôi thấy rằng mình vẫn còn là một doanh nhân rất nhỏ bé. Hơn nữa, nước mình chưa có tiêu chí để đánh giá, xếp hạng thế nào thì được vào “hàng” giàu nhất. Nếu như có sự “xếp hạng” nào đó cũng chỉ là ta tự phong nhau mà thôi…” - ông Đỗ Quang Hiển, Tổng giám đốc Tập đoàn T&T đồng thời là Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, nói.
TGĐ Đỗ Quang Hiển: Không nhận mình là đại gia

Dáng thấp đậm, ăn mặc đơn giản, nhìn bề ngoài Đỗ Quang Hiển không có dáng vẻ của một doanh nhân. Nhưng với vai trò là Tổng giám đốc Tập đoàn T&T đồng thời là Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Đỗ Quang Hiển thực sự là một đại gia.

Trong căn phòng làm việc được bài trí khá đơn giản tại tầng 6 trụ sở Ngân hàng SHB trên đường Thái Thịnh, Hà Nội, câu chuyện giữa chúng tôi và ông xoay quanh việc doanh nhân thời hội nhập.

- Từng là cán bộ nghiên cứu ở Viện Công nghệ quốc gia nhưng ông lại là một trong những người lập công ty TNHH sớm nhất ở Hà Nội. Ngày đó rời cơ quan Nhà nước ra làm doanh nghiệp tư nhân là một quyết định liều lĩnh. Vì sao ông dám “liều” như vậy?

- Việc tôi làm doanh nghiệp cũng là sự ngẫu nhiên. Khi công tác ở Viện Công nghệ quốc gia, cơ quan cử tôi đi Ấn Độ nhập monitơ, tivi đen trắng, lắp ráp và đem đi bán. Năm 1993, với sự ủng hộ của bạn bè và các đối tác người Nhật, tôi mở Công ty TNHH T&T. Khi đó công ty TNHH còn rất ít vì vậy chúng tôi chịu sự quản lý từ cấp... phường trở lên.

Ban đầu T&T chỉ đơn thuần kinh doanh các sản phẩm điện dân dụng, độc quyền phân phối các sản phẩm điện tử của Nhật. Thời gian làm đại lý cho các công ty Nhật, tôi cùng các cộng sự đã học được rất nhiều kinh nghiệm quản trị và kinh doanh của người Nhật.

Sau khi tích lũy đủ vốn và kinh nghiệm, chúng tôi quyết định đầu tư sản xuất điện tử dân dụng và sản xuất xe máy. Sau đó, chúng tôi chuyển sang sản xuất cả hàng gia dụng, nhựa công nghiệp và các chi tiết nhôm.

Hiện T&T đang làm vệ tinh cho các tập đoàn lớn về lắp ráp ôtô của nước ngoài. Chúng tôi đã chuyển hướng trở thành tập đoàn sản xuất công nghiệp, tập trung vào lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao mà trong nước chưa có đơn vị sản xuất.

T&T cũng đang đẩy mạnh lĩnh vực khoáng sản, đã thành lập các công ty con và được một số địa phương cấp giấy phép khai thác và chế biến khoáng sản. Hiện T&T đã thành lập Công ty bất động sản T&T Land, tham gia các dự án đô thị, trung tâm thương mại, khu công nghiệp. T&T hiện đang là một cổ đông lớn của Ngân hàng SHB. Chiến lược của T&T là trở thành tập đoàn công nghiệp - tài chính và bất động sản.

- Nhân nói tới SHB, lý do nào khiến ông quyết định đầu tư vào ngân hàng khi mà ở Việt Nam đã có rất nhiều ngân hàng thương mại và đây cũng không phải lĩnh vực chuyên môn của ông?

- Khi tham gia ngân hàng phải có đủ yếu tố: độ am hiểu về ngân hàng, phải mạnh về tài chính và quản trị. Làm ngân hàng phải xác định lâu dài chứ không phải là vào vì cổ phiếu ngân hàng và kinh doanh kiểu "lướt sóng". Nếu suy nghĩ là vào ngân hàng theo xu thế sẽ thất bại ngay.

Với T&T, đầu tư vào ngân hàng là xu thế tất yếu. Các tập đoàn lớn trên thế giới bao giờ cũng bắt đầu từ đầu tư vào sản xuất công nghiệp, khi tập đoàn đó lớn lên thì họ sẽ đầu tư vào ngân hàng, tài chính để sinh lời bổ trợ sản xuất, tạo nên sự lớn mạnh của tập đoàn.

Làm ngân hàng cũng phải làm có hệ thống, bao gồm tài chính, chứng khoán, bảo hiểm thì mới đứng vững và phát triển được, còn nếu anh đi theo “độc canh” ngân hàng thì rất khó thành công. Chúng tôi biết mình đi sau nhưng không chọn con đường ngắn nhất mà chọn con đường bền vững nhất.

Hiện hơn 90% doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp lớn họ gắn kết với những ngân hàng lớn trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể... còn đang bỏ ngỏ.

Chúng tôi nhìn thấy điều này và xác định đó là đối tượng khách hàng của mình và điều đó cũng phù hợp với mục tiêu chúng tôi đặt ra với SHB là ngân hàng bán lẻ đa năng. Chính bởi sự lựa chọn đó, hiện nay SHB đã khẳng định được thương hiệu của mình, là ngân hàng ở tầm trung, có uy tín, có thương hiệu.

Vốn hiện nay chúng tôi có 2.000 tỉ đồng, với mạng lưới 50 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc, nhân lực trên 90% có trình độ đại học và trên đại học, các quy trình nghiệp vụ đã phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; công nghệ đang được hiện đại hóa, lượng khách hàng tăng trưởng rất lớn.

Hiện SHB là đồng sáng lập Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội; thành lập Công ty CP Quản lý quỹ Sài Gòn - Hà Nội. Chúng tôi đang cùng Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và một số đối tác khác, thành lập Công ty Bảo hiểm SHB-TKV. Mục tiêu chiến lược của SHB là đến năm 2010 sẽ trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại, đa năng và trở thành tập đoàn tài chính.

Kinh doanh ngân hàng quan trọng nhất là tránh rủi ro. Chúng tôi đã xây dựng một cơ chế thiết lập hệ thống quản trị rủi ro từ Hội đồng quản trị đến các phòng kinh doanh; xây dựng chương trình quản trị toàn hệ thống. Chúng tôi cũng đã tham gia tổ chức ngân hàng của châu Á để thường xuyên cập nhật kinh nghiệm quản trị rủi ro trong kinh doanh ngân hàng.

- Sau hơn 1 năm hội nhập cho thấy chúng ta càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới thì ngoài cơ hội, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều thách thức?

- Thực tế thì doanh nghiệp nào bây giờ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, kể cả các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng vậy.

Tuy nhiên, tôi cho rằng đã là doanh nghiệp thì phải biết chịu đựng và biết vượt ra khỏi những thách thức đó.

Doanh nghiệp ta khi hội nhập gặp nhiều thách thức vì tại sân nhà chúng ta phải đối đầu với các đối thủ mạnh hơn chúng ta rất nhiều, đó là các công ty đa quốc gia, các tập đoàn lớn của nước ngoài.

Song, tôi cho rằng trong khó khăn đó, doanh nghiệp phải tìm ra con đường đi của mình, hiểu rõ lợi thế của mình (nhất là lợi thế sân nhà), phải nhìn vào họ “sang nhà” chúng ta, họ thiếu cái gì thì chúng ta sẽ tập trung đầu tư suy nghĩ triển khai vào cái đó.

Thực tế nếu không hy sinh lợi ích cá nhân thì không những không phát triển mà còn có khả năng bị thôn tính. Chúng tôi đã và đang bị đặt trên bàn cân để lựa chọn: một là hy sinh lợi ích của cá nhân doanh nghiệp mình hai là bị đánh bật ra, không thể tồn tại. Thế nên gắn kết giữa các công ty, doanh nghiệp là xu thế bắt buộc. Đó có thể xem là tác động tích cực của hội nhập.

- Các doanh nghiệp thường có tâm lý ngại va chạm với cơ quan công quyền. Nhưng ông từng kiện Chi cục QLTT Vĩnh Long về việc xử phạt xe máy của T&T vi phạm sở hữu trí tuệ và đã thắng. Phải chăng, ông là người không sợ “va chạm” với các cơ quan chức năng?

- Trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống, các cụ ta có câu: “Thêm một kẻ thù là quá nhiều, thêm một người bạn là quá ít”. Là doanh nhân không ai dại gì đi va chạm nhưng để bảo vệ lợi ích sống còn của doanh nghiệp, bảo vệ miếng cơm manh áo của người lao động thì đó là việc chúng tôi phải làm.

Doanh nhân giờ đây không chỉ làm giàu cho mình mà còn làm giàu cho doanh nghiệp, cho người lao động và xã hội. Nếu người chủ doanh nghiệp vì ngại va chạm mà không đứng ra bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp mình, của người lao động trong doanh nghiệp mình thì không xứng đáng là doanh nhân.

- Ông có nghĩ mình là đại gia?

- Tôi không bao giờ nhận là đại gia và cũng không thích người ta gọi mình như vậy vì tôi thấy rằng mình vẫn còn là một doanh nhân rất nhỏ bé. Hơn nữa, nước mình chưa có tiêu chí để đánh giá, xếp hạng thế nào thì được vào “hàng” giàu nhất. Nếu như có sự “xếp hạng” nào đó cũng chỉ là ta tự phong nhau mà thôi.

Tôi nghĩ trong lúc đất nước còn đang khó khăn mà các doanh nhân mải mê săn giải thưởng hay xếp hạng giàu nhất, giàu nhì là điều không nên. Chúng ta hãy động viên nhau cùng cố gắng thì tốt hơn. Còn nếu tự đánh giá, tôi thấy mình mới chỉ là... tiểu gia thôi (cười).

- Ông có thể cho biết thu nhập của người lao động trong tập đoàn?

- Hiện tổng cộng cả T&T và SHB chúng tôi đang có trên 3.000 người. Mức lương bình quân của người lao động ở khối văn phòng kinh doanh (ngoài sản xuất) là 5-6 triệu đồng/tháng, lao động ở khối sản xuất 2 triệu đồng/tháng.

- Tiêu chí để tuyển nhân viên của ông là gì?

- Tôi chỉ có 3 tiêu chí: ngoài năng lực chuyên môn còn phải biết... giao tiếp và rung động trước cái đẹp (cười). Đấy là cách nói vui thôi, thực tế hiện nay mỗi người phải có sức khỏe để chịu được áp lực công việc và phải có khả năng thích ứng với hoàn cảnh, đây là điều rất quan trọng trong thời đại hội nhập.

- "Nội tướng" của ông cũng làm kinh doanh?

- Không, bà xã tôi công tác ở Tổng cục Hậu cần - Bộ Công an. Vợ tôi hiểu và thông cảm với công việc của tôi và biết lo lắng, chăm sóc gia đình. Chúng tôi có 2 cháu trai, cháu lớn đang học Singapore, cháu thứ 2 đang học lớp 7.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Thiêm (ANTG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Chân dung “thiếu gia nghìn tỷ” nhà doanh nhân Đỗ Quang Hiển

    Chân dung “thiếu gia nghìn tỷ” nhà doanh nhân Đỗ Quang Hiển

    07/09/2020 3:51 PM

    Đỗ Quang Vinh – con trai cả của Chủ tịch Tập đoàn T&T Group và ngân hàng SHB Đỗ Quang Hiển là một trong những nhân vật thuộc thế hệ F2 sáng giá nhất trong các gia đình tỉ phú hiện nay tại Việt Nam.

  • Sự im lặng đáng nể của Bầu Hiển

    Sự im lặng đáng nể của Bầu Hiển

    09/02/2015 3:58 PM

    Mỗi bước đi đều táo bạo gây bất ngờ cho thị trường nhưng cũng khiến cổ đông yên lòng. Ông Đỗ Quang Hiển - thường được gọi là bầu Hiển trong bóng đá - đang chứng tỏ một chiến lược mua bán DN đầy tham vọng. Tuy vậy, trong mọi thương vụ vừa qua, ông vẫn giữ được phong cách trầm tĩnh và rất ít xuất hiện.

  • Con trai bầu Hiển và Lý Nhã Kỳ

    Con trai bầu Hiển và Lý Nhã Kỳ

    11/12/2013 10:48 AM

    Cách đây ít lâu, Đỗ Quang Vinh, 25 tuổi, con trai lớn của bầu Hiển, lần đầu tiên lên báo. Khác với hình dung của nhiều người, và gây bất ngờ với những người tin rằng thái tử nhà đại gia phải thế này thế kia, Vinh đã gây một làn sóng mới trong dư luận với thổ lộ "không đi siêu xe, không dùng đồ hiệu, khoái dùng xe máy, mua hàng sale off và ăn quán vỉa hè".

  • Bầu Hiển: 'Không vì nợ xấu, Habubank chẳng cần tới chúng tôi'

    Bầu Hiển: 'Không vì nợ xấu, Habubank chẳng cần tới chúng tôi'

    15/11/2013 7:45 AM

    SHB được gán mác quán quân nợ xấu trong ngành ngân hàng sau khi sáp nhập Habubank, tuy nhiên Chủ tịch Đỗ Quang Hiển vẫn tin sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 5% vào cuối năm nay.

  • Vinashin vẫn 'có phần' trong 5.000 tỷ đồng nợ xấu SHB

    Vinashin vẫn 'có phần' trong 5.000 tỷ đồng nợ xấu SHB

    23/08/2013 7:44 AM

    Đang có nợ xấu dẫn đầu khối ngân hàng niêm yết nhưng theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê, đến cuối năm, SHB có thể đưa tỷ lệ này về dưới 5%.

  • Chủ tịch SHB: "Ở tuổi này, đừng lo tôi làm bậy”

    Chủ tịch SHB: "Ở tuổi này, đừng lo tôi làm bậy”

    09/04/2013 9:05 AM

    Phát biểu tại ĐHCĐ thường niên năm 2013, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội cho rằng, vì SHB, ông sẵn sàng họp đến 2-3 giờ chiều, rồi ăn mì tôm và làm việc tiếp.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.